20

Th10

XỬ LÝ HÀNH VI KHÔNG CỨU GIÚP NGƯỜI BỊ TAI NẠN GIAO THÔNG

Mỗi ngày, trên cả nước xảy ra hàng trăm vụ va chạm và tai nạn giao thông. Trong số đó, có rất nhiều nạn nhân được cứu sống nhờ được lái xe và người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời, nhưng có một số người phải đối mặt với tử thần hoặc những thương tật suốt đời vì không được giúp đỡ. Sự vô cảm của một bộ phận người tham gia giao thông đang là thực trạng đáng báo động trong xã hội hiện nay, khi lòng nhân ái và sự sẻ chia đang bị lấn át bởi tính vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân. Tuy nhiên, phần lớn đều không biết rằng, hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng có thể bị xử lý theo quy định pháp luật. Cùng theo dõi bài viết sau đây của Luật 3S để biết rõ cụ thể hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào nhé!

 

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật hình sự 2015.

– Luật giao thông thường bộ 2008.

– Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

 

II. TRÁCH NHIỆM CỦA NHỮNG NGƯỜI CÓ MẶT TẠI NƠI XẢY RA VỤ TAI NẠN

Căn cứ theo khoản 2, khoản 3 Điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định như sau:

“2. Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:

+ Bảo vệ hiện trường;

+ Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn;

+ Báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất;

+ Bảo vệ tài sản của người bị nạn;

+ Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

3. Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi.”.

Bên cạnh đó, theo khoản 18 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định hành vi “Khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông” là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

Như vậy, việc đang tham gia giao thông mà thấy người bị tai nạn thì được xem là đã có mặt tại hiện trường nơi xảy ra tai nạn. Theo đó, những người này phải có trách nhiệm Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn. Hành vi thấy người bị tai nạn giao thông rồi bỏ đi mà không giúp đỡ khi có yêu cầu là vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Theo đó, những người này, nếu đủ các căn cứ thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật

 

III. XỬ LÝ HÀNH VI KHÔNG CỨU GIÚP NGƯỜI BỊ TAI NẠN GIAO THÔNG

1. Xử lý hành chính

Mức phạt đối với hành vi không giúp đỡ người bị tai nạn khi có yêu cầu được quy định tại điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như sau: “Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu”.

Như vậy, đối với quy định này, có thể hiểu, trong trường hợp đã có mặt tại hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn, thì việc cứu giúp và giúp đỡ người bị tai nạn là trách nhiệm của những người có mặt tại đó. Tuy nhiên, mức phạt nêu trên chỉ áp dụng trong trường hợp họ không thực hiện trách nhiệm giúp đỡ của mình tại nơi xảy ra vụ tai nạn khi có yêu cầu. Yêu cầu này có thể là yêu của chính nạn nhân, của những người liên quan đến vụ tai nạn hoặc yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền đang xử lý vụ tai nạn hoặc có thể là yêu cầu của những người xung quanh tại hiện trường vụ tai nạn.

2. Xử lý hình sự

Đối với việc không tham gia giúp đỡ người bị tai nạn giao thông nếu đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì hành vi này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo Điều 132 BLHS 2015, cụ thể:

Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Căn cứ quy định nêu trên, một người thực hiện hành vi không cứu giúp người tai nạn sẽ bị xử lý hình sự khi thỏa mãn các yếu tố sau:

Một là, Người phạm tội thấy người bị tai nạn đang trong tình trạng có thể dẫn đến chết người nhưng đã không cứu giúp.

Trường hợp này chỉ được coi là phạm tội khi người đó không có bất kỳ hành động nào nhằm cứu người bị tai nạn. Nếu họ đã có hành động nhưng vẫn không cứu được người đang ở trong tình trạng nguy hiểm thì cũng không coi là phạm tội. Tuy nhiên, hành động này phải là hành động tới cùng, nếu đang hành động không có một trở ngại nào ngăn cản mà tự ý dừng lại mặc dù vẫn còn điều kiện cứu mà không cứu để người bị nạn chết thì vẫn coi là phạm tội. Ví dụ: Anh A thấy chị B bị tai nạn đang trong tình trạng nguy kịch, Anh A đang chuẩn bị phương tiện của mình để chở chị B đến bệnh viện ngay thay vì đợi xe cấp cứu. Nhưng anh A sợ chị B sẽ tử vong trên xe anh nên anh đã không trực tiếp chở chị B đến bệnh viện mà đợi những người khác gọi xe cấp cứu, dẫn đến chị B không được cấp cứu kịp thời nên đã tử vong.

Hai là, Người phạm tội phải có điều kiện để thực hiện cứu giúp nạn nhân, ngăn chặn hậu quả chết người xảy ra.

Điều kiện để cứu được người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là khả năng thực tế có thể cứu được người sắp chết. Khả năng này có thể do bẩm sinh, do rèn luyện, do học tập hoặc do tính chất nghề nghiệp mà có. Trường hợp này, phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của người bị nạn, chứ không chỉ căn cứ vào khả năng có sẵn của người cứu giúp. Ví dụ: Trường hợp bác sĩ A vô tình thấy anh B bị tai nạn. Tuy nhiên tại thời điểm đó, bác sĩ A không có các thiết bị hỗ trợ cấp cứu, không có thiết bị liên lạc, cũng không có phương tiện đưa người bị nạn kịp thời đến bệnh viện. mặc dù đã tìm mọi cách nhưng để cố giúp đỡ nhưng anh B vẫn không qua khỏi.

Ba là, Hậu quả chết người phải là hệ quả tất yếu của hành vi không cứu giúp người bị nạn. Nếu hậu quả người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng không chết thì người không cứu giúp sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, Trường hợp không thỏa mãn các dấu hiệu trên thì người không thực hiện hành vi cứu giúp người bị tai nạn giao thông sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan