
HUỶ BẢN ÁN DÂN SỰ SƠ THẨM THEO QUY ĐỊNH BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ 2015
Trong hệ thống tố tụng dân sự Việt Nam, bản án sơ thẩm là kết quả xét xử lần đầu của Tòa án đối với một vụ án. Tuy nhiên, không phải mọi bản án sơ thẩm đều đảm bảo đúng pháp luật, khách quan và đầy đủ. Thực tiễn cho thấy, có những bản án bị hủy do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc xét xử không toàn diện vụ án. Việc hủy bản án dân sự sơ thẩm không chỉ giúp bảo đảm quyền lợi của các bên đương sự mà còn củng cố tính nghiêm minh, khách quan của hoạt động xét xử. Bài viết này sẽ phân tích các căn cứ pháp lý để hủy bản án sơ thẩm theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
1. Huỷ bản án sơ thẩm là gì?
Hiện nay, BLTTDS 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành không đưa ra một định nghĩa cụ thể về khái niệm “hủy bản án dân sự sơ thẩm”. Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung quy định tại Điều 310, Điều 311 BLTTDS 2015 và thực tiễn xét xử, có thể hiểu rằng: Hủy bản án dân sự sơ thẩm là việc Tòa án cấp trên ban hành quyết định bằng văn bản để làm chấm dứt hiệu lực của bản án sơ thẩm đã tuyên, khi phát hiện bản án đó có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng hoặc có sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết nội dung vụ án.
Mục đích của việc hủy bản án là nhằm khắc phục các sai sót của cấp sơ thẩm trong quá trình giải quyết vụ án, đảm bảo nguyên tắc xét xử khách quan, công bằng và đúng pháp luật.
2. Thẩm quyền huỷ bản án dân sự sơ thẩm?
Thẩm quyền hủy bản án dân sự sơ thẩm không chỉ thuộc một cơ quan xét xử duy nhất mà được quy định tại nhiều cấp xét xử khác nhau, tùy theo từng giai đoạn tố tụng. Cụ thể, có thể chia thành hai nhóm cơ quan có thẩm quyền: (1) Hội đồng xét xử phúc thẩm và (2) Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, cụ thể:
Thứ nhất, thẩm quyền hủy bản án sơ thẩm của Hội đồng xét xử phúc thẩm
Theo Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, khi xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể:
– Hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm;
– Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án;
Thứ hai, thẩm quyền hủy bản án dân sự sơ thẩm của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm
Khi bản án dân sự sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật, việc xem xét hủy án chỉ có thể được thực hiện thông qua thủ tục giám đốc thẩm, theo quy định tại Điều 343 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có các quyền sau:
– Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
– Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa;
– Hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm;
– Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án;
– Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Trong đó, về hiệu lực của bản án sơ thẩm và tác động đến quyền hủy án sơ thẩm của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được quy định như sau:
(i) Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật nếu: Bản án phần bản án Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm [1]
(ii) Bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.[2]
(iii) Bản án, sơ thẩm về cấp dưỡng, trả công lao động, nhận người lao động trở lại làm việc, trả lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất tinh thần của công dân; quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị [3]
3. Trường hợp huỷ bản án dân sự sơ thẩm của Hội đồng xét xử phúc thẩm
Việc hủy bản án dân sự sơ thẩm là một quyết định quan trọng của Hội đồng xét xử phúc thẩm nhằm khắc phục những sai sót nghiêm trọng trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, cụ thể tại Điều 310 và Điều 311, đã quy định rõ các căn cứ để Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy toàn bộ hoặc một phần bản án sơ thẩm. Các trường hợp cụ thể bao gồm:
Thứ nhất, Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án về Tòa án cấp sơ thẩm để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm, khi rơi vào một trong hai trường hợp sau:
(i) Việc thu thập chứng cứ và chứng minh không theo đúng quy định tại Chương VII của BLTTDS 2015 hoặc chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được.
(ii) Thành phần của Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng quy định của BLTTDS 2015 hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Thứ hai, Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án nếu trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, vụ án thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 217, điểm b khoản 1 Điều 299 của BLTTDS 2015, cụ thể:
(i) Nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm
Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không và tuỳ từng trường hợp mà giải quyết như sau:
– Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.
– Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
(ii) Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo Điều 217 BLTTDS 2015
Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:
a) Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;
b) Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;
c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;
d) Đã có quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;
đ) Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.
Trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
e) Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết;
g) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của BLTTDS 2015 mà Tòa án đã thụ lý;
h) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
4. Các dạng vi phạm phổ biến thường bị hủy án sơ thẩm
Trong thực tiễn xét xử, một số vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hoặc nội dung có thể dẫn đến việc bản án sơ thẩm bị hủy. Dưới đây là một số dạng vi phạm phổ biến:
Một là, không đưa người có quyền và lợi ích liên quan tham gia tố tụng trong vụ án
Theo quy định tại khoản 4 Điều 68 BLTTDS 2015, Tòa án có nghĩa vụ đưa người có quyền, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng để đảm bảo giải quyết vụ án một cách toàn diện, đúng pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, vi phạm này vẫn diễn ra phổ biến như:
– Trong các vụ tranh chấp quyền sử dụng đất, Tòa án sơ thẩm thường bỏ sót thành viên hộ gia đình sử dụng đất chung hoặc người đang quản lý, sử dụng tài sản gắn liền với đất;
– Trong các vụ án hôn nhân gia đình có yêu cầu phân chia nợ chung, Tòa án không triệu tập tổ chức tín dụng có liên quan mặc dù đương sự có yêu cầu xem xét khoản nợ chung;
– Trong vụ án có yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Tòa án không đưa UBND vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Hai là, việc đánh giá thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, không khách quan
Việc thu thập và đánh giá chứng cứ theo đúng quy định là yếu tố bắt buộc để đảm bảo tính đúng đắn trong việc xác định sự thật vụ án. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp Tòa án chỉ dựa vào một phía như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không tiến hành xác minh hồ sơ cấp giấy hoặc nguồn gốc đất, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các bên.
Ba là, Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu nhưng không giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, gây thiệt hại cho đương sự.
Một số bản án sơ thẩm tuyên giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều kiện chủ thể, nhưng lại không giải quyết hậu quả pháp lý theo quy định của Điều 131 BLDS 2015 là thiếu sót nghiêm trọng làm thiệt hại trực tiếp đến quyền và lợi ích của đương sự.
Bốn là, không tiến hành hòa giải sau khi bổ sung người tham gia tố tụng
Tòa án cấp sơ thẩm đã tạm đình chỉ giải quyết vụ án để bổ sung người tham gia tố tụng, tuy nhiên sau đó lại không tiến hành hòa giải giữa nguyên đơn, bị đơn và những người tham gia tố tụng này.
Năm là, vi phạm trong thành lập và tiến hành định giá tài sản
Nhiều vụ án bị hủy vi phạm về thành phần hội đồng định giá không đúng với thành phần trong quyết định thành lập hội đồng định giá của Tòa án. Sau khi định giá đương sự có đơn yêu cầu định giá lại tài sản, Tòa án thấy có căn cứ kết quả định giá lần đầu không chính xác hoặc không phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm giải quyết vụ án, thì cho tiến hành định giá lại tài sản nhưng vẫn do Hội đồng định cũ hoặc có một trong các thành viên của Hội đồng cũ tiến hành. Đây là vi phạm tố tụng nghiêm trọng được quy định tại Điều 104 BLTTDS và tại khoản 3 Điều 18 Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC ngày 28/3/2014 hướng dẫn thi hành Điều 92 BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản quy định “ Việc định giá lại tài sản phải do Hội đồng định giá khác thực hiện….”,
Ngoài ra, còn một số vi phạm khác cũng thường gặp trong thực tiễn, có thể dẫn đến việc bản án bị hủy, như: Thụ lý, giải quyết sai thẩm quyền; Không tống đạt thông báo thụ lý bổ sung cho đương sự, không thực hiện các thủ tục luật định khi đương sự kháng cáo; Không xác minh địa chỉ của đương sự để tống đạt chính xác dù xét xử vắng mặt bị đơn; Không kiểm tra thời hạn ủy quyền đối với người đại diện đương sự; Vẫn thụ lý giải quyết đối với đương sự không có quyền khởi kiện; Bản án phát hành và bản án gốc có nội dung khác nhau,….
Cơ sở pháp lý
[1] Điểm khoản 1 Điều 482 BLTTDS 2015;
[2] Khoản 1 Điều 282 BLTTDS 2015;
[3] Khoản 2 Điều 282 BLTTDS 2015;
Tài liệu tham khảo
[1] Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, “Các dạng vi phạm dẫn đến bị hủy, sửa án khi kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình”, ngày 07/9/2016.
[2] Phan Ngọc Khanh (Trưởng phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật – Phòng 10), “Những dạng vi phạm chủ yếu dẫn đến các bản án dân sự, hành chính bị Tòa án hủy”, Tạp chí Luật sư Việt Nam, ngày 27/5/2022.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …