
LUẬT SƯ CÓ ĐƯỢC QUYỀN CAM KẾT BẢO ĐẢM KẾT QUẢ VỤ VIỆC VỚI KHÁCH HÀNG?
Trong hoạt động hành nghề luật sư, xây dựng niềm tin với khách hàng là nền tảng thiết yếu để tạo dựng mối quan hệ dịch vụ chuyên nghiệp và bền vững. Tuy nhiên, trong thực tiễn, không ít trường hợp luật sư đã vì mục đích thu hút khách hàng hoặc cạnh tranh thiếu lành mạnh mà hứa hẹn, thậm chí cam kết chắc chắn về kết quả giải quyết vụ việc. Hành vi này không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn đi ngược lại quy định pháp luật, đe dọa tính khách quan và minh bạch của hoạt động tư pháp. Câu hỏi đặt ra là: liệu luật sư có được quyền cam kết bảo đảm kết quả vụ việc với khách hàng hay không? Bài viết này sẽ phân tích chi tiết hành vi cam kết kết quả vụ việc dưới góc độ pháp lý, thực tiễn và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư.
1. Hành vi cam kết đảm bảo kết quả vụ việc với khách hàng là gì?
Theo thực tiễn, hành vi cam kết bảo đảm kết quả vụ việc được hiểu là việc luật sư đưa ra lời cam đoan chắc chắn với khách hàng về kết quả giải quyết một vụ việc pháp lý trong tương lai, bất kể kết quả đó phụ thuộc vào cơ quan có thẩm quyền. Việc cam kết này có thể thể hiện qua nhiều hình thức như phát ngôn trực tiếp, nội dung hợp đồng dịch vụ pháp lý hoặc các thông điệp quảng cáo thiếu kiểm soát. Ví dụ điển hình là việc luật sư cam kết “chắc chắn thắng kiện”, “tỷ lệ thắng 90%” hoặc “bị cáo chắc chắn được tuyên án treo”, bất chấp tính phức tạp và chưa rõ ràng của hồ sơ vụ việc.
Trong một số trường hợp, sự cam kết này không được thể hiện bằng lời lẽ cụ thể nhưng lại hàm ý thông qua cách trình bày mập mờ trong hợp đồng, khiến khách hàng hiểu nhầm rằng luật sư có thể kiểm soát được kết quả giải quyết vụ án. Đây là hành vi nguy hiểm, làm xói mòn niềm tin vào tính khách quan của luật sư và gây ngộ nhận về bản chất dịch vụ pháp lý và phạm vi công việc của Luật sư.
2. Hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc là việc Luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012 và 2015), luật sư có nghĩa vụ tuân thủ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Đồng thời, theo Quy tắc 9.8 của Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc) nêu rõ: “Luật sư không được hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc về những nội dung nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của luật sư.”
Bản chất của quy định này là nhằm bảo vệ tính độc lập, khách quan và sự liêm chính trong hoạt động nghề nghiệp luật sư. Việc cam kết kết quả giải quyết vụ việc là hành vi không chỉ vi phạm đạo đức mà còn đi ngược với nguyên tắc tư vấn và tranh tụng dựa trên cơ sở pháp lý và chứng cứ. Luật sư chỉ được quyền đánh giá, phân tích, dự đoán khả năng xảy ra dựa trên các tình tiết và quy định hiện hành, tuyệt đối không được đảm bảo hay khẳng định kết quả mà cơ quan tiến hành tố tụng là chủ thể duy nhất có quyền định đoạt. Do vậy, Luật sư nào hứa hẹn, chắc chắn kết quả giải quyết hay một mức án cụ thể đều là phi thực tế.
Ví dụ: Trong một vụ án hình sự, luật sư chỉ được phân tích về khả năng bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo Điều 51 BLHS nếu có đầy đủ căn cứ, tuyệt đối không được khẳng định chắc chắn bị cáo sẽ được hưởng án treo hoặc miễn trách nhiệm hình sự – vì điều đó vượt khỏi quyền và vai trò của luật sư.
3. Luật sư hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc bị xử lý kỷ luật
Thực tiễn hành nghề cho thấy, trong quá trình tư vấn và thương thảo hợp đồng dịch vụ pháp lý, nhiều luật sư thường lâm vào tình huống bị khách hàng đặt những câu hỏi thăm dò như: “Vụ việc này có thắng kiện được không?”, “Khả năng thành công là bao nhiêu phần trăm?”, hay “Tôi có thể bị tuyên bao nhiêu năm tù?” Những câu hỏi này thể hiện sự lo lắng chính đáng của khách hàng, nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn đối với sự tỉnh táo và chuẩn mực nghề nghiệp của người hành nghề luật.
Không ít trường hợp, thay vì giải thích rõ giới hạn vai trò của luật sư trong tố tụng và các yếu tố khách quan chi phối kết quả vụ việc, một số luật sư lại lựa chọn cách trấn an bằng các phát ngôn khẳng định quá mức, thậm chí đưa ra lời hứa chắc chắn về kết quả giải quyết như một cách để giành được niềm tin hoặc thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ. Một số luật sư còn thể hiện các cam kết này trong hợp đồng dịch vụ pháp lý, thông qua các điều khoản gián tiếp khẳng định khả năng “đảm bảo kết quả” theo yêu cầu khách hàng.
Pháp luật hiện hành đã có quy định xử lý nghiêm đối với những hành vi này. Cụ thể, khoản 1 Điều 85 Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định rõ:
“Điều 85. Xử lý kỷ luật đối với luật sư
1. Luật sư vi phạm quy định của Luật này, Điều lệ, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam và quy định khác của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ sáu tháng đến hai mươi bốn tháng;
d) Xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư.”
Do đó, Luật sư hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc đối với khách hàng có thể bị xử lý tùy vào tính chất, mức độ vi phạm.
4. Kết luận
Luật sư không được quyền cam kết hay bảo đảm kết quả vụ việc với khách hàng theo quy định pháp luật Việt Nam. Bản chất hoạt động pháp lý là hỗ trợ chuyên môn, không phải là bảo lãnh kết quả. Do đó, Luật sư phải nhận thức rõ rằng kết quả vụ việc phụ thuộc vào chứng cứ, quy định pháp luật hiện hành và quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Việc cam kết kết quả không những vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và tổ chức hành nghề luật sư.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …