16

Th2

MỘT SỐ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ BỊ GIỚI HẠN

Hiện nay, vấn đề về sở hữu trí tuệ đang được trú trọng từng ngày. Để đảm bảo tối đa các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các chủ sở hữu cần phải đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, bên cạnh những quyền lợi đã được luật định dành cho chủ sở hữu tài sản trí tuệ thì Luật Sở hữu trí tuệ còn quy định một số quyền bị hạn chế của chủ sở hữu tài sản trí tuệ. Vậy đó là những quyền nào?

1. Quyền sở hữu trí tuệ gồm những quyền nào?

Điều 2 (8) của Công ước thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ký ngày 14/7/1967 quy định: “Sở hữu trí tuệ bao gồm các quyền liên quan đến các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học; các cuộc biểu diễn của nghệ sĩ biểu diễn, các bản ghi âm và các chương trình phát sóng; các sáng chế trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo của con người; các khám phá khoa học; các kiểu dáng công nghiệp; các nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ và các tên thương mại; bảo hộ chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh; và tất cả các quyền khác nảy sinh từ kết quả của hoạt động trí tuệ thuộc các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học và công nghiệp.”

Tại khoản 1 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009, Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

Trong đó:

– Quyền tác giả bao gồm các quyền về nhân thân và quyền tài sản như: Quyền công bố, đặt tên cho tác phẩm; Quyền biểu diễn, phát sóng, sao chép tác phẩm,….

– Quyền liên quan đến tác giả gồm: Quyền của người biểu diễn; Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình; Quyền tổ chức phát sóng…..

– Quyền sở hữu công nghiệp gồm những quyền đối với: Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh….

– Quyền đối với giống cây trồng: Là tổng hợp các quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, chủ văn bằng bảo hộ giống cây trồng do có việc chọn tạo, phát hiện, phát triển, sử dụng, chuyển giao cho người khác

2. Nội dung của việc giới hạn quyền sở hữu trí tuệ

Điều 7 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định giới hạn quyền sở hữu trí tuệ như sau:

1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ chỉ được thực hiện quyền của mình trong phạm vi và thời hạn bảo hộ theo quy định của Luật này.

2. Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Trong trường hợp nhằm bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và các lợi ích khác của Nhà nước, xã hội quy định tại Luật này, Nhà nước có quyền cấm hoặc hạn chế chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền của mình hoặc buộc chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền của mình với những điều kiện phù hợp; việc giới hạn quyền đối với sáng chế thuộc bí mật Nhà nước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, trong một số trường hợp thì quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu cũng sẽ bị hạn chế, giới hạn bởi các nguyên nhân khác nhau:

– Không được vượt quá phạm vi và thời hạn bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009);

– Không được xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng quyền hạn của tổ chức cá nhân, quy định pháp luật có liên quan.

– Không được xâm phạm quyền sở hữu của Nhà nước, đảm bảo mục tiêu quốc phòng an ninh và các lợi ích gắn liền với điều kiện phát triển của khu vực.

3. Các quy định cụ thể về hạn chế quyền sở hữu trí tuệ

* Giới hạn quyền sở hữu công nghiệp

Theo quy định tại Điều 132 Luật sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp có thể bị hạn chế bởi các yếu tố sau đây:

1. Quyền của người sử dụng trước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp;

2. Các nghĩa vụ của chủ sở hữu, bao gồm:

a) Trả thù lao cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;

b) Sử dụng sáng chế, nhãn hiệu.

Chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

*  Hạn chế việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp

Theo quy định tại Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu tài sản trí tuệ có thể bị hạn chế quyền chuyển nhượng theo luật này, cụ thể như sau:

1. Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.

2. Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng.

3. Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.

4. Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.

5. Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.

6. Quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sở hữu phải thực hiện các nghĩa vụ tương ứng của tổ chức chủ trì theo quy định của Luật này

* Hạn chế việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp

Quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp sẽ bị hạn chế theo Điều 142 Luật Sở hữu trí tuệ như sau:

1. Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, tên thương mại không được chuyển giao.

2. Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó.

3. Bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép.

4. Bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có nghĩa vụ ghi chỉ dẫn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá về việc hàng hoá đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.

5. Bên được chuyển quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền có nghĩa vụ sử dụng sáng chế như chủ sở hữu sáng chế theo quy định tại khoản 1 Điều 136 của Luật này.

* Hạn chế quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng

Theo Điều 190 Luật Sở hữu trí tuệ thì một số hành vi sử dụng giống cây trồng đã được bảo hộ sau đây sẽ không bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:

a) Sử dụng giống cây trồng phục vụ nhu cầu cá nhân và phi thương mại;

b) Sử dụng giống cây trồng nhằm mục đích thử nghiệm;

c) Sử dụng giống cây trồng để tạo ra giống cây trồng khác, trừ trường hợp quy định tại Điều 187 của Luật này;

d) Hộ sản xuất cá thể sử dụng sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng để tự nhân giống và gieo trồng cho vụ sau trên diện tích đất của mình.

Ngoài ra, quyền đối với giống cây trồng không được áp dụng đối với các hành vi liên quan đến vật liệu của giống cây trồng được bảo hộ do chủ bằng bảo hộ hoặc người được chủ bằng bảo hộ cho phép bán hoặc bằng cách khác đưa ra thị trường Việt Nam hoặc thị trường nước ngoài, trừ các hành vi sau đây:

a) Liên quan đến việc nhân tiếp giống cây trồng đó;

b) Liên quan đến việc xuất khẩu các vật liệu của giống cây trồng có khả năng nhân giống vào những nước không bảo hộ các chi hoặc loài cây trồng đó, trừ trường hợp xuất khẩu vật liệu nhằm mục đích tiêu dùng.”

4. Thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, thời hạn bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ có nội dung cụ thể như sau:

– Đối với quyền tác giả: Các tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên sẽ có thời hạn bảo hộ là 50 năm.

Đối với những tác phẩm còn lại có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết.

Trong trường hợp tác phẩm có nhiều đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.

– Đối với sáng chế: Đối với sáng chế được cấp bằng độc quyền sáng chế được bảo hộ từ ngày cấp bằng đến hết 20 năm tính từ ngày nộp đơn. Còn đối với các sáng chế được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích được bảo hộ từ ngày cấp bằng sáng chế đến hết 10 năm tính từ ngày các chủ thể nộp đơn.

– Kiểu dáng công nghiệp: Kiểu dáng công nghiệp theo quy định pháp luật sẽ được bảo hộ từ ngày cấp bằng độc quyền đến hết 05 năm tính từ ngày nộp đơn và bằng độc quyền này có thể được gia hạn hiệu lực liên tiếp 2 lần, mỗi lần 05 năm.

– Nhãn hiệu: Pháp luật quy định, nhãn hiệu sẽ được bảo hộ từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn và Giấy chứng nhận có thể được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm. Nhãn hiệu có thể được bảo hộ vô thời hạn nếu sau mỗi 05 năm chủ sở hữu tiến hành đăng ký gia hạn.

– Chỉ dẫn địa lý: Có hiệu lực vô thời hạn – kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, nếu hàng hóa sản phẩm không còn đáp ứng những điều kiện của chỉ dẫn địa lý thì sẽ mất quyền bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý đó theo quy định pháp luật.

– Bí mật kinh doanh: Các bí mật kinh doanh được bảo hộ tự động cho đến khi bí mật bị công khai.

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan