
HUỶ BẢN ÁN HÌNH SỰ SƠ THẨM ĐỂ ĐIỀU TRA LẠI HOẶC XÉT XỬ LẠI THEO QUY ĐỊNH BLTTHS
Trong tố tụng hình sự, bản án sơ thẩm là kết quả giải quyết đầu tiên của Tòa án có thẩm quyền đối với một vụ án hình sự sau khi xét xử. Tuy nhiên, không phải mọi bản án sơ thẩm đều đảm bảo tính đúng đắn, khách quan và tuân thủ quy định pháp luật. Vì vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) đã quy định cơ chế huỷ bản án sơ thẩm như một biện pháp cần thiết để sửa chữa các sai lầm nghiêm trọng trong quá trình xét xử. Cơ chế này bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các đương sự, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng xét xử, thể hiện nguyên tắc công bằng, khách quan của pháp luật tố tụng hình sự.
1. Hủy bản án hình sự sơ thẩm là gì?
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không đưa ra khái niệm cụ thể về “hủy bản án hình sự sơ thẩm”. Tuy nhiên, dựa trên các quy định tại Điều 357, 358, 359 và thực tiễn xét xử, có thể hiểu: Hủy bản án hình sự sơ thẩm là việc Tòa án có thẩm quyền ra quyết định chấm dứt hiệu lực pháp lý của bản án sơ thẩm do phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.
Tùy từng trường hợp, Tòa án cấp phúc thẩm có thể ra quyết định:
– Hủy bản án sơ thẩm và giao hồ sơ để điều tra lại, nếu thấy cần thiết làm rõ thêm các tình tiết của vụ án (Điều 358);
– Hủy bản án sơ thẩm và giao xét xử lại, nếu hồ sơ đã đủ nhưng quá trình xét xử có vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật;
– Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án, nếu phát hiện có căn cứ đình chỉ theo Điều 157 hoặc Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự, như bị cáo không phạm tội, người bị hại rút yêu cầu khởi tố trong vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại.
2. Các trường hợp hủy bản án hình sự sơ thẩm Hội đồng xét xử phúc thẩm
Khoản Điều 358, Điều 359 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại trong các trường hợp sau:
(i) Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại:
Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại được đặt ra khi quá trình điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ, ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và không thể bổ sung được ở cấp phúc thẩm. Điều này xảy ra trong các trường hợp như:
a) Có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm;
b) Việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được;
c) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố.
(ii) Hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần Hội đồng xét xử mới:
Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại nếu phát hiện sai lầm trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, mà việc điều tra đã đầy đủ nhưng bản án lại có sai sót về tố tụng hoặc pháp luật. Trường hợp này bao gồm:
a) Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng thành phần mà Bộ luật này quy định;
b) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm;
c) Người được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội;
d) Miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc áp dụng biện pháp tư pháp đối với bị cáo không có căn cứ;
đ) Bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nhưng không thuộc trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
(iii) Hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.
Theo khoản 1 Điều 359 Bộ luật tố tụng hình sự, khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án, cụ thể:
– Không có sự việc phạm tội: Đây là trường hợp sự việc không có dấu hiệu của tội phạm theo quy định tại Điều 8 BLHS 2015. Điều này diễn ra do nhiều nguyên nhân như: nhầm lẫn của người tố giác, vu khống do thù ghét…
– Hành vi không cấu thành tội phạm;
Đây là trường hợp có hành vi nguy hiểm cho xã hội xảy ra trên thực tế. Tuy nhiên, hành vi này thiếu những dấu hiệu có trong cấu thành tội phạm nên hành vi đó không phải là tội phạm. Thực tế cho thấy có nhiều hành vi về hình thức rất giống với hành vi phạm tội nhưng xét trong tổng thể các dấu hiệu của cấu thành tội phạm nhất định thì lại không thỏa mãn. Những hành vi này có thể là hành vi nguy hiểm cho xã hội mà người thực hiện nó lại không có lỗi, hành vi chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không đáng kể, hành vi được thực hiện khi đã có những tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự như: sự kiện bất ngờ, chuẩn bị phạm tội ít nghiêm trọng, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
(iv) Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.
Theo khoản 2 Điều 359 Bộ luật tố tụng hình sự, khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án, cụ thể:
Một là, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự
Theo Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015, độ tuổi là yếu tố cấu thành chủ thể của tội phạm. Nếu người thực hiện hành vi chưa đạt độ tuổi luật định thì không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hai là, người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật
Nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm được ghi nhận trong khoản 3 Điều 31 Hiến pháp 2013 và Điều 14 BLTTHS năm 2015. Khi hành vi đã được xét xử hoặc đình chỉ hợp pháp, thì không thể tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu Tòa sơ thẩm vẫn tuyên án trong khi hành vi đã được xử lý trước đó, Hội đồng phúc thẩm có trách nhiệm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.
Ba là, đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do BLHS quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu về mặt hình sự. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 27, Điều 28 BLHS năm 2015.
Bốn là, tội phạm được đại xá
Đại xá là một chính sách nhân đạo đặc biệt của Nhà nước, do Quốc hội quyết định, nhằm xóa bỏ hậu quả pháp lý hình sự đối với một nhóm người cụ thể, thường trong bối cảnh các sự kiện trọng đại. Nếu hành vi đã được đại xá, thì cơ quan tiến hành tố tụng không được tiếp tục xử lý hình sự, và nếu bản án đã được tuyên, Hội đồng phúc thẩm buộc phải hủy bản án và đình chỉ vụ án.
Năm là, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác
Trường hợp người phạm tội chết trong quá trình điều tra, truy tố hoặc xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm đình chỉ vụ án tại thời điểm phát sinh sự kiện này, trừ trường hợp đặc biệt nhằm phục vụ tái thẩm liên quan đến người khác. Tuy nhiên, nếu bị cáo chết sau khi vụ án đã có kháng cáo hoặc bị kháng nghị và đang ở giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, thì Tòa án cấp phúc thẩm vẫn bắt buộc phải mở phiên tòa để giải quyết kháng cáo, kháng nghị theo quy định.
Cụ thể, trong trường hợp bản án sơ thẩm tuyên bị cáo không phạm tội và có kháng cáo hoặc kháng nghị theo hướng buộc tội:
– Nếu Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy việc tuyên không có tội là có căn cứ thì áp dụng Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để bác kháng cáo, kháng nghị, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
– Nếu nhận định bản án sơ thẩm tuyên không phạm tội là không đúng, thì Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 359 BLTTHS để hủy bản án sơ thẩm về phần tuyên không phạm tội và đình chỉ vụ án về phần hình sự đối với bị cáo đã chết.
Ngược lại, nếu bản án sơ thẩm tuyên bị cáo có tội và có kháng cáo hoặc kháng nghị:
– Nếu Hội đồng xét xử thấy việc tuyên có tội là sai thì áp dụng điểm 2 Điều 157 và khoản 1 Điều 359 BLTTHS để hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.
– Nếu nhận định bản án sơ thẩm tuyên có tội là đúng thì áp dụng điểm 7 Điều 157 và khoản 2 Điều 359 BLTTHS để hủy bản án và đình chỉ vụ án đối với phần hình sự liên quan đến bị cáo đã chết.
3. Thẩm quyền huỷ bản án
Căn cứ theo Điều 355 Bộ luật tố tụng hình sự, quyền hủy bản án hình sự sơ thẩm thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm.
Theo quy định tại Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thẩm quyền hủy bản án hình sự sơ thẩm thuộc về Hội đồng xét xử phúc thẩm, trong phạm vi xét xử đối với bản án có kháng cáo hoặc kháng nghị. Khi xét thấy bản án sơ thẩm có căc căn cứ để hủy án theo quy định, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể ra quyết định hủy toàn bộ hoặc một phần bản án sơ thẩm để điều tra lại, xét xử lại hoặc đình chỉ vụ án theo các trường hợp cụ thể đã quy định tại Điều 358 và 359 BLTTHS.
4. Hệ quả của việc huỷ Bản án hình sự sơ thẩm
Việc hủy bản án hình sự sơ thẩm dẫn đến những hệ quả pháp lý đáng kể trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Tùy vào mục đích hủy án để điều tra lại, xét xử lại, hay đình chỉ vụ án mà trách nhiệm tiếp theo của các cơ quan tiến hành tố tụng và tình trạng pháp lý của bị cáo sẽ khác nhau, cụ thể:
Thứ nhất, hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại hoặc điều tra lại
Theo khoản 4, khoản 5 Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, khi hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại, Hội đồng xét xử phúc thẩm không quyết định trước những chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm cần phải chấp nhận hoặc cần phải bác bỏ, cũng như không quyết định trước về điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự cần áp dụng và hình phạt đối với bị cáo. Điều này thể hiện nguyên tắc độc lập xét xử và tranh tụng trong tố tụng hình sự.
Trong trường hợp hủy án mà thời hạn tạm giam đối với bị cáo đã hết nhưng xét thấy cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể ra quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi vụ án được Viện kiểm sát hoặc Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại. Đây là biện pháp nhằm tránh nguy cơ bỏ trốn hoặc gây cản trở tố tụng. Ngoài ra, hồ sơ vụ án phải được chuyển về Viện kiểm sát hoặc Tòa án cấp sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên hủy bản án sơ thẩm.
Thứ hai, hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án
Theo Điều 360 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sau khi Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án cấp sơ thẩm có thẩm quyền tiến hành điều tra, truy tố, xét xử lại vụ án theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này.
Sau khi Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại thì Tòa án cấp sơ thẩm có thẩm quyền tiến hành xét xử lại vụ án theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này.
5. Các dạng vi phạm dẫn đến vụ án hình sự bị hủy
Việc hủy bản án hình sự sơ thẩm thường xuất phát từ những vi phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Những sai sót này không chỉ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo mà còn làm suy giảm tính nghiêm minh và khách quan của hoạt động tư pháp. Dưới đây là các nhóm vi phạm điển hình thường dẫn đến việc Tòa án cấp phúc thẩm phải hủy án.
Việc hủy bản án hình sự sơ thẩm thường xuất phát từ những vi phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Những sai sót này không chỉ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo mà còn làm suy giảm tính nghiêm minh và khách quan của hoạt động tư pháp. Dưới đây là các nhóm vi phạm điển hình thường dẫn đến việc Tòa án cấp phúc thẩm phải hủy án.
* Vi phạm nghiêm trọng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự
a) Vi phạm về thẩm quyền tố tụng (Điều 110 BLTTHS)
Một trong những vi phạm đáng kể là việc xác định sai nơi xảy ra hành vi phạm tội, từ đó dẫn đến điều tra, truy tố và xét xử sai cấp có thẩm quyền lãnh thổ hoặc sai cấp xét xử. Ví dụ, vụ án thuộc thẩm quyền Tòa án cấp tỉnh nhưng lại được các cơ quan tố tụng cấp huyện thụ lý và giải quyết.
b) Vi phạm trình tự thu thập lời khai, đối chất, nhận dạng (Điều 131–139 BLTTHS)
Những vi phạm thường thấy bao gồm không bảo đảm sự có mặt của luật sư hoặc người giám hộ khi lấy lời khai của người chưa thành niên, việc lập biên bản hình thức thì hợp lệ nhưng nội dung phản ánh sai lệch hoặc bị hợp thức hóa sau. Nhiều biên bản hỏi cung được sao chép máy móc, thiếu đối chiếu nội dung, hoặc không thể hiện lý do nhân chứng biết được tình tiết đã khai. Tình trạng lời khai mâu thuẫn nhưng không được đối chất cũng thường dẫn đến hủy án để điều tra lại.
c) Vi phạm thủ tục điều tra hiện trường, thu giữ chứng cứ, giám định (Điều 140, 150, 153, 155, 156 BLTTHS)
Các lỗi điển hình bao gồm: khám nghiệm hiện trường không đúng trình tự; không niêm phong vật chứng; khám xét không đúng địa điểm nghi vấn cất giấu tang vật; thực nghiệm điều tra không đúng địa điểm thực tế; hoặc giám định, định giá sai quy định, đặc biệt trong các vụ án về tính mạng, tài sản, hoặc kinh tế.
d) Thu thập chứng cứ không đầy đủ, không làm rõ tình tiết quan trọng của vụ án (Điều 63 BLTTHS)
Đây là vi phạm phổ biến, thể hiện qua việc không xác định rõ tuổi của bị cáo hoặc bị hại trong các vụ án có yếu tố người chưa thành niên, không giám định độ tuổi khi có mâu thuẫn về năm sinh trên giấy tờ. Việc xác định sai tuổi có thể ảnh hưởng đến việc định tội danh và mức hình phạt. Ngoài ra, sai sót trong xác minh lý lịch tư pháp cũng có thể dẫn đến việc khởi tố và kết án sai người.
đ) Vi phạm quy trình xét xử và biên bản tố tụng tại phiên tòa (Điều 196, 200, 207, 222, 238 BLTTHS)
Nhiều vụ án bị hủy do vi phạm nghiêm trọng trong xét hỏi, tranh luận, nghị án hoặc ghi biên bản. Ví dụ: Hội đồng xét xử tuyên tội danh khác với nội dung nghị án, không ghi rõ căn cứ pháp lý, hoặc có mâu thuẫn về số lượng, thành phần người tiến hành tố tụng giữa các văn bản tố tụng. Ngoài ra, còn có vi phạm về phạm vi xét xử như việc bị cáo rút toàn bộ kháng cáo nhưng Tòa vẫn tiếp tục xét xử phúc thẩm.
e) Xác định sai tư cách hoặc bỏ sót người tham gia tố tụng (Điều 51–55 BLTTHS)
Sai lầm trong xác định tư cách tố tụng.
Ví dụ như nhầm lẫn giữa bị hại và người có quyền, nghĩa vụ liên quan – sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền kháng cáo, yêu cầu bồi thường hoặc nghĩa vụ pháp lý của các bên. Việc không đưa đầy đủ các chủ thể như chủ sở hữu tài sản, công ty bảo hiểm vào tham gia tố tụng cũng làm vụ án thiếu khách quan và toàn diện.
* Vi phạm nghiêm trọng trong áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự
a) Truy tố, xét xử sai tội danh
Tình trạng nhầm lẫn giữa các tội có dấu hiệu tương đồng như “Giết người” với “Cố ý gây thương tích”, “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” hoặc nhầm lẫn giữa các tội về sở hữu, kinh tế như “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là những lỗi thường gặp, dẫn đến việc bị hủy án để xác định lại tội danh cho đúng bản chất hành vi.
b) Bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội
Việc điều tra không toàn diện khiến nhiều hành vi cấu thành tội bị bỏ sót hoặc đồng phạm không bị xử lý. Ví dụ, trong các vụ án giết người có nhiều đối tượng tham gia, chỉ xử lý người chủ mưu, còn người giúp sức lại không bị truy cứu. Đây là vi phạm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hiệu lực răn đe và công bằng của bản án.
c) Áp dụng sai khung hình phạt, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; cho hưởng án treo không đúng; áp dụng biện pháp tư pháp sai quy định
Việc xác định sai khung hình phạt thường xảy ra khi bị cáo phạm vào khung tăng nặng nhưng lại bị truy tố hoặc xét xử ở khung nhẹ hơn. Bên cạnh đó, tình trạng áp dụng không đúng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, hoặc áp dụng sai Điều 47 Bộ luật Hình sự cũng là lỗi phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp đến tính công bằng trong xét xử.
Việc cho bị cáo hưởng án treo không đúng quy định như đối với các trường hợp chủ mưu, phạm nhiều tội, có tính chất côn đồ, hoặc các tội được xã hội đặc biệt quan tâm vi phạm nghiêm trọng Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP.
Ngoài ra, việc sử dụng tiền án của bị cáo để xác định là tình tiết định tội, đồng thời lại tiếp tục sử dụng tiền án đó để tính tái phạm đối với bị cáo, vi phạm nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 49 BLHS. Các vi phạm khác trong việc quyết định hình phạt như không trừ thời gian bắt buộc chữa bệnh vào thời hạn chấp hành hình phạt tù (vi phạm Điều 44 BLHS). Trường hợp xử phạt tù có thời hạn nhưng thấp hơn mức thấp nhất của loại hình phạt tù có thời hạn. Áp dụng biện pháp tư pháp không đúng thường liên quan đến việc xử lý vật chứng.
Tài liệu tham khảo
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
Hoàng Đình Dũng (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4), “Quyền hủy bản án sơ thẩm để điều tra và đình chỉ vụ án của Tòa án cấp phúc thẩm”, Tạp chí Tòa án ngày 30/12/2021.
Trần Văn Hùng (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4), “Hủy bản án hình sự sơ thẩm theo quy định của BLTTHS, bất cập và kiến nghị hoàn thiện”, Tạp chí Tòa án ngày 06/01/2023.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …