QUYỀN MIỄN TRỪ LÀM CHỨNG TRONG PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Quyền miễn trừ làm chứng là một phần quan trọng trong pháp luật tố tụng hình sự, nhằm bảo vệ những người có nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực khi phải cung cấp lời khai trong vụ án. Quy định này đảm bảo rằng cá nhân có thể từ chối làm chứng trong những trường hợp nhất định, qua đó duy trì sự công bằng và bảo vệ quyền lợi cá nhân. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ những trường hợp phải và được miễn trừ làm người làm chứng trong vụ án hình sự
1/ Người làm chứng trong vụ án hình sự là ai?
Người làm chứng trong vụ án hình sự được hiểu là cá nhân có kiến thức hoặc thông tin liên quan đến sự việc, tình tiết của vụ án mà họ biết được do chứng kiến trực tiếp hoặc do các nguồn tin khác. Họ được mời hoặc triệu tập để cung cấp lời khai, giúp cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ các tình tiết của vụ án hình sự.
Theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan trong quá trình giải quyết vụ án, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ những người sau đây không được làm chứng: [1]
a) Người bào chữa của người bị buộc tội;
b) Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.
2/ Quyền và nghĩa vụ của người làm chứng?
Theo quy định tại Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người làm chứng sẽ có những quyền và nghĩa vụ như sau:
(i) Về quyền, Người làm chứng có quyền:
a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
b) Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;
c) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng;
d) Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.
(ii) Về nghĩa vụ, người làm chứng có các nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;
b) Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.
Quyền và nghĩa vụ của người làm chứng được quy định rõ ràng nhằm đảm bảo sự tham gia công bằng và minh bạch của người làm chứng trong quá trình tố tụng hình sự. Nó không chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ mà còn đảm bảo tính chính xác và công bằng trong việc thu thập chứng cứ. Nếu Người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự. [2]
3/ Quyền miễn trừ làm chứng
Quyền miễn trừ làm chứng là quyền của một số cá nhân trong hệ thống tố tụng hình sự được pháp luật cho phép không bắt buộc phải cung cấp lời khai trước tòa, trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Quyền này xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ lợi ích cá nhân và các mối quan hệ đặc biệt giữa bị can, bị cáo với những người liên quan, tránh việc những người này phải rơi vào tình thế khó xử khi phải làm chứng hoặc cung cấp thông tin có thể gây hại cho bản thân hoặc người thân của họ.
Quyền miễn trừ làm chứng không chỉ là quyền bảo vệ cá nhân mà còn là sự cân nhắc giữa quyền lợi cá nhân và lợi ích công cộng. Trong đó, pháp luật đưa ra các điều kiện và trường hợp cụ thể mà cá nhân có thể sử dụng quyền này nhằm đảm bảo tính nhân đạo trong quá trình tố tụng hình sự.
Theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015, quyền miễn trừ làm người làm chứng được áp dụng đối với hai nhóm chủ thể thuộc các trường hợp sau:
Một là, nhóm chủ thể là người có thẩm quyền tố tụng:
Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm: [3]
a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra;
b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên;
c) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên.
Theo đó, Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải từ chối hoặc bị thay đổi nếu đã tham gia với tư cách là người làm chứng trong cùng vụ án [4]. Quy định này nhằm bảo đảm tính khách quan và vô tư của quá trình tố tụng, theo Điều 21 BLTTHS 2015. Trong tố tụng hình sự, Điều tra viên và Kiểm sát viên đại diện bên buộc tội thay mặt Nhà nước, do đó không thể đồng thời giữ vai trò người làm chứng. Họ có trách nhiệm thu thập chứng cứ để tìm ra sự thật khách quan, nên việc làm chứng sẽ mâu thuẫn với chức năng này.
Hai là, Người bào chữa của bị can, bị cáo:
Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa. Người bào chữa có thể là: [5]
a) Luật sư;
b) Người đại diện của người bị buộc tội;
c) Bào chữa viên nhân dân;
d) Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Người làm chứng không được làm chứng khi đã tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa của người bị buộc tội trong cùng một vụ án đang giải quyết được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 66 BLTTHS năm 2015. Việc ngăn cấm người bào chữa làm chứng xuất phát từ việc họ đảm nhiệm vai trò gỡ tội cho bị can, bị cáo, nên nếu làm chứng, tính khách quan sẽ không được đảm bảo. Với kiến thức pháp luật và quá trình thu thập chứng cứ, người bào chữa có thể nắm rõ nhiều tình tiết của vụ án, và nếu làm chứng, họ có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của bị hại và các bên liên quan, gây khó khăn cho việc xác minh sự thật. Nghĩa vụ chính của người bào chữa là làm sáng tỏ các yếu tố chứng minh bị cáo vô tội, không được tiết lộ thông tin họ biết trong quá trình bào chữa, điều này mâu thuẫn với trách nhiệm của người làm chứng là khai báo trung thực những gì liên quan đến vụ án.
Ba là, Người có nghĩa vụ khai báo nhưng được pháp luật cho phép từ chối nghĩa vụ khai báo
Việc từ chối khai báo của người làm chứng trong tố tụng có thể cản trở quá trình điều tra và chứng minh tội phạm, gây khó khăn cho cơ quan tố tụng. Tuy nhiên, pháp luật cho phép một số người làm chứng từ chối khai báo mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu họ có quan hệ đặc biệt với người phạm tội, như ông bà, cha mẹ, con cái, anh chị em ruột, vợ chồng. [6] Những người này mặc dù biết rõ tình tiết tội phạm nhưng không khai báo (che giấu hoặc không tố giác) sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, ngoại trừ các trường hợp liên quan đến tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và các tội đặc biệt nghiêm trọng. Điều này được quy định nhằm bảo vệ nguyên tắc không tố giác tội phạm và thể hiện sự quan tâm đến các yếu tố đạo đức và truyền thống trong quan hệ giữa Nhà nước và công dân.
Như vậy, Quyền miễn trừ làm chứng là một quy định mang tính nhân đạo trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, bảo vệ quyền lợi của người làm chứng và các mối quan hệ gia đình, xã hội. Nó đảm bảo tính công bằng và cân bằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích công lý, đồng thời giúp người làm chứng có thể tránh được những tình huống khó xử trong quá trình tố tụng.
Cơ sở pháp lý:
[1] Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;
[2] Khoản 5 Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;
[3] Khoản 3 Điều 34 Bộ luật tố tụng hình sự 2015;
[4] Điều 49 Bộ luật tố tụng hình sự 2015;
[5] Điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự 2015;
[6] Khoản 2 Điều 18 và khoản 2 Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015;
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …