13

Th3

CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN THỪA KẾ ĐỐI VỚI CON NUÔI

Hiện nay, việc nhận con nuôi không còn là vấn đề xa lạ với xã hội nữa. Có nhiều nguyên nhân khác nhau mà trong quan hệ hôn nhân, vợ chồng có mong muốn nhận thêm con nuôi. Dưới góc độ pháp lý, khi nhận nuôi con nuôi, tức là giữa cha mẹ nuôi và con nuôi sẽ phát sinh các quan hệ pháp luật như:, Quan hệ nuôi dưỡng, cấp dưỡng, thừa kế….. Vậy liên quan về thừa kế thì khi cha, mẹ nuôi mất, con nuôi có được hưởng di sản theo di chúc không hoặc hưởng si di sản theo pháp luật không? Cùng theo dõi bài viết sau đây nhé!

 

I. THẾ NÀO CON NUÔI THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

Căn cứ khoản 3, Điều 3, Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định: “Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký”

Con nuôi theo pháp luật phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Trẻ em dưới 16 tuổi

– Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;

+ Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

– Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

Người nhận nuôi con nuôi phải đáp ứng các điều kiện sau:

Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

– Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên, trừ trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi.

– Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi, trừ trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi.

– Có tư cách đạo đức tốt.

Theo quy định tại Điều 9 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì việc nhận con nuôi phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền như sau:

– Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước.

– Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi quyết định việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

– Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài đăng ký việc nuôi con nuôi của công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài.

Như vậy, để được công nhận là con nuôi hợp pháp thì việc nhận con nuôi phải đáp ứng các điều kiện về nhận nuôi con nuôi và được đăng ký theo đúng quy định. Khi đó, con nuôi và cha mẹ nuôi mới phát sinh những quyền và nghĩa vụ theo quy định như: Quyền nuôi dưỡng; cấp dưỡng, thừa kế…..

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ THỪA KẾ ĐỐI VỚI CON NUÔI?

1. Con nuôi được thừa kế theo di chúc

Di chúc là hành vi pháp lý đơn phương do đó việc lập di chúc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về thừa kế theo di chúc. Bộ luật dân sự 2015 quy định, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình (Điều 609). Theo đó, Di chúc được hiểu là “sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.” (Điều 624).

Như vậy, con nuôi được thừa kế di sản theo di chúc của cha mẹ nuôi. Trong trường hợp này, con nuôi có thể là con nuôi hợp pháp (đáp ứng đầy đủ các điều kiện nhận nuôi con nuôi tại mục II nêu trên và đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền) hoặc không nuôi không hợp pháp (con nuôi trên thực tế nhưng không có đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền).

Lưu ý, để con nuôi được nhận di sản thừa kế theo di chúc của cha mẹ nuôi thì di chúc phải đáp ứng đầy đủ điều kiện được coi là hợp pháp theo quy định pháp luật. Theo đó:

(i) Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 630 BLDS gồm:

Một là, người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

Hai là, nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

(ii) Hình thức của di chúc tuân theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, cụ thể:

– Di chúc bằng văn bản có 4 loại: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng; Di chúc bằng văn bản có chứng thực. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 630 BLDS.

– Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ.

Như vậy, tùy từng loại di chúc mà pháp luật quy định chặt chẽ nội dung, hình thức và điều kiện có hiệu lực của di chúc. Di chúc sẽ được coi là vô hiệu một phần hoặc vô hiệu toàn bộ nếu không đáp ứng được các điều kiện của di chúc hợp pháp kể cả về mặt hình thức hay nội dung của di chúc.

(iii) Về hiệu lực của di chúc:

– Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.

– Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:

+ Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;

+ Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.

– Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

– Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.

– Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.

2. Con nuôi được thừa kế theo pháp luật

Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS 2015, việc thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Như vậy có thể thấy, con nuôi trong trường hợp này được đứng cùng hàng thừa kế với con ruột và được hưởng thừa kế theo pháp luật như con ruột. Pháp luật cũng quy định những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Tức con nuôi sẽ được hưởng phần di sản thừa kế theo pháp luật tương đương với con ruột và các đồng thừa kế khác thuộc cùng hàng thừa kế.

Cần lưu ý, khác với việc hưởng di sản theo di chúc, con nuôi được thừa kế theo pháp luật phải là con nuôi hợp pháp theo quy định pháp luật. Trường hợp việc nhận nuôi con nuôi chưa đăng ký với cơ quan có thẩm quyền sẽ không làm phát sinh, xác lập quan hệ nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật. Do đó, trường hợp con nuôi chưa đăng ký sẽ không được quyền hưởng thừa kế theo pháp luật.

3. Thừa kế thế vị của con nuôi

a) Thừa kế thế vị là gì?

Điều 652 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

Như vậy, có thể hiểu thừa kế thế vị là việc người để lại di sản và con hoặc cháu (người được nhận di sản sau khi người để lại di sản chết) của người đó chết trước hoặc cùng lúc với người để lại di sản thì quyền thừa kế phần di sản đó sẽ được chuyển cho cháu hoặc chắt của người để lại di sản.

Việc thừa kế thế vị chỉ áp dụng đối với trường hợp thừa kế theo pháp luật mà không áp dụng đối với thừa kế theo di chúc. Bởi căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 643 BLDS 2015, trường hợp người thừa kế theo di chúc đã chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì phần di chúc đó vô hiệu và phải thực hiện chia di sản theo pháp luật.

b) Thừa kế thế vị giữa cháu nuôi và ông bà

Theo Điều 653 BLDS 2015 về quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ quy định: Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 (Người thừa kế theo pháp luật) và Điều 652 (Thừa kế thế vị) của Bộ luật này.

Theo quy định tại Điều 651 BLDS 2015 về người thừa kế theo pháp luật thì con nuôi chỉ được quy định tại hàng thừa kế thứ nhất “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”, nghĩa là giữa cha mẹ nuôi với con nuôi.

Như vậy, con của người con nuôi được thừa kế thế vị đối với phần di sản mà đáng ra cha/mẹ chúng được hưởng nếu người con nuôi ấy chết trước hoặc cùng thời điểm với cha, mẹ nuôi của người con nuôi ấy. Trong trường hợp này, giữa con của người con nuôi và ông/bà (cha, mẹ nuôi của người con nuôi) tuy không có quan hệ huyết thống nhưng vẫn được hưởng thừa kế thế vị. Tuy nhiên, về mặt thực tiễn thì quy định này hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng do Điều 652 chỉ quy định là  “con” mà không xác định rõ là con đẻ hay con nuôi nên có thể hiểu cả con nuôi của người con nuôi đó cũng được thế vị cha mẹ nuôi để hưởng di sản của người nhận nuôi cha nuôi, mẹ nuôi của mình hay chỉ con đẻ của người con nuôi được hưởng thì vẫn chưa được quy định rõ.

Nếu trường hợp là con đẻ thì người con đẻ này và cha, mẹ (con nuôi của ông, bà) có quan hệ huyết thống với nhau, do đó, việc thừa kế thế vị là phù hợp trên cơ sở huyết thống. Tuy nhiên, nếu người đó là con nuôi thì không hợp lý. Bởi vì, giữa con nuôi của người con nuôi và cha, mẹ nuôi hoàn toàn không tồn tại quan hệ huyết thống hay chăm sóc, nuôi dưỡng (quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng chỉ phát sinh giữa con nuôi và cha, mẹ nuôi). Do đó, nếu vẫn xảy ra quan hệ thừa kế thế vị thì sẽ bất hợp lý. Do đó, vấn đề này cần được pháp luật quy định rõ hơn theo hướng: “Trường hợp người con nuôi chết trước hoặc cùng thời điểm với cha nuôi, mẹ nuôi thì chỉ con đẻ của người con nuôi đó được thừa kế thế vị để nhận di sản của người để lại di sản”.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan