18

Th11

NHỮNG QUYỀN LỢI CỦA LAO ĐỘNG NỮ NUÔI CON DƯỚI 12 THÁNG TUỔI

Lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi là đối tượng được pháp luật về lao động ưu tiên bảo vệ và được hưởng những quyền lợi tối ưu nhất để đảm bảo đủ điều kiện nuôi con trong thời gian lao động. Vậy những quyền lợi này là gì? Quy định về những quyền lợi này ra sao? Mời quý bạn đọc cùng theo dõi bài viết sau đây của Luật 3S!

 

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật lao động 2019;

– Luật Bảo hiểm xã hội 2014;

– Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017;

– Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;

– Nghị định 12/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, NLĐ Việt Nam ở nước ngoài theo hợp đồng.

 

II. NHỮNG QUYỀN LỢI ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG NUÔI CON DƯỚI 12 THÁNG

1. Không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật (Khoản 3 Điều 137 BLLĐ 2019).

2. Được ưu tiên ký kết hợp đồng mới

Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới theo khoản 3 Điều 137 BLLĐ 2019.

3. Không bị xử lý kỷ luật

Người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi theo điểm a khoản 4 Điều 122 BLLĐ 2019. Theo đó, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ có vi phạm về lao động sẽ không bị xử lý kỷ luật, mà chỉ bị xử lý kỷ luật lao động sau khi hết thời hạn này.

Lưu ý:

Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 12 tháng.

Nếu sau khi hết thời hạn nuôi con dưới 12 tháng, mà hết thời hiệu hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên. Do đó lao động nữ vẫn sẽ tiếp tục bị xử lý kỷ luật đối với những vi phạm phát sinh trong thời kỳ nuôi con dưới 12 tháng tuổi nếu sau khi hết thời gian này mà vẫn còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật hoặc trong thời hiệu xử lý kỷ luật được kéo dài theo Điều 123 BLLĐ 2019

4. Được từ chối làm việc ban đêm, làm thêm giờ hoặc từ chối đi công tác xa

Căn cứ theo khoản 1 Điều 137 BLLĐ 2019 thì Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý. Theo đó, nếu có yêu cầu từ phía người sử dụng lao động về việc làm thêm giờ, làm ban đêm hoặc đi công tác xa thì lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi được quyền từ chối.

5. Được chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn nếu đang làm công việc nặng nhọc nguy hiểm

Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi (khoản 2 Điều 137 BLLĐ 2019)

Trong trường hợp được giảm bớt 1 giờ làm việc, nhưng lao đông nữa đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi vẫn có như cầu làm việc trong 1 giờ đó thì tiền lương trong trường hợp này cần được thực hiện tương tự như chính sách quy định tại khoản 4 Điều 137 BLLĐ; điểm c khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều 80 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP. Theo đó, trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được NSDLĐ đồng ý để NLĐ làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo HĐLĐ, NLĐ được trả thêm tiền lương theo công việc mà NLĐ đã làm trong thời gian được nghỉ (Công văn 308/CV-PC 2022 thông báo kết luận của Thứ trưởng Lê Văn Thanh)

6. Được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi.

Trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định tại điểm a khoản này thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ;

Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.

(Khoản 4 Điều 137 BLLĐ 2019; Khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP)

7. Được nghỉ tối đa 20 ngày làm việc nếu con ốm đau

Theo Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

“Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 03 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi.

Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của mỗi người cha hoặc người mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi con ốm đau quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.”

8. Hưởng trợ cấp khi con ốm đau

Lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi tham gia BHXH bắt buộc và đủ điều kiện hưởng chế độ con ốm đau được hưởng mức trợ cấp trong thời gian nghỉ việc chăm con theo quy định tại Điều 28, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

Mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.

Như vậy, tổng số tiền chế độ ốm đau mà cha mẹ được hưởng mỗi lần con ốm đau được tính theo công thức:

Tiền trợ cấp = { 75% x Mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ }/ { 24 x số ngày nghỉ }

Lưu ý:  Số ngày nghỉ không vượt quá số ngày tối đa không quá 20 ngày/năm theo quy định.

9. Được nghỉ thai sản sau sinh con 6 tháng

Theo Điều 139 Bộ luật Lao động 2019, chế độ thai sản đối với lao động nữ quy định như sau:

– Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.

Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

– Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH.

– Hết thời gian nghỉ thai sản, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.

– Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng NLĐ phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của NLĐ. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

10. Được lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ nếu doanh nghiệp sử dụng hơn 1000 lao động nữ

Khoản 5 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định trường hợp người sử dụng lao động sử dụng từ 1000 NLĐ nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.

Đồng thời, khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động.

11. Được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới

Trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian người lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi, sẽ được ưu tiên giao kết hợp đồng mới theo quy định tại Khoản 3, Điều 137, Bộ luật Lao động 2019.

 

III. XỬ PHẠT NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ LAO ĐỘNG NỮ NUÔI CON DƯỚI 12 THÁNG

Căn cứ khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP Người sử dụng lao động vi phạm quy định về lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng có thể bị phạt như sau:

“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng người lao động mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo làm thêm giờ hoặc làm việc ban đêm hoặc đi công tác xa;

b) Sử dụng người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc ban đêm hoặc đi công tác xa, trừ trường hợp được người lao động đồng ý;

c) Không thực hiện việc chuyển công việc hoặc giảm giờ làm đối với lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai mà người lao động đã thông báo với người sử dụng lao động biết theo quy định tại khoản 2 Điều 137 của Bộ luật Lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác;

d) Không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác;

đ) Không cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi ngày trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác;

e) Không bảo đảm việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 140 của Bộ luật Lao động;

g) Không ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới đối với trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

h) Xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nghỉ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;…”

Như vậy, người sử dụng lao động có hành vi không cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi ngày trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác thì sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc người sử dụng lao động trả tiền lương cho người lao động nữ tương ứng với thời gian người lao động nữ không được nghỉ trong thời gian hành kinh theo quy định của pháp luật khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều này;

b) Buộc người sử dụng lao động trả tiền lương cho người lao động nữ tương ứng với thời gian người lao động nữ không được nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này;

c) Buộc người sử dụng lao động nhận người lao động trở lại làm việc khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm i khoản 2 Điều này”

Ngoài ra, theo Điều 162 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), nếu sa thải trái pháp luật đối với phụ nữ mang thai, người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người sử dụng lao động là cá nhân có thể bị phạt tiền từ 100 – 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 – 03 năm.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan