03

Th4

ĐIỀU KIỆN ĐỂ DI CHÚC MIỆNG CÓ HIỆU LỰC

Quyền để lại thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân. Thông qua di chúc người để lại di sản thực hiện ý chí định đoạt tài sản của mình sau khi chết. Thông thường di chúc sẽ được lập thành văn bản. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định. Việc lập di chúc bằng miệng vẫn được pháp luật thừa nhận. Vậy, điều kiện nào để di chúc miệng có hiệu lực?

1. Điều kiện để di chúc miệng có hiệu lực

Căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Một là, nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội

Theo quy định tại Điều 631 BLDS 2015, di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau: a) Ngày, tháng, năm lập di chúc; b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; d) Di sản để lại và nơi có di sản và các nội dung khác như: chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ; xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; Xác định ai là người phụ trách quản lý di sản ….

Đối với trường hợp nội dung không được vi phạm điều cấm của luật dó thể hiểu là việc ý chí của người lập di chúc không rơi vào các trường hợp cấm được liệt kê trong các văn bản luật cụ thể. Đối với trường hợp không trái đạo đức xã hội, trường hợp này có thể hiểu là di chúc miệng của người để lại di chúc không có những nội dung đi ngược lại các chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

Hai là, Người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép

Nguyên tắc tự nguyện trong việc tham gia các giao dịch dân sự là một nguyên tắc cơ bản được ghi nhận tại Bộ luật dân sự năm 2015. Trong giao dịch dân sự, các bên đều phải hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe dọa, ngăn cản bên nào. Việc lập di chúc cũng tương tự như các giao dịch khác, cũng phải thể hiện ý chí tự nguyện của người lập di chúc. Vì vậy, muốn xác định một di chúc có phải là ý chí tự nguyện của người lập di chúc hay không, cần phải dựa vào sự thống nhất giữa ý chí của người lập di chúc và sự thể hiện ý chí đó trong nội dung của di chúc. Chỉ khi nào di chúc phản ánh một cách trung thực, khách quan những mong muốn của người lập di chúc thì sự định đoạt đó mới được coi là tự nguyện. Trong trường hợp người lập di chúc bị đe dọa thì di chúc đó bị vô hiệu, không phát sinh hiệu lực pháp luật. Mọi hành vi lừa dối, đe dọa, cưỡng ép… người lập di chúc đều bị coi là trái pháp luật.

Ba là, hoàn cảnh lập di chúc miệng

Không phải mọi hoàn cảnh đều được lập di chúc miệng mà di chúc miệng chỉ được lập khi người để lại di chúc đang trong hoàn cảnh bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản (khoản 1 Điều 629). Cần lưu ý là hoàn cảnh lập di chúc phải đáp ứng đủ hai yếu tố, một là người lập di chúc ở trong tình trạng tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng và hai là họ không thể lập di chúc bằng văn bản được. Nếu trong tình trạng nguy hiểm tính mạng nhưng vẫn có thể có khả năng lập văn bản cho di chúc thì di chúc miệng cũng không được công nhận.

Bốn là, phải có người làm chứng

Người lập di chúc miệng phải thể hiện ý chí cuối cùng mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngày sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng (khoản 5 điều 630 BLDS).

Như vậy, nếu việc lập di chúc không đủ ít nhất hai người làm chứng hoặc nếu có đủ hai người làm chứng nhưng nội dung di chúc không được người làm chứng ghi chép lại bằng văn bản cùng ký tên và điểm chỉ và được công chứng hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác thực chữ ký điểm chỉ của họ trong 5 ngày lam việc kể từ khi người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của họ thì di chúc miệng cũng xem như không hợp pháp.

Có thể thấy vai trò của người làm chứng rất quan trọng. Họ cần phải giúp đỡ người lập di chúc miệng thực hiện thủ tục để di chúc được công nhận hợp pháp theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khách quan, người làm chứng cho di chúc miệng không được là những người sau đây:

– Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 gồm:

+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

– Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;

– Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự

(Điều 632 BLDS 2015)

Tóm lại, di chúc miệng phải đảm bảo đáp ứng đủ 4 yếu tố nêu trên. Nếu không đáp ứng được một trong các yếu tố nêu trên thì di chúc miệng được xem là không hợp pháp. Khi đó tài sản của người chết để lại sẽ phải phân chia theo quy định của pháp luật về thừa kế theo pháp luật.

2. Hiệu lực của di chúc miệng

Theo Điều 629 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, sau 03 tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Như vậy, khi người lập di chúc trong hoàn cảnh bị đe dọa tính mạng, nguy kịch,…thì người đó hoàn toàn được quyền lập di chúc miệng và phải có người làm chứng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, sau 03 tháng kể từ ngày người đó lập di chúc mà người đó còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Cần lưu ý thêm, nội dung di chúc miệng phải là ý chí cuối cùng của người để lại di chúc. Tức phải là bản di chúc cuối cùng. Nếu sai khi lập di chúc miệng đáp ứng đầy đủ các điều kiện công nhận hợp pháp theo quy định nhưng sau đó họ lại tiếp tục rơi vào tình trạng nguy hiểm tính mạng và họ thay đổi nội dung di chúc thì bản di chúc cuối cùng do người làm chứng ghi nhận và thực hiện công chứng, chứng thực theo quy định được xem là hợp pháp. Những bản di chúc trước không có hiệu lực pháp luật.

 

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan