07

Th7

ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC KHẤU TRỪ THUẾ GTGT KHI MUA VÀO/NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ DỊCH VỤ

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là một loại thuế gián thu, được tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Trong hệ thống pháp luật thuế Việt Nam, việc khấu trừ thuế GTGT đầu vào là một cơ chế quan trọng giúp doanh nghiệp giảm thiểu gánh nặng thuế, đảm bảo tính công bằng và tránh tình trạng thuế chồng thuế. Tuy nhiên, để được khấu trừ thuế GTGT, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt theo quy định pháp luật. Bài viết này sẽ phân tích các điều kiện để được khấu trừ thuế GTGT khi mua vào hoặc nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ thoe quy định mới nhất của Luật thuế giá trị gia tăng.

1. Điều kiện khấu trừ thuế GTGT khi mua vào/nhập khẩu hàng hoá dịch vụ

Căn cứ tại Khoản 2, Điều 14, Luật Giá trị gia tăng số 48/2024/QH15 được hướng dẫn bởi Điều 26 Nghị định 181/2025/NĐ-CP quy định điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào như sau:

(a) Có hóa đơn GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng thay cho phía nước ngoài theo quy định.

(b) Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ 05 triệu đồng trở lên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng trừ một số trường hợp đặc thù theo quy định của Chính phủ (quy định tại khoản 2 điều 26 Nghị định 181/2025/NĐ-CP)

Ví dụ: Công ty B mua một máy in trị giá 15 triệu đồng (đã bao gồm thuế GTGT) từ Công ty C. Trường hợp Công ty B thanh toán bằng chuyển khoản qua ngân hàng và có hóa đơn GTGT hợp lệ, giao dịch này đáp ứng đủ điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo khoản 2 Điều 14 Luật Thuế GTGT 2024.

Ngược lại, nếu Công ty B thanh toán bằng tiền mặt, dù hóa đơn vẫn đúng quy định và giao dịch là có thật, thì không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào do không đáp ứng điều kiện về phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, nếu việc thanh toán bằng tiền mặt rơi vào một trong các trường hợp đặc thù được liệt kê tại khoản 2 Điều 26 Nghị định 181/2025/NĐ-CP (chẳng hạn như thanh toán bù trừ công nợ, thanh toán ủy quyền qua bên thứ ba, mua trả chậm…), thì vẫn có thể được khấu trừ nếu doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ chứng minh theo hướng dẫn pháp luật.

(c) Đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, ngoài các điều kiện trên còn phải có:

– Hợp đồng ký kết với bên nước ngoài về việc bán, gia công hàng hóa, cung cấp dịch vụ;

– Hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ;

– Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt;

– Tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu;

– Phiếu đóng gói, vận đơn, chứng từ bảo hiểm hàng hóa (nếu có).

2. Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt

Theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 181/2025/NĐ-CP: “Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt là chứng từ chứng minh việc thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, trừ các chứng từ bên mua nộp tiền mặt vào tài khoản của bên bán.”

Chứng từ chứng minh việc thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định Nghị định 52/2024/NĐ-CP là các chứng từ phát sinh khi chủ tài khoản sử dụng các phương tiện thanh toán sau đây để thực hiện giao dịch thanh toán, bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng (bao gồm: thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước), ví điện tử và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Đây là hình thức thanh toán sẽ dùng tài khoản mang tên bên mua thực hiện thanh toán cho tài khoản mang tên bên bán thông qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nêu trên.

Lưu ý: Bên mua nộp tiền mặt trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của bên bán không được coi là thanh toán không dùng tiền mặt.

3. Một số trường hợp đặc thù không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hoá, dịch vụ mua vào theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 14 Luật Thuế giá trị gia tăng

Căn cứ khoản 2 Điều 26 Nghị định 181/2025/NĐ-CP, sau đây là những nhường hợp đặc thù không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt:

a) Thanh toán bù trừ giá trị hàng hóa mua vào, bán ra giữa hai bên

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức thanh toán bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng mà phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có biên bản đối chiếu số liệu và xác nhận giữa hai bên về việc thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ mua vào với hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng. Trường hợp bù trừ công nợ qua bên thứ ba phải có biên bản bù trừ công nợ của ba bên làm căn cứ khấu trừ thuế.

Ví dụ: Công ty A chuyên cung cấp xi măng cho Công ty B, tổng giá trị trong tháng là 150 triệu đồng. Ngược lại, Công ty B lại bán cát xây dựng cho Công ty A với tổng giá trị là 130 triệu đồng. Hai bên có thỏa thuận rõ trong hợp đồng: sẽ thực hiện bù trừ công nợ tương ứng với giá trị giao dịch hàng hóa giữa hai bên.

Tại cuối kỳ, Công ty A và B lập biên bản đối chiếu công nợ, xác nhận số tiền được bù trừ là 130 triệu đồng, Công ty B còn phải thanh toán cho Công ty A phần chênh lệch là 20 triệu đồng. Trong trường hợp này, nếu mỗi bên có hóa đơn GTGT hợp lệ, hợp đồng quy định rõ phương thức thanh toán, và biên bản đối chiếu được lưu trữ đầy đủ, thì cả hai bên đều được khấu trừ thuế GTGT đầu vào tương ứng.

b) Thanh toán bù trừ công nợ qua bên thứ ba

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức bù trừ công nợ như vay, mượn tiền; cấn trừ công nợ qua bên thứ ba mà phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có hợp đồng vay, mượn tiền dưới hình thức văn bản được lập trước đó và có chứng từ chuyển tiền từ tài khoản của bên cho vay, cho mượn sang tài khoản của bên đi vay, đi mượn đối với khoản vay, mượn bằng tiền bao gồm cả trường hợp bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với khoản tiền mà bên bán hỗ trợ cho bên mua, hoặc nhờ bên mua chi hộ.

c) Thanh toán ủy quyền qua bên thứ ba

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào được thanh toán ủy quyền qua bên thứ ba thanh toán không dùng tiền mặt (bao gồm cả trường hợp bên bán yêu cầu bên mua thanh toán không dùng tiền mặt cho bên thứ ba do bên bán chỉ định) thì việc thanh toán theo ủy quyền hoặc thanh toán cho bên thứ ba theo chỉ định của bên bán phải được quy định cụ thể trong hợp đồng dưới
hình thức văn bản và bên thứ ba là một tổ chức hoặc thể nhân đang hoạt động theo quy định của pháp luật.

d) Thanh toán bằng cổ phiếu, trái phiếu

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng cổ phiếu, trái phiếu mà phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có hợp đồng mua bán dưới hình thức văn bản được lập trước đó.

đ) Thanh toán một phần bằng tiền mặt, còn lại bằng chuyển khoản

Trường hợp sau khi thực hiện các hình thức thanh toán nêu tại điểm a, b, c và d khoản này mà phần giá trị còn lại được thanh toán bằng tiền có giá trị từ 05 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

e) Thanh toán vào tài khoản cưỡng chế của bên bán tại Kho bạc Nhà nước

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào được thanh toán không dùng tiền mặt vào tài khoản của bên thứ ba mở tại Kho bạc Nhà nước để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ (theo Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) thì được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào xác định tương ứng với số tiền chuyển vào tài khoản của bên thứ ba mở tại Kho bạc Nhà nước.

g) Mua hàng trả chậm/trả góp

Đối với hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị hàng hóa, dịch vụ mua từ 05 triệu đồng trở lên, cơ sở kinh doanh căn cứ vào hợp đồng mua hàng hóa, dịch vụ bằng văn bản, hóa đơn giá trị gia tăng và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp để khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Trường hợp chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng, phụ lục hợp đồng thì cơ sở kinh doanh vẫn được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Trường hợp đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng, phụ lục hợp đồng, cơ sở kinh doanh không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì cơ sở kinh doanh phải kê khai, điều chỉnh giảm số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng, phụ lục hợp đồng.

h) Hóa đơn mua hàng hoá/dịch vụ từng lần có giá trị dưới 05 triệu đồng

Trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới 05 triệu đồng, hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới 05 triệu đồng theo giá đã có thuế giá trị gia tăng và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng, hàng mẫu không phải trả tiền của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thì không cần chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào.

i) Ủy quyền cho nhân viên của doanh nghiệp thanh toán

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng được ủy quyền cho cá nhân là người lao động của cơ sở kinh doanh thanh toán không dùng tiền mặt theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của cơ sở kinh doanh, sau đó cơ sở kinh doanh thanh toán lại cho người lao động bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thì được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Lưu ý: Lưu ý trường hợp mua hàng hoá, dịch vụ nhiều lần của cùng một người nộp thuế trong một ngày

Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ của một người nộp thuế có giá trị dưới 05 triệu đồng nhưng mua nhiều lần trong cùng một ngày có tổng giá trị từ 05 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan