28

Th7

QUYỀN TÁC GIẢ ĐỐI VỚI MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT KHOA HỌC

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả bao gồm những quyền cụ thể mà pháp luật trao cho tác giả hay chủ sở hữu của một tác phẩm về việc đặt tên tác phẩm, đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng, sao chép…

Sẽ là vô nghĩa nếu chỉ công nhận sự tồn tại của quyền sở hữu trí tuệ mà không có cơ chế pháp lý giúp chủ thể quyền bảo vệ các quyền đó. Chính vì vậy, dưới sự điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật khoa học càng được trú trọng bảo vệ. Tuy nhiên, để một tác phẩm được bảo vệ thật sự thì cần đòi hỏi những điều kiện nhất định. Vậy điều kiện đó là gì? Cùng theo dõi bài viết sau của Luật 3S nhé!

 

1. QUYỀN TÁC GIẢ LÀ GÌ?

Quyền tác giả có thể được tiếp cận từ hai góc độ như sau: Thứ nhất, quyền tác giả là một quyền của cá nhân, tổ chức (bao gồm tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng) đối với sáng tạo trí tuệ chủ yếu trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật hay truyền thông đại chúng.

Thứ hai, quyền tác giả là quyền của các cá nhân tổ chức đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học do họ sáng tạo ra hoặc là chủ sở hữu.(khoản 2 Điều 4 Luật SHTT).

2.THỜI ĐIỂM PHÁT SINH QUYỀN TÁC GIẢ?

Điều 6 Luật SHTT quy định: Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Như vậy, dưới góc độ pháp lý, quyền tác giả của một tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học tại Việt Nam được xác định dựa trên 3 yếu tố:

(i) Tác phẩm văn học được tác giả sáng tạo, không được sao chép, trích dẫn trái quy định;

(ii) Dù có đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu hay không thì tác giả vẫn được hưởng đầy đủ quyền, nghĩa vụ với tác phẩm do mình sáng tạo ra. Nói cách khác, quyền tác giả được xác định không phụ thuộc vào việc tác giả hay chủ sở hữu có thực hiện thủ tục hành chính đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay không;

(iii) Quyền tác giả chỉ được bảo hộ khi nó tồn tại dưới một hình vật chất nhất định, chứ không thể bảo hộ khi tác phẩm chưa thể hiện dưới một hình thức vật chất nào.

Ngoài cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn cũng là điều kiện quan trọng trong việc xác lập bản quyền một tác phẩm văn học, nghệ thuật khoa học. Các cơ sở thực tiễn này chính là việc thực hiện các quyền của tác giả được pháp luật cho phép như đặt tên cho tác phẩm, công bố tác phẩm, đánh dấu bằng tên, bút danh… Các cơ sở này là rất quan trọng khiến tác phẩm không bị nhầm lẫn, giúp tác giả ý thức được về việc sở hữu và cũng hạn chế các tranh chấp phát sinh liên quan đến các tác phẩm văn học, nghệ thuật khoa học.

Bên cạnh đó, việc đặt tên cho tác phẩm cũng là một quyền nhân thân được pháp luật công nhận. Cơ sở này được hình thành khi tác giả đặt tên cho tác phẩm của mình để truyền tải thông điệp, chủ đề của tác phẩm. Việc lựa chọn một cái tên cho tác phẩm văn học không những xác định tác phẩm này là của ai, do ai sáng tác mà còn có tác dụng định danh, tạo sức hút cho tác phẩm.

Ngoài ra, việc trình bày tác phẩm trước công chúng tồn tại dưới rất nhiều hình thức như thuyết trình, trình bày, biểu diễn, xuất bản, phát thanh, truyền hình, trình diễn một tác phẩm sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, đọc trước công chúng, phát sóng, xuất bản tác phẩm… được coi là tác phẩm đã công bố. Đây là những tác phẩm đã được phát hành với sự đồng ý của tác giả, không phân biệt phương pháp cấu tạo các bản sao, miễn là các bản đó đáp ứng nhu cầu hợp lý của công chúng, tuỳ theo bản chất của tác phẩm. Hơn thế nữa, Tác giả là người có quyền tự mình quyết định có nên công bố, phổ biến tác phẩm hay không. Hay hiểu theo cách khác, việc công bố hay không công bố, công bố ở đâu, thời gian nào, bằng hình thức gì là do tác giả quyết định. Đây là những cơ sở thực tiễn chứng minh quyền tác giả của một tác phẩm.

3. TÁC PHẨM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT KHOA HỌC NÀO ĐƯỢC BẢO HỘ?

Luật Sở hữu trí tuệ không định nghĩa cụ thể tác phẩm văn học là gì, tác phẩm nghệ thuật là gì hay tác phẩm khoa học là gì mà chỉ đưa ra liệt kê chung với những tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ tại khoản 1 Điều 23, bao gồm:

a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

c) Tác phẩm báo chí;

d) Tác phẩm âm nhạc;

đ) Tác phẩm sân khấu;

e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);

g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;

h) Tác phẩm nhiếp ảnh;

i) Tác phẩm kiến trúc;

k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;

l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;

m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

4. QUYỀN TÁC GIẢ ĐỐI VỚI TÁC PHẨM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT KHOA HỌC ĐƯỢC PHÁP LUẬT GHI NHẬN NHƯ THẾ NÀO?

Thứ nhất, về đối tượng được bảo hộ quyền tác giả

Đối tượng được bảo hộ quyền tác giả chính là tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm: người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của Luật SHTT. Có thể thấy, người trực tiếp tạo ra tác phẩm chính là tác giả và có quyền tác giả đối với tác phẩm đó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả không cùng là một cá nhân, tổ chức. Khi đó, hai chủ sở thể này sẽ được hưởng các quyền sở hữu trí tuệ hoàn toàn khác nhau.

Thứ hai, về những quyền của tác giả được bảo hộ

Quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật khoa học bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Trong đó:

Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây: Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây: Làm tác phẩm phái sinh; Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; Sao chép tác phẩm; Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

– Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 4 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ; chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ.

– Tác giả và tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để sáng tạo tác phẩm có thể thỏa thuận về việc sửa chữa tác phẩm.

Thứ ba, bảo hộ đối với những tác phẩm phái sinh.

Luật SHTT quy định: Tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác (khoản 8 Điều 4 Luật SHTT).  Theo đó, để một tác phẩm phái sinh được bảo hộ thì tác phẩm đó phải không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh (khoản 2 Điều 14 Luật SHTT). Hay nói cách khác, những tác phẩm được phái sinh từ các tác phẩm văn học, nghệ thuật khoa học nêu trên, chỉ được bảo hộ nếu chúng không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật khoa học dùng làm tác phẩm phái sinh.

Thứ tư, về thời hạn bảo hộ

Việt Nam cấp thời hạn bảo hộ khác nhau cho các loại hình tác phẩm khác nhau, và thời hạn bảo hộ này cũng khác biệt giữa quyền nhân thân (còn gọi là quyền tinh thần) và quyền tài sản (còn gọi là quyền kinh tế).

– Đối với các quyền nhân thân (trừ quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm) sẽ được bảo hộ vô thời hạn.

– Trong trường hợp tác phẩm đã được công bố, quyền tài sản của các tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên.

– Trường hợp các tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình.

– Tác phẩm không thuộc các loại hình đã nêu trên có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết. Trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết. Trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết. Tác phẩm khuyết danh cũng được xác định theo thời hạn này kể từ khi các thông tin về tác giả xuất hiện

5. ĐIỀU KIỆN BẮT BUỘC PHẢI CÓ ĐỂ LÀM PHÁT SINH QUYỀN TÁC GIẢ ĐỐI VỚI MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT KHOA HỌC

Có thể thấy, việc để một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giải hầu như không có một điều kiện đặc biệt nào. Đây như  là một tiêu chuẩn chung được công nhận trên toàn thế giới.  Tại Việt Nam, tất cả các tác phẩm văn học nghệ thuật khoa học được quy định trong Công ước Berne đều có khả năng được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam khi đáp ứng 2 điều kiện: (a) tác phẩm được sáng tạo ra và định hình dưới một hình thức vật chất nhất định (fixation), và (b) tác phẩm đó có tính nguyên gốc (originality).

Như vậy, tính nguyên gốc (originality) gắn liền với một tác phẩm văn học nghệ thuật khoa học là điều kiện bắt buộc để tác phẩm này được bảo hộ quyền tác giả. Nói cách khác, nếu chúng chỉ được tạo ra mà không có tính nguyên gốc thì không có sự tồn tại của quyền tác giả, quyền liên quan.

Mặc dù, cho đến thời điểm hiện tại, Công ước Berne và Hiệp định về các khía cạnh có liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs) đều chưa đề cập hay định nghĩa tính nguyên gốc là gì. Tuy nhiên, Tính nguyên gốc vẫn được ngầm hiểu, thừa nhận và được xây dựng trong pháp luật của mỗi quốc gia theo những tiêu chuẩn riêng

Tại Việt Nam, Tính nguyên gốc cũng không được định nghĩa cụ thể mà chỉ được quy định gián tiếp rằng tác phẩm được bảo hộ phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác (Khoản 3 Điều 14 Luật SHTT 2005 sửa đổi bổ sung 2009). Đây chính là sự thể hiện của “Tính nguyên gốc”

Về mặt thực tiễn, có thể thấy: Tính nguyên gốc của tác phẩm văn học nghệ thuật khoa học trong thực tiễn xét xử hoặc giải quyết tranh chấp quyền tác giả ở Việt Nam nhìn chung vừa khó và vừa hiếm khi tìm thấy ở các bản án của tòa án hoặc quyết định hành chính vì một mặt số lượng vụ án sở hữu trí tuệ được xét xử bởi hệ thống tòa án ở Việt Nam là quá ít ỏi và mặt khác nguyên đơn (chủ thể quyền) hoặc luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của họ chưa có đủ hiểu biết về bản chất tồn tại của quyền tác giả dẫn tới thất bại trong quá trình tranh tụng tại tòa. Ví dụ, theo bản án sơ thẩm số 213/2014/DS-ST ngày 14/08/2014 của Tòa án nhân dân quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, nguyên đơn khởi kiện bị đơn có hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm “hình thức thể hiện tranh tết dân gian” (xem hình bên dưới) kèm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xin lỗi công khai trên báo chí. Bị đơn bác bỏ yêu cầu khởi kiện và cho rằng tác phẩm mà bị đơn sử dụng khác với tác phẩm của nguyên đơn. Có vẻ như ngụ ý của Tòa án là cả tác phẩm “hình thức thể hiện tranh tết dân gian” của nguyên đơn (dù đã được Cục bản quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 169/2013/QTG ngày 07/01/2013) và tác phẩm bị nghi ngờ xâm phạm của bị đơn đều không có tính nguyên gốc vì Tòa án tuyên bố bác đơn khởi kiện lập luận rằng cả hai đều lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian, trong khi đó, quyền tác giả của các hình ảnh riêng rẽ đã được lưu truyền lâu đời trong văn hóa dân gian không thể xác định là của ai.

 

Tham khảo:

– Cục Bản quyền tác giả (2010), Các quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế về quyền tác giả và quyền liên quan.

– Tạp chí khoa học công nghệ Việt Nam, Cơ sở xác định bản quyền tác phẩm văn học tại Việt Nam.

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan