13

Th9

Mỗi cá nhân đều có quyền được sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, sức khoẻ, quyền được pháp luật bảo hộ về danh sự, nhân phẩm, uy tín, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác. Khi một cá nhân bị người khác xâm phạm, dẫn đến thiệt hại về các quyền, lợi ích hợp pháp được pháp luật bảo hộ, thì có quyền Khởi kiện yêu cầu người xâm phạm phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài Hợp đồng được quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015. Theo đó, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có đủ các yếu tố như sau:

(1) Phải có thiệt hại xảy ra. Thiệt hại bao gồm cả thiệt hại về vật chất (ví dụ như thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm …) và thiệt hại do tổn thất về tinh thần (ví dụ như người bị thiệt hại, giảm sút về mặt tình cảm, tinh thần, danh dự, uy tín bị xâm phạm …)

(2) Có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác. 

(3) Mối quan hệ nhân quả giữa Hành vi xâm phạm và thiệt hại xảy ra. Căn cứ này được hiểu là: thiệt hại xảy ra là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm, và ngược lại chính hành vi xâm phạm là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại xảy ra.

Như vậy, để khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bị xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp, cần phải đáp ứng đủ 3 căn cứ nêu trên và không cần xét đến yếu tố lỗi của người gây ra thiệt hại. Người chịu trách nhiệm bồi thường có thể tự chứng minh mình không có lỗi hoặc lỗi vô ý để được xem xét giảm mức bồi thường thiệt hại, đồng thời người yêu cầu bồi thường thiệt hại không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của người chịu trách nhiệm bồi thường.

Việc chứng minh thiệt hại thuộc về phía Người yêu cầu bồi thường thiệt hại (đó có thể là hoá đơn, chứng từ thể hiện chi phí liên quan đến thiệt hại, khắc phục thiệt hại, những khoản thu nhập bị mất bị giảm sút do hành vi xâm phạm gây ra …).

Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp: có phát sinh thiệt hại, có hành vi xâm phạm, và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm và thiệt hại là sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường. Pháp luật quy định người gây ra thiệt hại được miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại (tức không phải chịu trách nhiệm bòi thường) trong trường hợp thiệt hại xảy ra là do Sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại (trừ khi các bên có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác). Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Hiện tại, HĐTP TANDTC đang xây dựng Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong đó quy định hướng dẫn về căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH, nguyên tắc BTTH, năng lực chịu trách nhiệm BTTH của cá nhân, thời hiệu khởi kiện, các trường hợp BTTH …

Hy vọng Nghị quyết mới ra đời sẽ góp phần chuẩn hoá, thống nhất việc hiểu và áp dụng pháp luật trong giải quyết các vấn đề liên quan trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài Hợp đồng.

LUẬT 3S | Ngày 13/09/2021

Tin tức liên quan