07

Th9

BỊ HẠI ĐƯỢC QUYỀN TỰ THỰC HIỆN GIÁM ĐỊNH THƯƠNG TẬT TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ KHÔNG?

Giám định thương tật là quá trình cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đưa ra kết luận giám định về tỷ lệ thương tật trên cơ thể một người nhằm xác định hành vi của một cá nhân  hay tổ chức có đủ cấu thành  tội phạm theo quy định tại Bộ luật Hình sự không. Theo quy định, việc giám định này phải do cơ quan có thẩm quyền tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định. Vậy trong trường hợp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không ra quyết định trưng cầu giám định thì bị hại có được quyền tự đi giám định được không?

1. Trường hợp phải trưng cầu giám định

Căn cứ theo khoản 1 Điều 205 BLTTHS 2015 quy định:

“Điều 205. Trưng cầu giám định

Khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 206 của Bộ luật này hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định.”

Theo đó, Điều 206 BLTTHS 2015 quy định về các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định bao gồm:

“Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:

1. Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;

2. Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;

3. Nguyên nhân chết người;

4. Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động;

5. Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ;

6. Mức độ ô nhiễm môi trường.”

Như vậy, việc giám định thương tật nhằm xác định tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động trong vụ án hình sự thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định. Theo đó, cơ quan tiến hành tố tụng (Bao gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án) là cơ quan có thẩm ra quyết định trưng cầu giám định. 

Căn cứ theo khoản 3 Điều 205 BLTTHS 2015, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định trưng cầu giám định, cơ quan trưng cầu giám định phải giao hoặc gửi quyết định trưng cầu giám định, hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định; gửi quyết định trưng cầu giám định cho Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.

2. Tổ chức có thẩm quyền giám định thương tật

Căn cứ theo Điều 12 Luật giám định tư  pháp 2012 sửa đổi, bổ sung 2020 và khoản 1 Điều 2 Nghị định 85/2013/NĐ-CP, Tổ chức giám định tư pháp công lập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự thực hiện giám định tư pháp theo trưng cầu của người trưng cầu giám định, yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật giám định tư pháp và thực hiện dịch vụ giám định ngoài tố tụng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức.

Theo đó, Tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y bao gồm:

a) Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế;  

b) Trung tâm pháp y cấp tỉnh;

c) Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng;

d) Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự, Bộ Công an.

Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm:

a) Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an;

b) Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh;

c) Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng;

d) Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

3. Bị hại có quyền tự thực hiện giám định hay không?

Theo quy định nêu trên, có thể thấy việc giám định thương tật phải được thực hiện tại tổ chức giám định tư pháp công lập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập. Theo đó nhưng tổ chức này sẽ thực hiện giám định theo trưng cầu của người trưng cầu giám định, yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật giám định tư pháp và thực hiện dịch vụ giám định ngoài tố tụng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức. Đối với tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập là Văn phòng giám định tư pháp thì theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật giám định tư pháp 2012, đây là tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả. Do đó, văn phòng giám định tư pháp không có chức năng giám định liên quan đến lĩnh vực hình sự.

Căn cứ theo Điều 2207 BLTTHS 2015 quy định:

“Điều 207. Yêu cầu giám định

Đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định. Trường hợp không chấp nhận đề nghị thì thông báo cho người đã đề nghị giám định biết bằng văn bản và nêu rõ lý do. Hết thời hạn này hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì người đề nghị giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.

Người yêu cầu giám định có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật giám định tư pháp.”

Ngoài ra, căn cứ theo khoản 3 Điều 2 Luật Giám định tư pháp 2012 sửa đổi, bổ sung 2020 quy định:

“3. Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.”

Như vậy theo quy định trên, Đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền tự mình yêu cầu giám định nếu đáp ứng ba điều kiện:

Một là, Đương sự hoặc người đại diện của họ đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. 

Nếu, Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định. Trường hợp không chấp nhận đề nghị thì thông báo cho người đã đề nghị giám định biết bằng văn bản và nêu rõ lý do. 

Hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhận được văn bản đề nghị trưng cầu giám định của đương sự/người đại diện của đương sự hoặc kể từ ngày đương sự/người đại diện của đương sự nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì người đề nghị giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.

Hai là, nội dung đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trừ trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội. Do đó, nếu người yêu cầu giám định

Ba là, người đề nghị giám định thương tật phải thuộc đối tượng có quyền tự mình yêu cầu giám định theo khoản 3 Điều 2 Luật Giám định tư pháp 2012 sửa đổi, bổ sung 2020 bao gồm:

– Đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính;

– Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

Như vậy, bị hại trong vụ án hình sự sẽ không có quyền tự mình yêu cầu giám định thương tật mà phải làm đơn đề nghị các Cơ quan tiến hành tố tụng để các cơ quan này ra quyết định trưng cầu giám định thương tật cho bị hại. Trong trường hợp bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã làm đơn đề nghị giám định thương tật mà các cơ quan tiến hành tố tụng không ra quyết định trưng cầu giám định thương tật thì người đề nghị giám định thương tật có quyền khiếu nại hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng hoặc cơ quan có thẩm quyền tố tụng.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan