03

Th11

BÁN HÀNG HÓA XÁCH TAY VI PHẠM PHÁP LUẬT KHI NÀO?

Hiện nay trên thị trường nhu cầu sử dụng hàng xách tay rất phổ biến và được ưa chuộng. Do các mặt hàng này rẻ hơn với hàng chính hãng bán trong nước, do được cá nhân mua trực tiếp tại công ty nước ngoài và đem về Việt Nam thông qua đường hàng không để bán, không phải chịu thuế, không phải làm thủ tục khai hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu theo thủ tục thông thường. Tuy nhiên, hình thức mua bán này có đúng quy định hay không? Để đảm bảo đúng quy định thì phải làm thế nào? Mời quý bạn đọc cùng tham khảo bài viết sau đây nhé!

 

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

– Nghị định 59/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

– Nghị định 98/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại;

– Nghị định 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

 

II. HÀNG XÁCH TAY LÀ GÌ?

Hàng xách tay là những mặt hàng, hàng hóa do những cá nhân nào đó mua trực tiếp từ nước ngoài mang về Việt Nam qua đường hàng không. Thông thường hàng xách tay có thể đến từ các nguồn như:

– Những người đi du lịch, công tác mua tại các cửa hàng hay siêu thị nước ngoài xách tay về.

– Du học sinh du học tại các nước.

– Tiếp viên hàng không mua tại siêu thị, công ty, các store bên nước ngoài hoặc nhập trực tiếp từ chính hãng với số lượng lớn xách về.

 

III. BÁN HÀNG XÁCH CÓ HỢP PHÁP KHÔNG?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 59 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 30 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP:

“2. Người xuất cảnh, nhập cảnh không phải khai hải quan nếu không có hành lý vượt định mức miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế, không có hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi.

Người xuất cảnh, nhập cảnh mang hàng hóa vượt định mức hành lý miễn thuế qua khu vực kiểm tra hải quan mà không khai hải quan đều coi là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bất hợp pháp và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Khi khai hải quan, người khai hải quan không gộp chung định mức miễn thuế của nhiều người nhập cảnh để khai báo miễn thuế cho một người nhập cảnh, trừ hành lý của các cá nhân trong một gia đình mang theo trong cùng chuyến đi. Việc khai báo định mức miễn thuế tính theo từng lần nhập cảnh.”

Căn cứ khoản 1, khoản 2 theo Điều 6 nghị định 134/2016/NĐ-CP:

“1. Người nhập cảnh bằng hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu (trừ giấy thông hành dùng cho việc xuất cảnh, nhập cảnh), do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp, có hành lý mang theo người, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi được miễn thuế nhập khẩu cho từng lần nhập cảnh theo định mức như sau:

a) Rượu từ 20 độ trở lên: 1,5 lít hoặc rượu dưới 20 độ: 2,0 lít hoặc đồ uống có cồn, bia: 3,0 lít.

Đối với rượu, nếu người nhập cảnh mang nguyên chai, bình, lọ, can (sau đây viết tắt là chai) có dung tích lớn hơn dung tích quy định nhưng không vượt quá 01 lít thì được miễn thuế cả chai. Trường hợp vượt quá 01 lít thì phần vượt định mức phải nộp thuế theo quy định của pháp luật;

b) Thuốc lá điếu: 200 điếu hoặc thuốc lá sợi: 250 gam hoặc xì gà: 20 điếu;

c) Đồ dùng cá nhân với số lượng, chủng loại phù hợp với mục đích chuyến đi;

d) Các vật phẩm khác ngoài hàng hóa quy định tại các điểm a, b, và c khoản này (không nằm trong Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện) có tổng trị giá hải quan không quá 10.000.000 đồng Việt Nam;

Trường hợp vượt định mức phải nộp thuế, người nhập cảnh được chọn vật phẩm để miễn thuế trong trường hợp hành lý mang theo gồm nhiều vật phẩm.

2. Người điều khiển tàu bay và nhân viên phục vụ trên các chuyến bay quốc tế; người điều khiển tàu hỏa và nhân viên phục vụ trên tàu hỏa liên vận quốc tế; sĩ quan, thuyền viên làm việc trên tàu biển; lái xe, người lao động Việt Nam làm việc ở các nước láng giềng có chung biên giới đường bộ với Việt Nam không được hưởng định mức hành lý miễn thuế quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này cho từng lần nhập cảnh mà cứ 90 ngày được miễn thuế 01 lần. Định mức quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người dưới 18 tuổi”.

Như vậy, “Hàng xách tay” đúng quy định là hàng hóa được xách tay như một dạng hành lý thông thường, không nằm trong danh mục cấm xuất nhập khẩu và không được vượt quá định mức miễn thuế theo quy định (có tổng trị giá hải quan không quá 10.000.000 đồng Việt Nam trừ rượu, thuốc lá, đồ dùng cá nhân). Và đã được thông qua hải quan theo thủ tục đối với hành lý của người xuất, nhập cảnh, được quy định điều 59 Nghị định 08/2015/NĐ-CP nêu trên.

Tất cả các “”Hàng xách tay” đúng quy định đều được kinh doanh hợp pháp.

 

IV. KHI NÀO KINH DOANH HÀNG XÁCH TAY VI PHẠM PHÁP LUẬT?

Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hàng hóa nhập lậu gồm:

– Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;

– Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật;

– Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

– Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

– Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Như vậy, Ngoài việc phải tuân thủ quy định về định mức miễn thuế, không nằm trong danh mục hàng bị cấm nhập khẩu và làm thủ tục hải quan đầy đủ, thì hàng hóa xách tay thuộc các trường hợp nêu trên thì cũng bị coi là không hợp pháp.

 

V. HÌNH THỨC XỬ PHẠT KHI KINH DOANH HÀNG XÁCH TAY KHÔNG ĐÚNG QUY ĐỊNH

Theo Nghị định 98/2020/NĐ- CP có hiệu lực từ 15/10/2020 về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm thì tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu sẽ bị xử phạt như sau:

– Đối với cá nhân vi phạm: Phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 50 triệu đồng tùy vào giá trị hàng hóa nhập lậu theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP

– Đối với tổ chức vi phạm: Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 100 triệu đồng tùy vào giá trị hàng hóa nhập lậu theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

Trường hợp, tổ chức, cá nhân vi phạm thuộc một trong các trường hợp được quy định tại theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 98/2020 thì bị phạt tiền gấp hai lần mức nêu trên (tương đương mức phạt tối đa có thể lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân hoặc 200 triệu đồng đối với tổ chức):

Đặc biệt, phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP trong các trường hợp sau đây:

a) Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;

c) Hàng hoá nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt con trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm (trừ trường hợp buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng); tịch thu phương tiện vận tải vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

 

VI. NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

1. Khi nào hàng hóa xách tay phải chịu thuế?

Hàng xách tay vựợt định mức miễn thuế theo quy định sau đây sẽ phải chịu thuế, cụ thể:

a) Rượu từ 20 độ trở lên: 1,5 lít hoặc rượu dưới 20 độ: 2,0 lít hoặc đồ uống có cồn, bia: 3,0 lít.

Đối với rượu, nếu người nhập cảnh mang nguyên chai, bình, lọ, can (sau đây viết tắt là chai) có dung tích lớn hơn dung tích quy định nhưng không vượt quá 01 lít thì được miễn thuế cả chai. Trường hợp vượt quá 01 lít thì phần vượt định mức phải nộp thuế theo quy định của pháp luật;

b) Thuốc lá điếu: 200 điếu hoặc thuốc lá sợi: 250 gam hoặc xì gà: 20 điếu;

c) Đồ dùng cá nhân với số lượng, chủng loại phù hợp với mục đích chuyến đi;

d) Các vật phẩm khác ngoài hàng hóa quy định tại các điểm a, b, và c khoản này (không nằm trong Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện) có tổng trị giá hải quan không quá 10.000.000 đồng Việt Nam;

Ngoài ra, để được miễn thuế, hàng xách tay phải làm thủ tục hải quan đúng theo định đối với hành lý mang theo. Những hàng hóa xách tay vượt định mức sẽ phải chịu thuế đối với phần vượt định mức.

2. Hàng hóa xách tay phải chịu thuế nào?

Hiện nay, hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài thì khi về đến Việt Nam sẽ phải đóng các loại thuế, phí sau:

– Thuế nhập khẩu;

– Thuế giá trị gia tăng;

– Lệ phí hải quan;

– Một số hàng hóa có thể phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường…

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan