20

Th6

 CÁC LOẠI THUẾ MÀ NGƯỜI SỬ DỤNG ĐẤT PHẢI NỘP

Ở nước ta, đất đai thuộc sở hữu toàn dân và được Nhà nước quản lý. Chính vì vậy, người dân có quyền được sử dụng đất khi được công nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, ngoài những quyền lợi được hưởng từ đất đai theo quy định thì công dân cũng phải thực hiện một số nghĩa vụ của người sử dung đất đối với nhà nước. Trong đó có nộp thuế sử dụng đất. Vậy khi nào phải nộp thuế sử dụng đất, pháp luật có quy định như thế nào về việc nộp thuế sử dụng đất? Theo dõi bài viết sau của Luật 3S để hiểu rõ hơn vấn đề này.

 

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

-Luật Quản lí thuế 2019;

– Nghị định 126/2020/NĐ-CP;

– Nghị định 74-CP Quy định chi tiết thi hành Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp;

– Nghị quyết 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp

– Nghị định 21/2017/NĐ-CP;

– Nghị định 125/2020/NĐ-CP;

– Nghị quyết 107/2020/QH14;

– Thông tư 153/2011/TT-BT.

 

II. THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT LÀ GÌ?

Thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế. (theo quy định tại Điều 3 Luật Quản lý thuế 2019). Và theo đó thì thuế sử dụng đất là một khoản nộp vào ngân sách nhà nước mà người sử dụng đất thực hiện trong quá trình sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế.

Thuế sử dụng đất là loại thuế khai theo năm.Thuế sử dụng đất gồm thuế sử dụng phi nông nghiệp và thuế sử dụng đất nông nghiệp.

(khoản 3 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP)

 

III. NHỮNG LOẠI THUẾ KHI SỬ DỤNG ĐẤT PHẢI NỘP:

1. Thuế sử dụng đất nông nghiệp

a) Đối tượng nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp

Người sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp có nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, gồm:

– Các hộ gia đình nông dân, hộ tư nhân và cá nhân.

– Các tổ chức, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất dành cho nhu cầu công ích của xã.

– Các doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản bao gồm nông trường, lâm trường, xí nghiệp, trạm trại và các doanh nghiệp khác, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức xã hội và các đơn vị khác sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản.

(Điều 1 Nghị định 74-CP Quy định chi tiết thi hành Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp)

b) Đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

(1) Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm; diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối.

(2) Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ nghèo.

(3) Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cho các đối tượng sau đây:

a) Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao, công nhận đất để sản xuất nông nghiệp, nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp (bao gồm cả nhận thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất nông nghiệp).

b) Hộ gia đình, cá nhân là thành viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh và hộ gia đình, cá nhân nhận đất giao khoán ổn định của công ty nông, lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.

Việc giao khoán đất của hợp tác xã và nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật

Nông trường viên, lâm trường viên bao gồm: Cán bộ, công nhân, viên chức đang làm việc cho nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh; hộ gia đình có người đang làm việc cho nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, được hưởng chế độ đang cư trú trên địa bàn; hộ gia đình có nhu cầu trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản đang cư trú trên địa bàn.

c) Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp góp quyền sử dụng đất nông nghiệp của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật hợp tác xã.

(4) Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp.

(Điều 1 Nghị quyết 55/2010/QH12 Về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp và Điều 1 Nghị định 21/2017/NĐ-CP)

Thời gian được miễn: Đến hết ngày 31/12/2025 (theo Điều 1 Nghị quyết 107/2020/QH14)

c) Thời hạn nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp

– Thời hạn nộp thuế lần đầu: Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp thuế.

– Từ năm thứ hai trở đi, người nộp thuế được chọn nộp tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp một lần hoặc hai lần trong năm. Trường hợp người nộp thuế chọn nộp thuế một lần trong năm thì thời hạn nộp thuế là ngày 31.5.

Trường hợp người nộp thuế chọn nộp thuế hai lần trong năm thì thời hạn nộp thuế cho từng kỳ như sau: kỳ thứ nhất nộp 50% chậm nhất là ngày 31.5; kỳ thứ hai nộp đủ phần còn lại chậm nhất là ngày 31.10.

– Thời hạn nộp thuế đối với hồ sơ khai điều chỉnh chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp thuế.

– Trường hợp địa phương có mùa vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp không trùng với thời hạn nộp thuế quy định tại khoản này thì cơ quan thuế được phép lùi thời hạn nộp thuế không quá 60 ngày so với thời hạn quy định.

(Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.)

2. Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp:

a) Đối tượng nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Các đối tượng phải nộp thuế khi sử dụng đất phi nông nghiệp gồm các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có quyền sử dụng đất

1. Đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị.

2. Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm:

– Đất xây dựng khu công nghiệp: Đất để xây dựng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu sản xuất, kinh doanh tập trung khác có cùng chế độ sử dụng đất.

– Đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh: Đất để xây dựng cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ và các công trình khác phục vụ cho sản xuất, kinh doanh (kể cả đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghệ cao, khu kinh tế).

– Đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm: Đất để khai thác nguyên liệu và đất làm mặt bằng chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm.

– Đất để khai thác khoáng sản, đất làm mặt bằng chế biến khoáng sản, trừ trường hợp khai thác khoáng sản mà không ảnh hưởng đến lớp đất mặt hoặc mặt đất.

– Đất phi nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế như đất sử dụng cho mục đích công cộng, đất làm nghĩa trang, nghĩa địa,… được các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích kinh doanh.

3. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người đang sử dụng đất là người nộp thuế.

4. Người nộp thuế trong một số trường hợp cụ thể được quy định như sau:

– Trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất là người nộp thuế.

– Người có quyền sử dụng đất cho thuê đất theo hợp đồng thì người nộp thuế được xác định theo thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp trong hợp đồng không có thoả thuận về người nộp thuế thì người có quyền sử dụng đất là người nộp thuế.

– Trường hợp đất đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng đang có tranh chấp thì trước khi tranh chấp được giải quyết, người đang sử dụng đất là người nộp thuế. Việc nộp thuế không phải là căn cứ để giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất.

– Nếu nhiều người cùng có quyền sử dụng một thửa đất thì người nộp thuế là người đại diện hợp pháp của những người cùng có quyền sử dụng thửa đất đó.

– Trường hợp người có quyền sử dụng đất góp vốn kinh doanh bằng quyền sử dụng đất mà hình thành pháp nhân mới có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thì pháp nhân mới là người nộp thuế.

– Khi thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước thì người nộp thuế là người cho thuê nhà (đơn vị được giao ký hợp đồng với người thuê).

– Trường hợp được nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án xây nhà ở để bán, cho thuê thì người nộp thuế là người được nhà nước giao đất, cho thuê đất. Trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân khác thì người nộp thuế là người nhận chuyển nhượng.

(Điều 1,3 Thông tư 153/2011/TT-BT)

b) Đối tượng được miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Đất phi nông nghiệp không sử dụng vào mục đích kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế bao gồm:

Đất sử dụng vào mục đích công cộng

– Đất do cơ sở tôn giáo sử dụng bao gồm đất thuộc nhà chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động.

– Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa.

– Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng.

– Đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ bao gồm diện tích đất xây dựng công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ theo khuôn viên của thửa đất có các công trình này.

– Đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp

– Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh

– Đất phi nông nghiệp để xây dựng các công trình của hợp tác xã phục vụ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; Đất tại đô thị sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; Đất xây dựng trạm, trại nghiên cứu thí nghiệm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; Đất xây dựng cơ sở ươm tạo cây giống, con giống, xây dựng nhà, kho của hộ gia đình, cá nhân chỉ để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ sản xuất nông nghiệp.

(Điều 2 Thông tư 153/2011/TT-BT)

c) Thời hạn nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

– Thời hạn nộp thuế lần đầu: Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của cơ quan thuế.

– Từ năm thứ hai trở đi, người nộp thuế nộp tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp một lần trong năm chậm nhất là ngày 31 tháng 10.

– Thời hạn nộp tiền thuế chênh lệch theo xác định của người nộp thuế tại Tờ khai tổng hợp chậm nhất là ngày 31 tháng 3 năm dương lịch tiếp theo năm tính thuế.

– Thời hạn nộp thuế đối với hồ sơ khai điều chỉnh chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

(Khoản 1 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP )

 

III. CÁCH TÍNH THUẾ VÀ NƠI NỘP THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT

1. Cách tính thuế sử dụng đất

* Thuế sử dụng đất nông nghiệp

Căn cứ tính thuế sử dụng đất nông nghiệp gồm:

– Diện tích;

– Hạng đất: đất trồng cây hàng năm và đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản được chia làm 6 hạng, đất trồng cây lâu năm được chia làm 5 hạng.

– Định suất thuế tính bằng kilôgam thóc trên một đơn vị diện tích của từng hạng đất.

Theo đó, thuế đất nông nghiệp được tính theo công thức sau:

[Thuế sử dụng đất nông nghiệp] = [Diện tích] x [Hạng đất] x [Định suất thuế]

(Điều 5 Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp 1993)

* Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Cách tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp  = Số thuế phát sinh – Số thuế được miễn, giảm (nếu có)

Trong đó:

Số thuế phát sinh = (Diện tích đất tính thuế x Giá của 01m2) x Thuế suất

(Điều 7 Thông tư 153/2011/TT-BT)

Cụ thể thì:

– Diện tích đất tính thuế: diện tích đất tính thuế là diện tích đất phi nông nghiệp thực tế sử dụng.

– Giá của 1 m2 đất tính thuế: Là giá đất theo mục đích sử dụng của thửa đất tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định và được ổn định theo chu kỳ 5 năm, kể từ ngày 01/01/2012.

– Thuế suất: Với đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần)

2. Địa điểm nộp thuế sử dụng đất

* Thuế sử dụng đất nông nghiệp

Người sử dụng đất nộp hồ sơ kê khai thuế sử dụng đất nông nghiệp cho chi cục thuế  nơi có đất chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp;

Trường hợp người nộp thuế ở xa Chi cục Thuế thì liên hệ với Đội thuế xã, phường để nhận tờ khai và kê khai, nộp hồ sơ khai thuế sử dụng đất nông nghiệp cho Đội thuế xã, phường, thị trấn.

* Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Người sử dụng đất nộp tại Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp phường nơi có đất chịu thuế hoặc tại Chi cục thuế.

 

IV. XỬ LÍ VI PHẠM ĐỐI VỚI HÀNH VI TRỐN THUẾ

Nộp thuế là quy định bắt buộc của pháp luật, người sử dụng có một trong các hành vi vi phạm về việc trốn thuế thì phải chịu trách nhiệm sau:

(1) Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên

(2) Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17 nghị định 125/2020/NĐ-CP mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

(3). Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17 nghị định 125/2020/NĐ này mà có một tình tiết tăng nặng.

(4) Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17 nghị định 125/2020/NĐ- này có hai tình tiết tăng nặng.

(5) Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17 nghị định 125/2020/NĐ-có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên

(Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP)

 

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan