05

Th11

TÒA ÁN XÉT XỬ KÍN TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO?

Xét xử công khai là một trong những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động tố tụng nhằm đảm bảo cơ chế kiểm tra và giám sát của nhân dân đối với hoạt động xét xử và tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật cho người dân. Tuy vậy Tòa án có thể quyết định xét xử kín trong một số trường hợp quy định hoặc theo yêu cầu chính đáng của đương sự. Vậy, khi nào Tòa án xét xử kín? Quy định về xét xử kín được thực hiện như thế nào? Mời các bạn đọc cùng tham khảo bài viết sau đây nhé!

 

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Hiến pháp 2013;

– Bộ luật tố tụng hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017;

– Bộ luật tố tụng dân sự 2015;

II. XÉT XỬ KÍN LÀ GÌ?

Xét xử kín hay xét xử không công khai được hiểu là phiên tòa được xét xử nhưng không phải mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa.

Theo đó, trong phiên tòa xét xử kín, chỉ có Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng do Hội đồng xét xử triệu tập nếu xét thấy cần thiết. Còn lại, không một ai khác được ở lại phòng xét xử để theo dõi diễn biến phiên tòa, kể cả nhà báo hay người thân của bị cáo, đương sự.

III. KHI NÀO TÒA ÁN XÉT XỬ KÍN?

Theo Điều 103 Hiến pháp 2013 quy định:

“Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”.

Trong Tố tụng hình sự, quy định này đã được cụ thể hóa tại Điều 25 BLTTHS 2015 như sau:

“Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng. Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.

Bên cạnh đó, Điều 423 Bộ luật này cũng quy định:

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, sẽ có 4 trường hợp Tòa án sẽ xét xử kín như sau:

Thứ nhất, xét xử kín trong một số vụ án hình sự nếu Tòa xét thấy cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc

Theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018, bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.

Những bí mật nhà nước này có thể liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Do đó, khi xét xử các tội danh về làm lộ bí mật nhà nước hoặc các tội danh liên quan khác như: Gây thất thoát ngân sách, tham nhũng; Gián điệp….nếu nội dung xét xử liên quan đến bí mật nhà nước và cần phải giữ bí mật thì Tòa án sẽ xét xử kín.

Thứ hai, xét xử kín trong một số vụ án hình sự cần để bảo vệ người dưới 18 tuổi

Trường hợp này khoản 2 Điều 423 BLTTHS 2015 có nêu rõ: “2. Trường hợp đặc biệt cần bảo vệ bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi thì Tòa án có thể quyết định xét xử kín.”

Các vụ án điển hình thường được xét xử kín liên quan đối với người dưới 18 tuổi như: các vụ án về hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm, dâm ô,… mà bị cáo hoặc bị hại là người dưới 18 tuổi. Bởi vì những vụ án này thường ảnh hưởng đến tâm lý của nạn nhân trong giai đoạn chưa phát triển về tinh thần hoặc hơn nữa có thể cản trở sự hòa nhập của họ sau khi cải tạo về với xã hội. Do đó, để hạn chế nhất có thể những ảnh hưởng tiêu cực đối với tương lai sau này thì việc xét xử kín là cần thiết.

Thứ ba, xét xử kín trong vụ án hình sự để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự

Những vụ án mà đương sự có yêu cầu xét xử kín thường liên quan đến phụ nữ bị xâm hại tình dục, bị hành hạ, làm nhục hoặc những vụ án xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của công dân, …hoặc một số tội danh khác mà việc xét xử công khai có thể ảnh hưởng đến bí mật đời tư cá nhân của đương sự trong vụ án thì đương sự có thể làm đơn đề nghị xét xử kín để Tòa án xem xét giải quyết theo quy định pháp luật. Theo đó, xuất phát từ quyền giữ kín bí mật đời tư của chính đương sự thì đương sự có quyền gửi đơn đến tòa án xét xử vụ án đó để yêu cầu xử kín. Trên cơ sở yêu cầu của đương sự thì Tòa án sẽ xem xét, quyết định và khi đưa vụ án ra xét xử, Tòa sẽ ghi rõ hình thức xét xử là công khai hoặc xử kín.

Thứ tư, xét xử kín trong trường hợp cần giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh theo yêu cầu của đương sự

Tại khoản 2 Điều 15 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định: “Tòa án xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án có thể xét xử kín”

Như vậy, có thể thấy, các trường hợp xét xử kín trong tố tụng dân sự cũng tương tự như trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, bộ luật tố tụng dân sự quy định thêm trường hợp cần “giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh” khi giải quyết các vụ án liên quan đến kinh doanh thương mại, sở hữu trí tuệ. Điều này giúp đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các cá nhân, tổ chức có sở hữu những bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh trong trường hợp nếu làm lộ những bí mật này sẽ gây thiệt hại cho họ.

IV. XÉT XỬ KÍN NHƯNG TUYÊN ÁN PHẢI CÔNG KHAI

Dù là vụ án hình sự hay vụ án dân sự được xét xử kín thì khi tuyên án đều phải công khai.

Cụ thể, tại Điều 327 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: “Chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử đọc bản án. Trường hợp xét xử kín thì chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo”.

Điều 267 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Hội đồng xét xử tuyên đọc bản án với sự có mặt của các đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức và cá nhân khởi kiện. Trường hợp đương sự có mặt tại phiên tòa nhưng vắng mặt khi tuyên án hoặc vắng mặt trong trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 264 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử vẫn tuyên đọc bản án….

Trường hợp Tòa án xét xử kín theo quy định tại khoản 2 Điều 15 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử chỉ tuyên công khai phần mở đầu và phần quyết định của bản án.”

Như vậy, có thể thấy, dù là xét xử kín nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc công khai trong tố tụng về việc tuyên án, phần tuyên án công khai này sẽ chỉ nêu họ tên các bị cáo, tội danh bị kết án và mức hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo đối với tố tụng hình sự hoặc đối với tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử chỉ tuyên công khai phần mở đầu và phần quyết định của bản án. Điều này nhằm đảm bảo phán quyết của Tòa án phải được công khai, mọi người đều có quyền biết được kết quả của bản án để từ đó giúp nhân dân giám sát và kiểm tra tính khách quan, minh bạch của phán quyết; đảm bảo quyền lợi của các chủ thể có liên quan. Tuy nhiên, phần nội dung bản án vẫn sẽ được giữ bí mật, không công khai với các bên liên quan nhằm đảm bảo mục đích của việc xét xử kín.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan