NHỮNG QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI LÀM CÔNG VIỆC NẶNG NHỌC, ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM
Trong môi trường lao động, công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm đòi hỏi sự chú trọng đặc biệt từ cả người sử dụng lao động và cơ quan quản lý. Để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người lao động, pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng các chế độ và quyền lợi dành cho những người làm việc trong các điều kiện này. Mời các bạn tìm hiểu những chế độ dành cho người lao động khi làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thông qua bài viết sau đây.
1/ Thế nào là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Công việc nặng nhọc được hiểu là những công việc đòi hỏi sức lực lao động cao và liên quan đến việc vận chuyển hoặc nâng đỡ hàng hóa nặng, làm việc trong điều kiện thể chất khắc nghiệt, hoặc phải làm việc trong tư thế không thuận lợi, ảnh hưởng đến sức khỏe và thể lực của người lao động.
Công việc độc hại được hiểu là những công việc có nguy cơ tiếp xúc với các yếu tố gây hại cho sức khỏe như hóa chất độc hại, bụi bẩn, tiếng ồn, hoặc các yếu tố môi trường có thể gây tổn thương cho cơ thể người lao động. Công việc độc hại thường yêu cầu người lao động phải tuân thủ các quy định về bảo hộ lao động và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết.
Công việc nguy hiểm thường là những công việc có nguy cơ cao gây ra tai nạn lao động hoặc tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc tính mạng. Các công việc nguy hiểm thường bao gồm làm việc ở độ cao, trong điều kiện không an toàn, hoặc sử dụng các thiết bị máy móc có nguy cơ gây tai nạn.
Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định về nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như sau: [1] Nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được phân loại căn cứ vào đặc điểm, điều kiện lao động đặc trưng của mỗi nghề, công việc. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sau khi có ý kiến của Bộ Y tế; quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động.
Theo đó, Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020.
2/ Các chế độ dành cho người lao động làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Người lao động làm việc trong các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng các quyền lợi và chế độ đặc biệt nhằm bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của họ theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật có liên quan, cụ thể:
* Về thời giờ làm việc:
Người lao động được người sử dụng lao động đảm bảo giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan. [2]
* Về ngày nghỉ hằng năm: [3]
a) Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
– 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
– 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
– 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
b) Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
* Đối với lao động nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm [4]
Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
* Đối với người lao động cao tuổi [5]
Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.
* Đối với người lao động là người khuyết tật [6]
Người sử dụng lao động không được phép sử dụng người lao động là người khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành mà không có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó.
* Đối với người học nghề, tập nghề trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm [7]
Người chưa đủ 18 tuổi sẽ không được người sử dụng lao động tuyển dụng để học nghề, tập nghề đối với những công việc thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.
* Về tuổi nghỉ hưu [8]
Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu.
Hiện nay, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
* Chế độ ốm đau: [9]
Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành là 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
* Chế độ bệnh nghề nghiệp [10]
Người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại;
– Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh bệnh nghề nghiệp.
* Chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật:
Người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại được người sử dụng lao động bồi dưỡng bằng hiện vật (Khoản 1 Điều 24 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015). Mức bồi dưỡng được quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH như sau: Mức 1: 10.000 đồng; Mức 2: 15.000 đồng; Mức 3: 20.000 đồng; Mức 4: 25.000 đồng.
Mức bồi dưỡng sẽ được xác định dựa trên điều kiện lao động và chỉ tiêu môi trường lao động của mỗi ngành, nghề và tùy thuộc vào từng người lao động như sau: Đối với người lao động làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng, nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng; Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên. Về nguyên tắc, việc bồi dưỡng bằng hiện vật khôngđược trả bằng tiền, không được trả vào lương (gồm cả đưa vào đơn giá tiền lương) thay cho hiện vật bồi dưỡng. [11]
* Chế độ chăm sóc sức khỏe cho người lao động [12]
Người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất 06 tháng một lần. Đối với người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp sẽ được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp;
Trước khi bố trí hoặc trước khi chuyển người lao động sang làm công việc việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động.
* Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân [13]
Người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo vệ cá nhân đúng chủng loại, đối tượng, sổ lượng, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Người sử dụng lao động không được phát tiền thay cho việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân; không buộc người lao động tự mua hoặc thu tiền của người lao động để mua phương tiện bảo vệ cá nhân.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát người lao động sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân; tổ chức thực hiện biện pháp khử độc, khử trùng, tẩy xạ bảo đảm vệ sinh đối với phương tiện bảo vệ cá nhân đã qua sử dụng ở những nơi dễ gây nhiễm độc, nhiễm trùng, nhiễm xạ.
Cơ sở pháp lý:
[1] Điều 22 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015;
[2] Khoản 3 Điều 105 Bộ luật Lao động 2019;
[3] Khoản 1, Khoản 2 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019;
[4] Khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019;
[5] Khoản 3 Điều 149 Bộ luật Lao động 2019;
[6] Khoản 2 Điều 160 Bộ luật Lao động 2019;
[7] Khoản 4 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019;
[8] Khoản 2, Khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019;
[9] Điểm b Khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014;
[10] Điều 44 Luật Bảo hiểm xã hội 2014;
[11] Điều 3 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH;
[12] Điều 21 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015;
[13] Điều 23 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015;
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …