08

Th9

Doanh nghiệp không được đầu tư kinh doanh vào những ngành nghề nào?

(LUẬT 3S) – Luật doanh nghiệp 2020 quy định doanh nghiệp có quyền Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm. Vậy, những ngành nghề mà pháp luật cấm là những ngành nghề nào, hậu quả pháp lý của việc kinh doanh các ngành nghề bị cấm sẽ như thế nào. Mời các bạn đọc cùng tham khảo bài viết sau:

 

I. CÁC NGÀNH NGHỀ BỊ CẤM ĐẦU TƯ, KINH DOANH

Các ngành nghề bị cấm đầu tư, kinh doanh được quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020, bao gồm:

1. Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;

2. Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;

3. Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;

4. Kinh doanh mại dâm;

5. Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;

6. Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

7. Kinh doanh pháo nổ;

8. Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Lưu ý: Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các mục 1, 2, 3 nêu trên, trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ như sau:

a) Các chất ma túy được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sản xuất, sử dụng theo quy định của Chính phủ về danh mục chất ma túy, tiền chất và Công ước thống nhất về chống ma túy năm 1961, Công ước Liên hợp quốc năm 1988 về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần;

b) Các loại hóa chất, khoáng vật bị cấm theo quy định của Luật Đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sản xuất, sử dụng theo quy định của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học và các văn bản hướng dẫn Công ước Rotterdam về thủ tục thỏa thuận có thông báo trước đối với một số hóa chất nguy hại và thuốc bảo vệ thực vật trong buôn bán quốc tế;

c) Mẫu các loài thực vật, động vật hoang dã bị cấm theo quy định của Luật Đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép khai thác theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES).

=> Việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và đánh giá tình hình thực hiện các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư được thực hiện theo trình tự, thủ tục tương ứng đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại các Điều 13 và 14 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

(Căn cứ Điều 10 Nghị định 31/2021/NĐ-CP)

II. HẬU QUẢ PHÁP LÝ KHI KINH DOANH NHỮNG NGÀNH NGHỀ MÀ PHÁP LUẬT CẤM

Điều 27 Luật doanh nghiệp 2020 quy định rằng:

1. Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;

b) Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các Điều 38, 39, 40 và 42 của Luật này;

c) Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;

d) Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định pháp luật về phí và lệ phí.

Như vậy, những doanh nghiệp thực hiện kinh doanh đối với những ngành nghề kinh doanh bị cấm sẽ không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tức là không có quyền được thực hiện hoạt động kinh doanh theo nhu cầu của mình.

Ngoài ra, pháp luật cũng có quy định về chế tài xử phạt đối với việc kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật cấm, cụ thể mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi đầu tư kinh doanh các ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư. (Căn cứ theo Khoản 5 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP).

Bên cạnh đó, các ngành nghề bị cấm kinh doanh cũng được đưa vào Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể, đối với kinh doanh mại dâm với nhiều hành vi khác nhau như chứa mại dâm, môi giới mại dâm, mua dâm,… với mức phạt cao nhất có thể lên đến 7 -15 năm tù (tội môi giới mại dâm) hoặc chung thân (tội chứa mại dâm), quy định tại các Điều 327, Điều 328, Điều 329

Đối với hoạt động kinh doanh mua bán người, mô, bộ phận cơ thể người cũng là tội phạm được quy định trong BLHS 2015 tại các Điều 150, Điều 151 với khung hình phạt tăng nặng cao nhất lên tù chung thân.

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan