
NGƯỜI ĐANG THỰC HÀNH TẠI CƠ SỞ KHÁM CHỮA BỆNH CÓ BẮT BUỘC PHẢI KÝ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VÀ THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI HAY KHÔNG?
Trong bối cảnh pháp luật hành nghề y tại Việt Nam ngày càng chặt chẽ, minh bạch và hướng tới bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh, việc thực hành tại cơ sở y tế là giai đoạn bắt buộc để xin cấp Giấy phép hành nghề đối với một số chức danh theo quy định. Tuy nhiên, nhiều cơ sở khám chữa bệnh và người thực hành còn băn khoăn về việc liệu người thực hành có bắt buộc phải ký hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) hay không. Câu hỏi này không chỉ liên quan đến quyền lợi của người thực hành, mà còn ảnh hưởng đến nghĩa vụ pháp lý và chi phí của cơ sở tiếp nhận thực hành. Bài viết này sẽ làm rõ quy định pháp luật hiện hành đối với vấn đề này.
1. Người thực hành tại cơ sở khám chữa bệnh là ai?
Hiện nay, trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 cũng như Nghị định số 96/2023/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành khác, chưa có một định nghĩa cụ thể nào về khái niệm “người thực hành” tại cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, dựa trên mục đích và nội dung các quy định pháp luật liên quan, có thể hiểu: Người thực hành là những người đã có văn bằng chuyên môn y tế nhưng chưa được cấp giấy phép hành nghề và đang trong quá trình thực hành tại một cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện. Mục tiêu chính của giai đoạn này là để họ củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng thực tế dưới sự hướng dẫn của người có kinh nghiệm, nhằm đáp ứng đủ điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề theo quy định.
Ví dụ: Bác sĩ A vừa tốt nghiệp chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa tại Đại học Y Hà Nội và đã có bằng tốt nghiệp nhưng chưa được cấp Giấy phép hành nghề. Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, để đủ điều kiện xin cấp phép, Bác sĩ A phải thực hành 12 tháng tại một cơ sở khám chữa bệnh được công nhận đủ điều kiện. Bệnh viện X tiếp nhận bác sĩ A thực hành tại Khoa Nội, nơi bác sĩ được phân công thực hiện các nhiệm vụ như hỏi bệnh, thăm khám lâm sàng, hỗ trợ thực hiện một số thủ thuật đơn giản, tất cả đều dưới sự giám sát trực tiếp của Trưởng khoa. Sau khi hoàn tất thời gian thực hành và đạt yêu cầu, bác sĩ A sẽ được Bệnh viện X cấp Giấy xác nhận đã hoàn thành thời gian thực hành, làm cơ sở để xin cấp Giấy phép hành nghề theo đúng quy định.
2. Người thực hành có bắt buộc phải ký hợp đồng lao động không?
Theo quy định tại Điều 23 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, người đề nghị cấp giấy phép hành nghề theo một trong các chức danh bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng phải thực hành khám bệnh, chữa bệnh trừ các trường hợp:
a) Đã hoàn thành chương trình đào tạo chuyên khoa;
b) Đã được cấp giấy phép hành nghề do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp và được thừa nhận theo quy định tại Điều 29 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
Tuy nhiên, luật này không có quy định bắt buộc cơ sở tiếp nhận và người thực hành phải ký kết Hợp đồng lao động.
Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 có quy định: Sau khi nhận được đơn đề nghị thực hành của người thực hành, nếu đồng ý tiếp nhận, người đứng đầu hoặc người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là cơ sở hướng dẫn thực hành có trách nhiệm ký hợp đồng thực hành khám bệnh, chữa bệnh với người thực hành theo Mẫu 04 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Hợp đồng thực hành theo mẫu tại Nghị định này được căn cứ theo Bộ luật dân sự, Luật khám chữa bệnh và Nghị định 96/2023/NĐ-CP không mang bản chất của Hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
Ngoài ra, không có quy định nào khác trong Nghị định 96/2023/NĐ-CP hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 yêu cầu ký Hợp đồng lao động trong quá trình tiếp nhận người thực hành.
Tuy nhiên, về nguyên tắc, việc người đang thực hành tại cơ sở khám chữa bệnh có bắt buộc phải ký HĐLĐ hay không phụ thuộc vào bản chất của mối quan hệ giữa người thực hành và cơ sở khám chữa bệnh đó, cụ thể:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019: “Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.”
Như vậy, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Nếu một thỏa thuận dù có tên gọi khác nhưng chứa nội dung như làm việc có trả công và có sự quản lý, điều hành từ một bên, thì vẫn được coi là hợp đồng lao động. Trong khi đó, hoạt động thực hành tại cơ sở y tế theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh chủ yếu mang tính đào tạo, hướng dẫn, nhằm giúp người thực hành rèn luyện kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp.
Do đó, đối với người đang thực hành tại cơ sở khám chữa bệnh, cần xem xét các yếu tố để xác định có phải ký HĐLĐ hay không:
Thứ nhất, nếu việc thực hành này là một phần của chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và người thực hành không nhận tiền lương, tiền công trực tiếp từ cơ sở khám chữa bệnh, không chịu sự quản lý, điều hành của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì có thể không bắt buộc phải ký HĐLĐ. Trong trường hợp này, mối quan hệ giữa người thực hành và cơ sở khám chữa bệnh chủ yếu mang tính chất hướng dẫn, đào tạo.
Thứ hai, thỏa thuận giữa các bên: Nếu giữa người thực hành và cơ sở khám chữa bệnh có sự thỏa thuận về việc làm có trả công, tiền lương và có sự quản lý, điều hành, giám sát của cơ sở khám chữa bệnh thì đây được xem là quan hệ lao động và bắt buộc phải giao kết HĐLĐ theo quy định của Bộ luật Lao động. Nếu người thực hành chỉ nhận một khoản phụ cấp, hỗ trợ (ví dụ: tiền ăn trưa, chi phí đi lại) mà không phải là tiền lương, tiền công được trả dựa trên công sức lao động theo thỏa thuận, thì mối quan hệ này không được coi là quan hệ lao động và không bắt buộc phải ký HĐLĐ.
Như vậy, không phải mọi trường hợp người đang thực hành tại cơ sở khám chữa bệnh đều bắt buộc phải ký HĐLĐ. Việc này phụ thuộc vào thỏa thuận và bản chất thực tế của mối quan hệ.
3. Người thực hành có bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội không?
Việc người thực hành tại cơ sở khám chữa bệnh có bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) hay không phụ thuộc vào bản chất của mối quan hệ giữa họ và cơ sở tiếp nhận thực hành, cụ thể là có phát sinh quan hệ lao động theo quy định pháp luật hay không.
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc.
Căn cứ theo Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2025): Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc.
Như vậy, nếu người thực hành không ký hợp đồng lao động, hoặc chỉ ký hợp đồng thực hành mang tính chất học việc, đào tạo, không có yếu tố trả lương, tiền công, thì họ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tại cơ sở khám chữa bệnh. Mối quan hệ giữa hai bên trong trường hợp này chỉ đơn thuần là quan hệ hướng dẫn thực hành, không hình thành nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội.
Ngược lại, trong trường hợp giữa người thực hành và cơ sở khám chữa bệnh có ký hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên, hoặc ký thỏa thuận dưới tên gọi khác nhưng thực chất có nội dung thể hiện đầy đủ các yếu tố của quan hệ lao động (như có trả công, phân công công việc, thời gian làm việc, sự giám sát của bên sử dụng), thì người thực hành bắt buộc phải tham gia BHXH và cơ sở khám chữa bệnh (với tư cách là người sử dụng lao động) đều có nghĩa vụ tham gia BHXH bắt buộc theo quy định.
4. Kết luận
Người thực hành tại cơ sở khám chữa bệnh không bắt buộc phải ký hợp đồng lao động hoặc tham gia bảo hiểm xã hội, nếu quá trình thực hành chỉ mang tính học việc, không có thỏa thuận về trả lương hay tiền công. Tuy nhiên, nếu có trả công dưới bất kỳ hình thức nào và có sự quản lý, phân công công việc như một người lao động, thì phải ký hợp đồng lao động và tham gia BHXH bắt buộc theo quy định pháp luật.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …