13

Th9

TRANH CHẤP VỀ NUÔI CON VÀ CẤP DƯỠNG NUÔI CON SAU KHI LY HÔN

Con cái và tài sản là hai yêu cầu thường xuyên tranh chấp trong các vụ án ly hôn. Sau khi ly hôn, ai là người có quyền nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng cho con của người không trực tiếp nuôi con được thực hiện như thế nào là vấn đề thường khó thống nhất khi giải quyết tranh chấp ly hôn. Cùng theo dõi bài viết sau đây để biết pháp luật quy định như thế nào về quyền nuôi con và cấp dưỡng sau ly hôn nhé!

 

1. ĐỊNH NGHĨA

Ly hôn theo pháp luật hôn nhân và gia đình là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Có thể hiểu, đây là sự kiện làm chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật. Sự kiện này đặt ra các vấn đề liên quan đến việc nuôi con, các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con chung, trong đó:

Quyền nuôi con, tuy không được định nghĩa rõ trong văn bản pháp luật, nhưng có thể hiểu, quyền nuôi con là một quyền liên quan đến quyền giám hộ được sử dụng để mô tả mối quan hệ pháp lý và thực tế giữa cha mẹ hoặc người giám hộ và đứa trẻ cần sự chăm sóc của người đó. Quyền nuôi con hợp pháp phát sinh khi cha mẹ kết hôn tạo ra con cái, và cả sau khi ly hôn.

Cấp dưỡng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình được hiểu là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.

 

2. QUYỀN NUÔI CON SAU LY HÔN

*** Cơ sở phát sinh quyền nuôi con

Theo quy định tại khoản 1 Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình (LHNGĐ) năm 2014 thì “Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”, tức là quyền và nghĩa vụ đối với con luôn đặt ra với người làm cha, làm mẹ không phụ thuộc vào quan hệ hôn nhân của cha và mẹ còn tồn tại hay đã chấm dứt quan hệ vợ chồng hoặc chấm dứt quan hệ chung sống như vợ chồng hay chưa, cụ thể:

+ Khoản 1 Điều 14 LHNGĐ 2014 quy định: “1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này”. Theo đó,

+ Khoản 1 Điều 81 LHNGĐ 2014 quy định: “1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.”

Như vậy, cơ sở phát sinh quyền và nghĩa vụ nuôi con đặt ra đối với cha mẹ khi: Con chưa thành niên; Con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Cần lưu ý rằng, ngay cả khi cha mẹ không đăng ký kết hôn, không phát sinh nghĩa vụ vợ chồng về mặt pháp luật, nhưng quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con vẫn được pháp luật hôn nhân gia đình thừa nhận tại mục 1 chương V của Luật này.

*** Xác định quyền nuôi con sau ly hôn

Căn cứ khoản 2 và 3 Điều 81 LHNGĐ 2014, pháp luật về hôn nhân gia đình sẽ ưu tiên và tôn trọng sự thỏa thuận của vợ và chồng khi họ thỏa thuận được người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Do đó, cha, mẹ có thể thỏa thuận việc này vào thời điểm trước, trong hoặc sau khi yêu cầu Tòa án chấm dứt quan hệ vợ chồng hay quan hệ chung sống như vợ chồng.

Tuy nhiên, Khi cha, mẹ của người con không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ dựa vào quyền lợi của con để quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc. Việc quyết định ai có quyền nuôi con khi ly hôn sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như: chỗ ở, thu nhập, thời gian chăm sóc con… của mỗi bên, nhằm đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con. Theo đó, người được nuôi con phải chứng minh được trước Tòa án về bản thân sẽ cung cấp môi trường thuận lợi nhất cho sự phát triển của con và có đủ các điều kiện đảm bảo cả về kinh tế (về thu nhập, tài sản, nơi ở ổn định…) lẫn tinh thần (có đủ thời gian để ở bên con, chăm sóc, nuôi dưỡng con, luôn phải đặt con lên hàng đầu…) để đáp ứng cho yêu cầu phát triển bình thường của người con.

Nếu một trong hai bên vợ chồng muốn giành quyền nuôi còn thì họ phải cung cấp được các chứng cứ chứng minh người còn lại không đủ điều kiện về vật chất và tinh thần để nuôi dạy con cái, như: thường xuyên có hành vi bạo lực, thu nhập không ổn định,…

Ngoài ra, Tòa án khi quyết định giao con cho ai nuôi cũng phải xem xét một số điểm sau đây:

Thứ nhất, xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi : tức trong quá trình phán quyết ai sẽ là người nuôi con sau khi ly hôn, Thẩm phán phụ trách phiên tòa giải quyết ly hôn là người có thẩm quyền lấy ý kiến trẻ từ đủ 07 tuổi về việc muốn sống với cha hay với mẹ. Vì ở độ tuổi này, con đã có nhận thức và có khả năng cân nhắc xem nên ở với bố hay với mẹ. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố tiên quyết, ý kiến của con thường chỉ mang tính định hướng, tham khảo, là một phần để Tòa án xem xét đi đến quyết định, không có ý nghĩa hoàn toàn quyết định. Tòa án vẫn phải cân nhắc thêm các điều kiện của bố mẹ để đảm bảo con được nuôi dưỡng và phát triển trong môi trường thuận lợi nhất.

Thứ hai, đối với con tù 36 tháng tuổi đến dưới 7 tuổi: Trường hợp này sẽ dự theo các nguyên tắc nêu trên, Tòa án sẽ căn cứ trước hết là theo thỏa thuận của vợ và chồng, nếu vợ chồng không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định dựa vào khả năng tài chính, điều kiện nuôi con, nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, yếu tố lỗi dẫn đến ly hôn…

Thứ ba, đối với con dưới 36 tháng tuổi: Mặc định quyền nuôi con thuộc về người mẹ. Tuy nhiên, trong trường hợp người mẹ không đủ điều kiện nuôi con để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, ví dụ như: bị mắc bệnh tâm thần, mất khả năng nhận thức, làm chủ hành vi, tu cách đạo đức suy đồi,  hay đánh đập con cái…. Hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác thì quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi có thể bị thay đổi.

*** Thay đổi quyền nuôi con

Trong trường hợp người trực tiếp nuôi con mà không chăm sóc tốt được cho trẻ thì cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con hoặc cá nhân, tổ chức khác theo quy định tại khoản 5 Điều 84 LHNGD có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Ngoài ra, Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con cũng là một trong các căn cứ để Tòa án xem xét giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con

Cần lưu ý rằng, Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

 

3. NGHĨA VỤ CẤP DƯỠNG SAU LY HÔN

Người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng để san sẻ một phần gánh nặng về tiền bạc đối với người nuôi con. Vấn đề này được quy định cụ thể tại Điều 110 LHNGĐ 2014 : “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.

*** Điều kiện về nghĩa vụ cấp dưỡng

Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chỉ được đặt ra đối với cha mẹ sau khi ly hôn dành cho con cái khi thỏa các điều kiện sau:

– Người được cấp dưỡng là người chưa thành niên, đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn;

– Người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng.

– Những người này không sống cùng nhau.

*** Mức cấp dưỡng

Điều 116 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định mức cấp dưỡng có thể được thỏa thuận giữa người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó. Tức là người không trực tiếp nuôi con có thể thỏa thuận mức cấp dưỡng với con hoặc với người đang trực tiếp nuôi con.

Cũng theo điều luật này, mức cấp dưỡng được xác định căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên, nếu các bên không tự thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

Bên cạnh đó, mức cấp dưỡng này cũng có thể thay đổi do thỏa thuận của các bên, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Bên cạnh đó, hiện nay, pháp luật không có quy định giới hạn mức cấp dưỡng là bao nhiêu mà hoàn toàn dựa vào thỏa thuận của các bên hoặc dựa vào thu nhập, điều kiện, nhu cầu của các bên.

Về phương thức cấp dưỡng, Điều 117 Luật này quy định, việc cấp dưỡng có thể thực hiện hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên cũng có thể thỏa thuận về phương thức cấp dưỡng, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

*** Thời hạn cấp dưỡng

Như đã phân tích, khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con sẽ phải có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con cho đến khi con thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình.

Trong đó, con chưa thành niên là con chưa đủ 18 tuổi trở lên theo Điều 21 Bộ luật Dân sự. Đồng thời, các trường hợp được chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng nêu tại Điều 118 Luật Hôn nhân và Gia đình gồm:

– Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình.

– Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết.

– Vợ hoặc chồng (gặp khó khăn, túng quẫn) sau khi ly hôn đã kết hôn với người khác…

Như vậy, có thể thấy, sau khi ly hôn, cha mẹ có thể không phải cấp dưỡng cho con khi thuộc các trường hợp sau đây:

– Con đã đủ 18 tuổi hoặc đã có khả năng lao động, có tài sản để tự nuôi mình.

– Cha, mẹ hoặc con chết.

*** Xử phạt người trốn nghĩa vụ cấp dưỡng

Điểm a khoản 3 Điều 64 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định, người không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án sẽ bị phạt tiền từ 03-05 triệu đồng.

Theo đó, nếu việc cấp dưỡng đã được quy định cụ thể tại bản án, quyết định ly hôn mà chồng hoặc vợ không thực hiện thì có thể bị phạt từ 03-05 triệu đồng.

Đồng thời, theo khoản 37 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017, nếu từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng khiến con lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì có thể bị phạt đến 02 năm tù.

 

4. MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG THỰC TIỄN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ NUÔI CON VÀ CẤP DƯỠNG NUÔI CON SAU KHI LY HÔN

*** Về lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

Thực tiễn cho thấy không phải trường hợp nào cha, mẹ là người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con cụng thực hiện đúng nghĩa vụ cấp dưỡng như thỏa thuận tại Tòa hoặc theo quyết định của Tòa án. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của chính người con. Để ngăn chặn và hạn chế các trường hợp trốn tránh hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, pháp luật cũng đã có các biện pháp xử phạt hành chính, hoặc hình sự hóa  “Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng”. Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp răn đe đối với bên có nghĩa vụ cấp dưỡng. Thiết nghĩ, việc quy định về lãi suất khi chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là điều cần thiết, và giúp đảm bảo tối đã các quyền lợi mà người con được hưởng.

Hiện nay thì pháp luật chưa quy định rõ về vấn đề này, nên việc áp dụng lãi suất trong chậm thực hiện nghĩa vụ vẫn còn quan điểm khác nhau. Có trường hợp tòa án buộc người chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ theo khoản 2 điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 nhưng có trường hợp thì không. Theo quy định tại điều 117 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: “Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.”. Còn theo quy định tại điều 282 Bộ luật dân sự 2015 thì: “Nghĩa vụ được thực hiện theo định kỳ theo thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Việc chậm thực hiện nghĩa vụ theo từng kỳ cũng bị coi là chậm thực hiện nghĩa vụ.”. Như vậy, về bản chất chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng (bằng tiền) cũng có tính chất như chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền nên người chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ theo khoản 2 điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

*** Về định đoạt quyền nuôi con khi cả cha và mẹ đều có đủ hoặc không có điều kiện

Thực tế, rất nhiều vụ án vụ án tranh chấp nuôi con mà cả hai bên đều có đủ điều kiện để có thể chăm sóc tốt cho trẻ cả về vật chất lẫn tinh thần. Các bên tranh chấp quyết liệt và đều cố gắng chứng minh mình có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con tốt hơn đối phương. Cũng có những trường hợp cả bố và mẹ đều khó khăn, đều bận đi làm ăn, kiếm sống quanh năm, suốt tháng nên phải giao con cha ông bà nội, ngoại trông coi. Xác định ai có điều kiện trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con tốt hơn ai là một việc không hề đơn giản. Các trường hợp chứng minh việc cản trở thăm nom, chăm sóc con cũng là vấn đề phức tạp vì đôi khi chỉ là chuyện nội bộ, không có nhân chứng hoặc sự chứng kiến của cơ quan, chính quyền. Các bên đều có thể đưa ra rất nhiều lý do; nhiều trường hợp chính các Luật sư cũng rất khó khăn trong việc hướng dẫn và thuyết phục các bên giảm bớt căng thẳng. Để xác định tính khách quan của các chứng cứ, lý lẽ do các bên nêu ra, đôi khi tòa án phải tốn khá nhiều thời gian, công sức để xác minh, thu thập chứng cứ.

Đối với những trường hợp các cháu đã đủ tuổi để nêu ý kiến chọn sống với cha hay với mẹ cũng không hề đơn giản để có kết quả chính xác, không gây tổn thương cho trẻ. Nhiều trường hợp cha, mẹ, ông bà đang trực tiếp trông nom các cháu gây áp lực tinh thần hoặc đưa ra những thông tin không chính xác, hướng các cháu phải khai theo ý người lớn.

*** Về xác định thu nhập cấp dưỡng

Theo quy định thì khi tòa án quyết định mức cấp dưỡng sẽ phải ăn cứ vào “thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng” và “nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng”. Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là “thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng” và “nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng”.

Thực tế, thu nhập thực tế của các cặp vợ chồng không giống nhau và đôi khi không thể xác định chính xác nếu các bên không hợp tác hoặc cố tình che giấu. Đặc biệt đối với những người kinh doanh, người làm nghề tự do hoặc người không có nghề nghiệp ổn định do chúng ta chưa thực sự có cơ chế kiểm soát tối đa tiền mặt cũng như quản lý thu nhập thông qua tài khoản.

Do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể nên thực tế giải quyết vẫn tham khảo quy định tại Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (đã hết hiệu lực). Theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 70/2001/NĐ-CP, “khả năng thực tế của người có nghĩa cấp dưỡng là người có thu nhập thường xuyên hoặc tuy không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó”.

Về “Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng”, khoản 2 Điều 16 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP quy định: căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú, bao gồm các chi phí thông thường cần thiết về ăn, ở, mặc, học, khám chữa bệnh và các chi phí thông thường cần thiết khác để bảo đảm cuộc sống của người được cấp dưỡng”. Thực tế nhu cầu này ở cùng địa phương, cùng lứa tuổi thì mỗi cháu, mỗi gia đình cũng có hoàn cảnh, mức sống khác nhau. Có trường hợp, thu nhập của người cấp dưỡng không bảo đảm để cấp dưỡng ở mức trung bình. Đây cũng là điều khó khăn không chỉ đối với các bên tranh chấp mà cả đối với Luật sư tư vấn và tòa án.

*** Về tạm dừng nghĩa vụ cấp dưỡng

Điều 117 LHNGD còn quy định về thay đổi phương thức cấp dưỡng và tạm ngừng cấp dưỡng. Theo đó, “Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”. Tình trạng khó khăn về kinh tế ở đây phải có thật và vì những lý do chính đáng: mất mùa, thiên tai, tai nạn, ốm đau…

Pháp luật hiện hành chưa có quy định về thời hạn tạm ngừng cấp dưỡng. Theo đó, cần có văn bản quy định rõ thời hạn để các bên tạm dừng nghĩa vụ cấp dưỡng, để việc áp dụng pháp luật không trở nên tùy nghị. Quy định pháp luật về thời hạn tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ cần phải đảm bảo đây sẽ là một khoảng thời gian phù hợp để người có nghĩa vụ có thể khắc phục những khó khăn đồng thời cũng là khoảng thời gian không dài đủ để không ảnh hưởng quá lớn tới nhu cầu của người được cấp dưỡng. Ngoài ra, sau khi hết thời hạn phù hợp này, theo yêu cầu của người được cấp dưỡng Tòa án sẽ xem xét đánh giá khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu có lý do thỏa đáng và tùy từng trường hợp cụ thể có thể gia hạn thêm thời gian. Các bên sẽ tự thỏa thuận về việc cấp dưỡng bù cho thời gian đã tạm ngừng, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Các yêu tố này cần được xem xét và quy định rõ nhằm phục vụ công tác giải quyết các vấn đề phát sinh trong tranh chấp nuôi con và cấp dưỡng nuôi con để đảm bảo quyền lợi tối đa cho con trẻ và các bên hậu ly hôn.

 

Tham khảo

– Tapchitoaan.vn

– kiemsat.vn

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan