20

Th9

QUY ĐỊNH VỀ TỘITRỐN ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI”

Đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) là nghĩa vụ bắt buộc của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp trốn tránh hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ này. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho người lao động, và để bảo vệ cho người lao động khỏi bị người sử dụng lao động xâm phạm các quyền lợi này, pháp luật đã quy định nhiều hình thức xử phạt đối với doanh nghiệp có hành vi chậm đóng BHXH hoặc trốn, tránh đóng BHXH cho người lao động, và đặc biệt hơn, hành vi trốn đóng BHXH đã được hình sự hóa cụ thể tại Bộ luật hình sự 2015. Vậy, khi nào hành vi trốn đóng BHXH cho người lao động phải chịu trách nhiệm hình sự? Cùng tìm hiểu thêm vấn đề này tại bài viết sau của Luật 3S nhé!

 

I. ĐỊNH NGHĨA

Theo Điều 2 Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP, trốn đóng BHXH là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH.

Tại Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng nêu rõ, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp là một trong các hành vi bị nghiêm cấm do đó doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng quy định doanh nghiệp có hành vi trốn đóng BHXH cho người lao động từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

 

II. KHI NÀO CÔNG TY PHẢI ĐÓNG BHXH CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật BHXH 2014:

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng…

Theo quy định trên, những người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Vì vậy, trường hợp các bên ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên thì cả người lao động và người sử dụng lao động đều phải đóng BHXH bắt buộc.

 

III. CHẾ TÀI HÀNH CHÍNH HÀNH VI TRỐN ĐÓNG BHXH

Hành vi trốn đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH cho người lao động trước hết sẽ chịu chế tài chính, tùy từng hành vi cụ thể và mức độ vi phạm mà doanh nghiệp sẽ phải chịu mức hình phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.

2. Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Sửa chữa, làm sai lệch văn bản, tài liệu trong hồ sơ đề xuất được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

– Bị buộc phải đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan BHXH;

– Bị buộc nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian trốn đóng.

Ngoài hành vi trốn đóng BHXH bị xử phạt nêu trên, pháp luật còn quy định những trường hợp khác, mặc dù chưa phải là hành vi trốn đóng, nhưng có hành vi sai phạm về BHXH, chậm đóng BHXH thì người sử dụng lao động cũng sẽ bị phạt như: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định”

(Điều  39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

 

IV. TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI HÀNH VI TRỐN ĐÓNG BHXH

1. Trách nhiệm hình sự đối với cá nhân

a) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với:

Người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm:

– Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

– Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

Trong đó:

06 tháng trở lên trong trường hợp này được xác định là 06 tháng liên tục hoặc 06 tháng cộng dồn trở lên.

Ví dụ: Trong thời gian từ tháng 5 năm 2018 đến tháng 3 năm 2019, Doanh nghiệp A không đóng bảo hiểm xã hội 04 tháng trong năm 2018 (gồm các tháng 5, 7, 9 và 11) và 02 tháng trong năm 2019 (tháng 01 và tháng 02) là không đóng bảo hiểm xã hội 06 tháng cộng dồn trở lên.

(Khoản 14 Điều 2 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP)

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:

– Phạm tội 02 lần trở lên;

– Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

– Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;

– Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

Trong đó:

Phạm tội 02 lần trở lên trong trường hợp này là trường hợp đã thực hiện hành vi phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ 02 lần trở lên nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP)

Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động trong trường hợp này được hiểu là trường hợp người sử dụng lao động đã thu hoặc đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm từ tiền lương tháng đóng bảo hiểm của người lao động nhưng không đóng cho cơ quan bảo hiểm (Khoản 4 Điều 3 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP)

c) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

– Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;

– Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;

– Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 10 người đến dưới 50 người lao động hoặc từ 50 người đến dưới 200 người.

d) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

2. Trách nhiệm hình sự của Pháp nhân thương mại

– Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điểm a mục 1 nêu trên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

– Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điểm b mục 1 nêu trên, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

– Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điểm c mục 1 nêu trên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.

(Điều 126 BLHS 2015)

 

V. MỘT SỐ BẤT CẬP, HẠN CHẾ TRONG VIỆC XỬ LÝ HÀNH VI TRỐN ĐÓNG BHXH

Hành vi công ty trốn đóng BHXH của các doanh nghiệp xảy ra rất phổ biến trong nhiều năm qua. Mặc dù chế tài đối với hành vi này đã được quy định, tuy nhiên khi áp dụng xử lý hình sự, cơ quan điều tra đang gặp nhiều khó khăn do hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Có thể kể đến như doanh nghiệp chưa từng bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó về hành vi trốn đóng BHXH để làm căn cứ xử lý hình sự; hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm luật có hiệu lực, hay khó khăn trong việc chứng minh hành vi gian dối, dùng thủ đoạn khác bởi công ty thường đưa ra lý do đang khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên nợ đóng BHXH chứ không phải trốn đóng BHXH.

Ngoài ra, về mặc quy định pháp luật cũng còn có những điểm chưa hoàn thiện khiến việc áp dụng chế tài và trách nhiệm hình sự chưa được hiệu quả và khó khăn trong việc định tội hành vi này. Cụ thể như

Một là, hành vi “gian dối”“thủ đoạn khác” chưa được luận giải và cụ thể hóa tại Điều 216 BLHS năm 2015.

Khoản 1 Điều 216 BLHS năm 2015 quy định: “Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định…” nhưng lại không nêu rõ “hành vi gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác” là những hành vi cụ thể nào, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội.

Bởi thực tế cho thấy, khi một tổ chức, cá nhân nợ BHXH, việc phân biệt có sự “gian dối” hay không (hay đơn thuần là nợ vì khó khăn khách quan) không dễ để có thể xác định. Ví dụ, nếu có người làm giả giấy tờ, hồ sơ để chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, BHTN thì động cơ vụ lợi là vì mục đích riêng, hành vi gian dối trong trường hợp này đã rất rõ ràng. Tuy nhiên, có những trường hợp, việc dây dưa nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN có thể vì khó khăn chung và vì lợi ích chung của tổ chức, doanh nghiệp. Khi đó, ranh giới giữa gian dối hay không gian dối rất mong manh và khó xác định.

Hai là, về việc xử lý hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018.

Khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 214, Điều 215, Điều 216 của BLHS năm 2015 quy định: “Đối với hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì không xử lý hình sự theo quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự…”.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, có những doanh nghiệp không nộp hoặc chậm nộp bảo hiểm trong một khoảng thời gian rất dài, có những doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm trong thời gian từ 5 đến 10 năm. Tuy nhiên, Luật BHXH năm 2014 chưa có quy định cụ thể về việc: Nếu doanh nghiệp đã nợ trong thời gian dài, tiền đóng BHXH của doanh nghiệp trong các năm tính từ 01/01/2018 trở về sau có tiến hành trừ cho các khoản nợ của doanh nghiệp từ trước thời điểm 01/01/2018 hay không thì tính đến thời điểm hiện tại chưa có văn bản pháp lý hướng dẫn thi hành. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều tiến hành trích nộp bảo hiểm cho những lao động mới phát sinh từ 01/01/2018 đến nay và lấy làm căn cứ từ 01/01/2018 đến nay không chậm đóng BHXH. Chính vì vậy, các doanh nghiệp này gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động nói riêng và quỹ BHXH nói chung, đồng thời, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình xử lý hình sự.

 

Tham khảo

– Bộ luật Hình sự 2015

– Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội

– Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội

– Tạp chí tòa án

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan