MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN BIẾT VỀ THỎA THUẬN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Trong quá trình thi hành án dân sự, các bên đương sự có quyền thỏa thuận với nhau nhằm đạt được mục tiêu thi hành án mà không phải phụ thuộc hoàn toàn vào các quyết định cưỡng chế từ cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, thỏa thuận thi hành án dân sự đòi hỏi các bên phải hiểu rõ các quyền lợi, nghĩa vụ và các quy định pháp luật liên quan để tránh rủi ro pháp lý. Bài viết này sẽ phân tích các nội dung chính mà các bên đương sự cần nắm về việc thỏa thuận thi hành án. Mời các bạn cùng theo dõi.
1. Thỏa thuận thi hành án dân sự là gì?
Thỏa thuận thi hành án dân sự là quá trình các bên trong thi hành án bao gồm: Người được thi hành án và người phải thi hành án đạt được sự đồng thuận về cách thức, thời gian, phương thức hoặc các điều kiện khác để thực hiện nghĩa vụ thi hành án theo bản án, quyết định của Tòa án. Đây là một hình thức tự nguyện mà các bên có thể sử dụng để giải quyết việc thi hành án, nhằm đạt được sự thỏa mãn lợi ích của các bên mà không cần đến biện pháp cưỡng chế từ cơ quan thi hành án.
Thỏa thuận thi hành án không chỉ giúp các bên linh hoạt hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ mà còn giúp giảm bớt căng thẳng và tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả hai bên cũng như cho cơ quan thi hành án. Thỏa thuận này có thể bao gồm việc giãn tiến độ thanh toán, thay đổi phương thức thực hiện nghĩa vụ, hoặc các điều khoản khác mà các bên cùng đồng ý, miễn là không vi phạm các quy định pháp luật và đạo đức xã hội.
2. Quyền thỏa thuận thi hành án của đương sự
Theo quy định tại Điều 6 Luật Thi hành án dân sự 2008, đương sự có quyền thỏa thuận với nhau về việc thi hành án, miễn là không vi phạm các quy định pháp luật và không đạo đức xã hội. Thỏa thuận này cho phép các bên đương sự có sự linh hoạt trong việc giải quyết nghĩa vụ thi hành án, đáp ứng lợi ích của cả hai bên mà không cần tới các biện pháp cưỡng chế.
Ví dụ: Trong một bản án tranh chấp hợp đồng vay tiền, Tòa án đã tuyên anh H phải trả cho chị M 200 triệu đồng. Tuy nhiên, anh H hiện không có đủ tiền để trả một lần. Anh H đề nghị và chị M đồng ý cho anh trả dần trong 4 tháng, mỗi tháng 50 triệu đồng. Dưới sự chứng kiến của chấp hành viên, cả hai bên lập thành văn bản thỏa thuận về việc trả dần này và ký tên. Như vậy, có thể thấy, thỏa thuận thi hành án này giúp cả hai bên đạt được mục tiêu của mình mà không cần tới biện pháp cưỡng chế, mang lại sự thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho tất cả các bên liên quan.
3. Nội dung và hình thức của thỏa thuận thi hành án
Thỏa thuận thi hành án dân sự phải được lập thành văn bản và đảm bảo các nội dung như sau: [1]
(i) Trường hợp đương sự thỏa thuận trước khi yêu cầu thi hành án hoặc đã yêu cầu nhưng cơ quan thi hành án dân sự chưa ra quyết định thi hành án
Thỏa thuận thi hành án trong trường hợp này phải lập thành văn bản nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia thỏa thuận.
(ii) Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án, đương sự vẫn có quyền tự thỏa thuận thi hành án.
Thỏa thuận thi hành án trong trường hợp này phải bằng văn bản trong trường hợp này phải thể hiện rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, thời hạn thực hiện thỏa thuận, hậu quả pháp lý đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung đã thỏa thuận, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia. Đương sự phải chịu trách nhiệm về nội dung thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án.
4. Thời điểm thỏa thuận
Việc thỏa thuận thi hành án có thể ở bất kỳ thời điểm nào, có thể thỏa thuận trước khi yêu cầu thi hành án hoặc đã yêu cầu nhưng cơ quan Thi hành án dân sự chưa ra quyết định thi hành án hoặc cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành án, cụ thể:
(i) Trường hợp đương sự thỏa thuận trước khi yêu cầu thi hành án hoặc đã yêu cầu nhưng cơ quan thi hành án dân sự chưa ra quyết định thi hành án: Đương sự có nghĩa vụ tự thực hiện đúng nội dung đã thỏa thuận.
(ii) Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án mà đương sự có thỏa thuận thi hành án thì: Đương sự vẫn có quyền tự thỏa thuận thi hành án và các bên có có nghĩa vụ tự thực hiện đúng nội dung đã thỏa thuận. [2]
(iii) Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành án mà đương sự có thỏa thuận về thi hành án dân sự thì: [3]
– Nếu đương sự thỏa thuận về việc không yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với nội dung thỏa thuận đó theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự.
– Trường hợp đương sự thỏa thuận đình chỉ thi hành án sau thời điểm tài sản đã được bán đấu giá thành hoặc đã bán cho đồng sở hữu hoặc người được thi hành án đã đồng ý nhận tài sản để trừ vào tiền thi hành án mà chưa giao được tài sản cho họ thì việc thỏa thuận phải được sự đồng ý của người trúng đấu giá, người mua tài sản hoặc người nhận tài sản.
Sau khi có quyết định đình chỉ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, đương sự không có quyền yêu cầu thi hành án trở lại đối với nội dung đã đình chỉ thi hành.
Lưu ý:
Kể từ khi cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án mà đương sự có thỏa thuận thi hành án thì: Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào văn bản thỏa thuận của các bên. Việc chứng kiến thỏa thuận phải được thực hiện tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp phát hiện thỏa thuận vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án thì Chấp hành viên từ chối chứng kiến thỏa thuận nhưng phải nêu rõ lý do từ chối vào biên bản thỏa thuận. [4]
5. Giải quyết khi bên có nghĩa vụ không tuân thủ theo thỏa thuận
Khi bên có nghĩa vụ thi hành án không tuân thủ thỏa thuận, bên có quyền vẫn có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự can thiệp để bảo vệ quyền lợi cho mình theo đúng quy định pháp luật. Tùy thuộc vào giai đoạn của thỏa thuận, các phương thức giải quyết có thể như sau:
(i) Đối với thỏa thuận thi hành án xảy ra trước khi đường sự yêu cầu thi hành án hoặc đã yêu cầu nhưng cơ quan thi hành án dân sự chưa ra quyết định thi hành án
Nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận mà thời hiệu yêu cầu thi hành án vẫn còn thì bên có quyền được yêu cầu thi hành án đối với phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định.
Trong đó, Thời hiệu yêu cầu thi hành án được hiểu là thời hạn mà người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án; hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án theo quy định của Luật thi hành án dân sự. [5]
Theo Điều 30 Luật Thi hành án dân sự, Thời hiệu thi hành án dân sự là 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Lưu ý: Thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án. Hoặc Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Ví dụ: Tòa án tuyên bố anh A phải trả chị B số tiền 300 triệu đồng. Sau khi có bản án, anh A và chị B thỏa thuận rằng anh A sẽ thanh toán 150 triệu đồng ngay lập tức và phần còn lại trong 6 tháng sau. Tuy nhiên, đến hạn thanh toán lần đầu, anh A không thực hiện như đã cam kết. Nếu thời hiệu yêu cầu thi hành án vẫn còn, chị B có quyền nộp đơn yêu cầu cơ quan thi hành án buộc anh A thực hiện phần nghĩa vụ chưa hoàn thành theo bản án gốc, tức là số tiền 300 triệu đồng.
Như vậy, đường sự cần lưu ý về thời hiệu yêu cầu thi hành án để tránh trường hợp hết thời hiệu và bị mất quyền yêu cầu thi hành án theo quy định.
(ii) Đối với thỏa thuận thi hành án phát sinh sau khi cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án
Trường hợp các bên không tự nguyện thực hiện theo đúng nội dung đã thỏa thuận thì cơ quan thi hành án dân sự căn cứ nội dung quyết định thi hành án và kết quả đã thi hành theo thỏa thuận, đề nghị của đương sự để tổ chức thi hành theo quy định pháp luật.
Ví dụ: Theo bản án, anh H phải trả cho chị K 500 triệu đồng. Sau khi có quyết định thi hành án, hai bên thỏa thuận anh H sẽ trả thành 05 đợt, mỗi đợt 100 triệu đồng. Sau khi trả xong 02 đợt, anh H ngừng thanh toán. Trong trường hợp này, chị K có thể yêu cầu cơ quan thi hành án tiếp tục thi hành phần nghĩa vụ còn lại là 300 triệu đồng.
(iii) Đối với thỏa thuận thi hành án phát sinh khi cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành án
Nếu đường sự đã thỏa thuận về đình chỉ thi hành án, thì sau khi có quyết định đình chỉ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, đương sự không có quyền yêu cầu thi hành án trở lại đối với nội dung đã đình chỉ thi hành.
Ví dụ: Trong quá trình cơ quan thi hành án đang tiến hành các biện pháp cưỡng chế để buộc chị E trả lại căn nhà cho anh F theo bản án, hai bên thỏa thuận đình chỉ thi hành án với điều kiện anh F nhận một khoản bồi thường thay vì nhận lại nhà. Sau khi Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án theo thỏa thuận của hai bên, anh F không có quyền yêu cầu thi hành lại việc trả nhà mà chỉ được thực hiện quyền lợi theo thỏa thuận.
Kết luận
Thỏa thuận thi hành án dân sự là một công cụ quan trọng giúp các bên đạt được sự đồng thuận trong việc thực hiện nghĩa vụ dân sự sau khi có bản án hoặc quyết định của tòa án. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hợp pháp và hiệu quả của thỏa thuận, các bên cần nắm rõ các quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án, cũng như các nguyên tắc và phương thức giải quyết khi một bên không tuân thủ. Trong trường hợp có tranh chấp hoặc bên có nghĩa vụ không thực hiện thỏa thuận, bên còn lại vẫn quyền yêu cầu cơ quan thi hành án can thiệp để bảo vệ quyền lợi của mình. Việc hiểu và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật sẽ giúp quá trình thi hành án diễn ra thuận lợi, hạn chế tranh chấp và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Cơ sở pháp lý
[1] Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP;
[2] Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP;
[3] Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP;
[4] Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP;
[5] Khoản 5 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự;
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …