25

Th8

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ DÂN SỰ TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ

Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình  sự, nhiều vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét vấn đề dân sự. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự có những điểm giống và khác nhau với việc giải quyết tranh chấp dân sự theo tố tụng dân sự. Trong bài viết sau đây, Luật 3S sẽ trình bày các vấn đề xoay quanh việc giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự, mời các bạn đọc cùng theo dõi.

 

I. PHẦN DÂN SỰ TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ LÀ GÌ?

Phần dân sự trong vụ án hình sự bao gồm: việc đòi trả lại tài sản bị chiếm đoạt, đòi bồi thường giá trị tài sản do bị can, bị cáo chiếm đoạt nhưng bị mất, hoặc bị hủy hoại, buộc phải sửa chữa tài sản bị hư hỏng, đòi bồi thường thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt. Đòi bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần do tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

Những vấn đề dân sự trong vụ án hình sự nêu trên chỉ có phạm vi áp dụng đối với những quan hệ về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng xuất hiện do việc thực hiện tội phạm.

Ví dụ: A và B đang xảy ra tranh chấp, trong lúc tranh cãi A đã nhìn thấy và nhặt ngay viên gạch gần đó đập vào đầu B khiến B phải nhập viện, theo kết quả giám định cho thấy sức khỏe của B đã bị suy giảm 20 %. Như vậy, với trường hợp trên A sẽ bị khởi tố về hành vi cố ý gây thương tích đối với B và phải bồi thường tổn thất về sức khỏe cho B. Phần bồi thường tổn thất về sức khỏe cho B trong trường hợp này chính là phần dân sự trong vụ án hình sự.

 

2. NGUYÊN TẮC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ DÂN SỰ TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ

Theo Điều 30 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Như vậy, theo nguyên tắc trên, thì phần dân sự trong vụ án hình sự bao giờ cũng phải được giải quyết cùng với xem xét về phần hình sự trong cùng vụ án hình sự. Chỉ được tách để giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự bằng một vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự khi có yêu cầu, nếu “chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự”. Trong đó:

– “Chưa có điều kiện chứng minh”: Được hiểu là chưa tìm được, chưa xác định được người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự; người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự chưa có yêu cầu; người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự đã có yêu cầu nhưng không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ chứng cứ, chứng minh cho yêu cầu của mình theo yêu cầu của các CQTHTT nói chung và của Tòa án nói riêng; người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự vắng mặt tại phiên tòa và sự vắng mặt của họ thật sự trở ngại cho việc giải quyết việc giải quyết phần dân sự.

– “Không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự” được hiểu là việc tách để giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự nếu việc tách đó không liên quan hoặc không ảnh hưởng đến việc xác định cấu thành tội phạm, đến việc xem xét các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo và thuộc một trong các trường hợp theo hướng dẫn tại công văn 01/2003/KHXX sau đây:

1. Chưa tìm được, chưa xác định được người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự;

2. Người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự chưa có yêu cầu;

3. Người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự đã có yêu cầu, nhưng không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và của Toà án nói riêng;

4. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự vắng mặt tại phiên toà và sự vắng mặt của họ thật sự trở ngại cho việc giải quyết phần dân sự.

 

3. PHÂN BIỆT GIỮA GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ DÂN SỰ TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP DÂN SỰ THEO TTDS.

Cũng là giải quyết vấn đề dân sự, nhưng việc giải quyết vấn đề dân sự  trong vụ án hình sự có những điểm giống và khác nhau với việc giải quyết tranh chấp dân sự theo tố tụng dân sự.

Giống nhau:

– Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự cũng phải tuân theo nguyên tắc trong tố tụng dân sự: Quyền tự quyết định và tự định đoạt của các đương sự.

– Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự cũng phải áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết.

Khác nhau:

– Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được áp dụng theo thủ tục tố tụng hình sự.

– Về thủ tục hòa giải, công khai chứng cứ: Giải quyết vấn đề dân sự theo TTHS thì không có thủ tục công khai chứng cứ và hòa giải. Tòa không có thẩm quyền ra quyết định công nhận sự thỏa thuận thành của các đương sự trước khi xét xử, việc ghi nhận sự thỏa thuận này chỉ được thực hiện, ghi nhận khi mở phiên tòa xét xử.

– Về nghĩa vụ chứng minh: Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự thì đương sự ít phải tự chứng minh hơn. Theo đó, nghĩa vụ chứng minh, thu thập chứng cứ thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Trong khi đó, việc giải quyết tranh chấp dân sự thì nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh thuộc về các bên đương sự.

– Về tạm ứng án phí sơ thẩm, nếu theo TTHS thì đương sự không phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm như vụ án dân sự thông thường. Trong khi đó, nếu theo TTDS, các đương sự phải nộp tạm ứng án phí hoặc phải có thủ tục xin miễn, giảm.

 

4. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ DÂN SỰ TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ

1. Về hủy phần dân sự của bản án hình sự:

Hiện nay, việc hủy phần dân sự trong bản án hình sự cần thực hiện theo thủ tục tố tụng hình sự hay tố tụng dân sự vẫn đang là vấn đề bất cập trong thực tiễn xét xử tại các Tòa án.

Về nguyên tắc, có thể thấy, khi bản án hình sự bị hủy một phần nội dung và giao hồ sơ cho Tòa án cấp dưới giải quyết lại nội dung bị tuyên hủy của vụ án hình theo thủ tục chung, thì việc giải quyết lại phần bản án bị hủy này vẫn là một phần của vụ án hình sự, do đó vẫn thuộc thẩm quyền của Tòa án hình sự, trừ trường hợp phần dân sự được tách thành vụ án dân sự khác để giải quyết.

Vấn đề này đã được Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn rõ, theo đó:

Đối với trường hợp hủy phần dân sự để điều tra lại, xét xử lại: Để bảo đảm sự thống nhất và do đây là vụ án hình sự, nhưng chỉ bị huỷ phần dân sự để xét xử lại từ cấp phúc thẩm hoặc từ cấp sơ thẩm, phần dân sự này phải chuyển về cơ quan điều tra để điều tra lại, sau đó sẽ truy tố lại và xét xử lại, hoặc chỉ chuyển cho tòa án cấp sơ thẩm để thụ lý lại và xét xử lại mà không có quy trình điều tra lại của cơ quan điều tra theo trình tự thủ tục TTHS. Nếu cần xác minh, thu thập thêm chứng cứ để giải quyết được đúng đắn khi xét xử sơ thẩm lại thì việc tiến hành các việc đó được thực hiện theo quy định của pháp luật TTDS.

Tại phiên tòa xét xử, tuy Toà án mở phiên toà xét xử vụ án hình sự, nhưng chỉ xử về phần dân sự, đồng thời khi xét xử lại vụ án hình sự về phần dân sự nếu bị đơn là người phạm tội thì họ đã bị kết án cho nên không thể buộc họ đứng trước vành móng ngựa một lần nữa (nơi chỉ dành cho bị cáo) và trong một số trường hợp bị đơn không phải là người phạm tội; do đó, để bảo đảm sự thống nhất trong các trường hợp và sự bình đẳng giữa các đương sự, mặc dù mở phiên toà xét xử vụ án hình sự, nhưng được tiến hành như phiên toà dân sự theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

(theo mục 5 phần II Nghị quyết 05/2005, điểm b mục 4 phần II và mục 3 phần III Công văn 121/2003 của TAND Tối cao)

Đối với trường hợp hủy phần dân sự để giải quyết lại bằng một vụ án dân sự khác khi có yêu cầu: thì việc thụ lý, giải quyết vụ án dân sự khác đó khi có yêu cầu được tiến hành theo thủ tục tố tụng dân sự (theo mục 5 phần II Nghị quyết 05/2005, điểm b mục 4 phần II và mục 1 phần III Công văn 121/2003)

Có thể thấy, việc giải quyết các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự sẽ thuận lợi hơn khi việc chứng minh đó (có trường hợp chỉ là một phần) đã được cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện. Người có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại được sử dụng kết quả đó của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự mà không cần phải chứng minh mức độ thiệt hại hoặc giá trị tài sản.

Tuy nhiên, khi áp dụng pháp luật tố tụng hình sự vào việc giải quyết vấn đề dân sự cũng đã phần nào hạn chế quyền của chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi họ không được Tòa án tổ chức hòa giải để các bên tự thương lượng, thỏa thuận với nhau. Thậm chí, trong trường hợp họ tự thỏa thuận được với nhau và nội dung thỏa thuận không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội thì Tòa án cũng không ra quyết định công nhận sự thỏa thuận này; hoặc trường hợp khi chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại muốn rút lại yêu cầu bồi thường thiệt hại trước khi mở phiên tòa thì Tòa án cũng không thể ra quyết định đình chỉ đối với việc rút lại yêu cầu này của họ. Rõ ràng, đây là vấn đề dân sự, cần tôn trọng quyền quyết định tự định đoạt của các bên; Không thể vì vấn đề dân sự này được giải quyết trong vụ án hình sự mà làm hạn chế quyền của các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật này.

Do đó, khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, để không bị hạn chế quyền quyết định tự định đoạt của đương sự làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của họ, Tòa án nên xem xét việc thụ lý, giải quyết phần dân sự bị hủy này được tiến hành theo thủ tục tố tụng dân sự.

2. Về trình tự, thủ tục giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự

Như đã đề cập, các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự sẽ được giải quyết đồng thời với việc giải quyết vụ án hình sự. Tức, thời hạn giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự kéo dài trong suốt quá trình giải quyết vụ án, từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm đến các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử cho đến thi hành án.

Như vậy, trong khoảng thời hạn nhất định tùy theo từng giai đoạn khác nhau mà các cơ quan có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm tiến hành giải quyết vấn đề dân sự trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Bộ luật Tố tụng hình sự lại không quy định cụ thể về cách thức giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự như thế nào. Do đó, trong thực tiễn thực thi nguyên tắc này còn có rất nhiều hoạt động tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán chưa được bộ luật tố tụng hình sự quy định cụ thể. Chủ yếu những người tiến hành tố tụng vận dụng tương tự pháp luật để giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự với mục đích giải quyết nhanh chóng, dứt điểm, đảm bảo quyền lợi ích của những người tham gia tố tụng. Chẳng hạn như, những người tiến hành tố tụng có thể tiến hành thủ tục hòa giải giữa các bên. Mà theo quy định, hòa giải là trình tự bắt buộc trong vụ án dân sự, không có trong thủ tục giải quyết vụ án hình sự. Như vây, khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự về nguyên tắc phải tuân theo tố tụng hình sự (không có trình tự, thủ tục hòa giải) nhưng thực tiễn giải quyết mặc dù luật tố tụng hình sự không quy định nhưng những người tiến hành tố tụng vẫn tiến hành hòa giải giữa các bên đương sự để thương lượng mức bồi thường thiệt hại hợp lý. Vấn đề này cần quy định, hướng dẫn cụ thể để tránh tình trạng những hoạt động tiến hành tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán là không được quy định trong tố tụng hoặc tùy nghi vận dụng tùy thuộc vào nhận thức và thái độ làm việc của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án.

 

Tham khảo

– lsvn.vn;

– Tapchitoaan.vn

– vienkiemsattinhphutho.gov.vn;

– vienkiemsathaiphong.gov.vn;

– Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

– Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

– Công văn 121/2003/KHXX của Toà án nhân dân tối cao về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự.

– Nghị quyết 05/2005/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán về việc hướng dẫn một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm” của Bộ luật Tố tụng hình sự.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan