28

Th9

ĐỒNG PHẠM TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ

Trong thực tiễn xét xử, rất nhiều trường hợp vụ án có đồng phạm, việc xác định đúng vai trò đồng phạm, cụ thể xác định người thực hành, người giúp sức, người tổ chức, người xúi giục có ý nghĩa rất lớn trong công tác xét xử đồng thời, đánh giá đúng tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội. Cùng theo dõi bài viết sau để hiểu rõ thế nào là đồng phạm và trách nhiệm pháp lý đối với đồng phạm được quy định như thế nào nhé

 

I. ĐỒNG PHẠM LÀ GÌ?

1. Định nghĩa

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 (BLHS 2015) quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Trong đó, Tội phạm được hiểu là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự (khoản 1 Điều 8 BLHS 2015)

Như vậy, Khi tội phạm được thực hiện từ hai người trở lên và hành động có sự liên hệ, tác động lẫn nhau thì trường hợp đó được gọi là đồng phạm. So với tội phạm do một người thực hiện, đồng phạm thường nguy hiểm hơn, vì khi một nhóm người cùng cố ý thực hiện tội phạm thì tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội cao hơn, nhất là khi có sự câu kết chặt chẽ về tổ chức, phương thức, thủ đoạn và cách thức thực hiện tội phạm, phát triển thành “phạm tội có tổ chức”.

2. Đồng phạm gồm những ai?

Căn cứ vào tính chất tham gia của mỗi người trong đồng phạm, tại khoản 3 Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS 2015) đã quy định có 04 loại người đồng phạm đó là: người tổ chức, người thực hành, người xúi giục và người giúp sức.

a) Người thực hành

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Hành vi trực tiếp thực hiện tội phạm có thể được biểu hiện như sau:

Một là, trực tiếp thực hiện hành vi thỏa mãn dấu hiệu hành vi trong mặt khách quan của tội phạm được quy định tại điều luật cụ thể Phần các tội phạm của BLHS. Ví dụ: Ví dụ: Trực tiếp thực hiện tội “Giết người” là trực tiếp giết người (trực tiếp bắn, chém, bỏ thuốc độc vào thức ăn,…);

Người thực hiện hành vi có thể không sử dụng hoặc có sử dụng công cụ, phương tiện phạm tội tác động vào đối tượng phạm tội gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

Trong đồng phạm, có thể có nhiều người thực hành. Những người này được gọi là là những người đồng thực hành. Đối với trường hợp này, không đòi hỏi mỗi người đều phải thực hiện toàn bộ hoạt động tạo nên hành vi khách quan được quy định trong cấu thành tội phạm. Mỗi người thực hành có thể chỉ thực hiện một hoạt động, một phần thuộc hành vi khách quan của tội phạm. Tổng hợp các hoạt động của những người đó tạo nên hành vi khách quan của tội phạm.

Ví dụ: Hành vi khách quan của tội “Hiếp dâm” là “dùng vũ lực …. Giao cấu trái ý muốn người khác”. Những người giữ chân, giữ tay… để người khác giao cấu trái ý muốn nạn nhân đều được coi là người thực hành vì hành vi của họ kết hợp với hành vi giao cấu của người khác tạo nên hành vi khách quan của tội “Hiếp dâm”.

Hai là, Người trực tiếp thực hiện tội phạm còn có thể không tự mình thực hiện hành vi trực tiếp tác động đến đối tượng tác động của tội phạm mà có thể hành động tác động đến người khác để người đó thực hiện hành vi trực tiếp tác động đến đối tượng của tội phạm như: Người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; Người không có năng lực trách nhiệm hình sự’ Người không nhận thức được hành vi nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình (không có lỗi) hoặc có lỗi vô ý do nhận thức sai lầm hành vi của mình

Người thực hành có thể trực tiếp thực hiện tội phạm bằng hành động cụ thể hành vi bị pháp luật cấm hoặc không thực hiện nghĩa vụ nào đó mà pháp luật yêu cầu phải làm và có đủ điều kiện để làm.

b)Người tổ chức

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người tổ chức có thể chỉ giữ vai trò là người cầm đầu hoặc chủ mưu hoặc chỉ huy nhóm đồng phạm, nhưng cũng có thể họ vừa chủ mưu, cầm đầu, vừa chỉ huy nhóm đồng phạm thực hiện tội phạm.

Trong số những người đồng phạm, người tổ chức thường được coi là người  nguy hiểm nhất. Do vậy, hình thức đối với người tổ chức thường nghiêm khắc hơn những người đồng phạm khác. Phản ánh tính nguy hiểm cao của người đồng phạm với vai trò người tổ chức, Điều 3 BLHS quy định nguyên tắc xử lý là “Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối,…”.

c) Người xúi giục

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người có hành vi tác động đến ý thức, tư tưởng của người khác làm cho người bị xúi giục thực hiện tội phạm. Người xúi giục có thể là người đã nghĩ ra việc phạm tội và đã xúi giục người khác tham gia vào việc phạm tội đó. Cũng có thể người xúi giục chỉ có hành vi kích động, thúc đẩy người khác vố đã có ý định phạm tội nhưng chưa thực hiện tội phạm để họ đưa ra quyết định thực hiện tội phạm trên thực tế.

Người xúi giục có thể vừa xúi giục người khác thực hiện tội phạm vừa trực tiếp tham gia thực hiện tội phạm với người bị xúi giục.

Hành vi này được thể hiện ở đặc điểm:

– Hành vi xúi giục phải trực tiếp, nghĩa là phải trực tiếp tác động vào một hoặc một số người nhất định nhằm gây ra một tội phạm nhất định. Những lời kêu gọi, hô hào chung chung, không hướng tới những người xác định, không trực tiếp nhằm thực hiện một tội phạm nhất định thì không phải là hành vi xúi giục

– Hành vi này phải cụ thể, nghĩa là phải hướng tới việc thực hiện một tội phạm nhất định. Việc truyền bá, phổ biến những tư tưởng xấu cho một người hoặc một số người khiến những người này đi vào con đường phạm tội phải là hành vi xúi giục trong đồng phạm.

– Lỗi phải là lỗi cố ý trực tiếp.

d) Người giúp sức

Người giúp sức là người tạo ra điều kiện tinh thần hay vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

Đặc điểm của người giúp sức là tạo ra những điều kiện thuận lợi cho người đồng phạm khác thực hiện tội phạm. Nói cách khác, trong đồng phạm, người giúp sức có thể thực hiện hành vi giúp sức về vật chất hoặc giúp sức về tinh thần cho những người đồng phạm khác thực hiện hành vi phạm tội.

– Giúp sức về vật chất có thể được biểu hiện ở những hành vi cụ thể, như cung cấp công cụ, phương tiện cho người khác, loại bỏ, khắc phục những khó khăn, trở ngại… để tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hành thực hiện tội phạm.

– Giúp sức về tinh thần có thể được biểu hiện ở việc đưa ra những chỉ dẫn, góp ý kiến, cung cấp sơ đồ nơi gây án, tình hình, quy luật hoạt động của nhân viên bảo vệ, của chủ nhà… Hành vi giúp sức về tinh thần tạo cho người thực hành có thêm điều kiện thuận lợi để thực hiện tội phạm và củng cố quyết tâm thực hiện tội phạm của người đó.

Hành vi giúp sức có thể được thực hiện bằng hành động hoặc không hành động.

Ví dụ: thỏa thuận với người thực hành buôn lậu đi qua khu vực tuần tra, canh gác của mình sẽ không bị bắt giữ.

Hành vi giúp sức về tinh thần khác hành vi xúi giục trong đồng phạm ở chỗ: Hành vi xúi giục là hành vi tác động đến ý chí người khác chưa có ý định phạm tội hoặc có ý định phạm tội nhưng chưa quyết định thực hiện tội phạm, với ý thức làm cho người bị xúi giục quyết định thực hiện hành vi phạm tội. Còn hành vi giúp sức về tinh thần không có ý nghĩa thúc đẩy người khác quyết định thực hiện tội phạm (người khác đã tự quyết định thực hiện tội phạm rồi) mà chỉ tạo điều kiện thuận lợi, củng cố thêm quyết tâm phạm tội của người được giúp sức khi thực hiện phạm tội.

 

2. NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA NGƯỜI ĐỒNG PHẠM

Có thể thấy, đồng phạm xuất hiện ở hầu hết tất cả các tội được quy định tại BLHS 2015. Như vậy, tùy từng hành vi và mức độ phạm tội, và từng loại tội phạm nhất định mà người động phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm tương ứng khác nhau. Theo đó, Tòa án cứ vào các nguyên tắc sau để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đồng phạm:

Thứ nhất, Nguyên tắc chịu trách nhiệm chung về tội phạm cùng thực hiện: Nghĩa là, Tất cả những người đồng phạm đều bị truy tố, xét xử về cùng một tội danh theo cùng một điều luật và trong phạm vi những chế tài mà điều luật ấy quy định. Tất cả những người trong đồng phạm cùng phải chịu trách nhiệm về những tình tiết tăng nặng của vụ án nếu họ đều biết. Phải tuân thủ các nguyên tắc chung về thời hiệu truy cứu TNHS, quyết định hình phạt đối với loại tội mà họ đã tham gia thực hiện.

Thứ hai, Nguyên tắc cá thể hoá TNHS: Nguyên tắc này được hiểu là TNHS của mỗi người trong đồng phạm phụ thuộc vào mức độ tham gia (mức độ đóng góp) thực tế của họ vào việc thực hiện tội phạm.

Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó (Điều 58 BLHS 2015).

Ví dụ: Số vốn góp để buôn bán hàng cấm. TNHS của mỗi người trong đồng phạm phụ thuộc vào tính chất của hành vi của họ khi tham gia vào việc thực hiện tội phạm (hành vi tổ chức, hành vi xúi giục, hành vi thực hành, hành vi giúp sức).

Thứ ba, Nguyên tắc chịu trách nhiệm độc lập về việc cùng thực hiện trong đồng phạm:

(i) Những người trong đồng phạm không phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá của những người đồng phạm khác, nếu hành vi vượt quá là tình tiết định khung tăng nặng hoặc cấu thành tội độc lập. Trong đó, hành vi vượt quá của người đồng phạm được hiểu là hành vi vượt ra ngoài ý định chung của những người đồng phạm và hành vi này có thể cấu thành tội phạm khác hoặc thỏa mãn dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng.

Ví dụ: A. và B. bàn bạc với nhau sẽ trộm cắp tài sản nhà ông H. Trong khi A. đứng gác, B. lẻn vào nhà ông H, sau đó, B. đã bị ông H. phát hiện, bắt giữ. Sau đó, B. đánh ông H. bị thương để tẩu thoát. Việc B. đánh ông H. là nằm ngoài kế hoạch ban đầu. Hành vi gây thương tích của B. có thể cấu thành tội độc lập là tội cố ý gây thương tích hoặc thỏa mãn dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng của tội trộm cắp nhưng A. không phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá này của B.

(ii) Những tình tiết tăng nặng, hoặc giảm nhẹ, hoặc miễn TNHS, miễn hình phạt thuộc riêng người nào thì chỉ áp dụng đối với người đó.

(iii) Hành vi của người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức dù chưa đưa đến việc thực hiện tội phạm vẫn phải chịu TNHS.

Cụ thể, nếu những người đồng phạm không thực hiện tội phạm được đến cùng do những nguyên nhân khách quan thì người thực hành thực hiện tội phạm đến giai đoạn nào thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự ở giai đoạn đó. Nếu người bị xúi giục không nghe theo sự xúi giục thì chỉ riêng người có hành vi xúi giục phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đã xúi giục ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Người giúp sức có hành vi giúp sức cho người khác để thực hiện tội phạm, nhưng người này đã không sử dụng sự giúp sức đó hoặc sử dụng vào việc thực hiện một tội phạm khác, thì người có hành vi giúp sức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định giúp sức.

(iv) Nếu có sự tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của người nào trong đồng phạm thì chỉ miễn TNHS đối với người đó.

Những người đồng phạm khác phải chịu trách nhiệm hình sự về tội người thực hành đã thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt, tuỳ thuộc vào thời điểm người thực hành tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Đối với người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội khi thoả mãn các điều kiện sau:

– Về thời điểm: Phải dừng lại việc thực hiện tội phạm trước khi người thực hành bắt tay vào việc thực hiện tội phạm.

– Phải có hành vi tích cực làm mất tác dụng của những hành vi trước đó để ngăn chặn tội phạm như: báo cho người bị hại để phòng ngừa; giao, nộp súng cho cơ quan chức năng…

 

III. NHỮNG HÀNH VI LIÊN QUAN ĐẾN TỘI PHẠM CẤU THÀNH TỘI ĐỘC LẬP

Trong BLHS 2015 có một số hành vi liên quan đến tội phạm nhưng không coi là hành vi đồng phạm, bởi những hành vi đó không thỏa mãn dấu hiệu đồng phạm. Đó là hành vi che giấu tội phạm và hành vi không tố giác tội phạm. Hai hành vi này đã được BLHS quy định rõ là hai tội phạm độc lập với các trường hợp đồng phạm.

Hành vi che giấu tội phạm

Căn cứ theo Điều 18 BLHS 2015 thì hành vi che giấu tội phạm là hành vi “không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội”.

Đặc điểm của hành vi này là:

– Không có sự bàn bạc thỏa thuận, hứa hẹn trước giữa người có hành vi che giấu và người được che giấu.

– Hành vi che giấu được thực hiện sau khi tội phạm đã kết thúc.

– Lỗi luôn là lỗi cố ý trực tiếp.

Luật pháp hiện nay không coi hành vi che giấu tội phạm là hành vi đồng phạm mà coi đây là hành vi có liên quan đến tội phạm. Trong những trường hợp nhất định, hành vi che giấu tội phạm được quy định là tội che giấu tội phạm (Điều 289 BLHS 2015)

Hành vi không tố giác tội phạm

Căn cứ Điều 19 BLHS 2015 thì hành vi không tố giác tội phạm là hành vi “biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác”.

Đặc điểm của hành vi này đó là:

– Hành vi này có thể xảy ra ở giai đoạn tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc tội phạm đã kết thúc.

– Hành vi luôn dưới dạng hành vi không hành động.

– Lỗi luôn là cố ý trực tiếp.

Tương tự như hành vi che giấu tội phạm thì hành vi này được xác định liên quan đến tội phạm. Và trong một số trường hợp không tố giác được quy định là tội không tố giác tội phạm (Điều 390 BLHS 2015).

 

Tham khảo

– Bộ luật hình sư 2015, sửa đổi bổ sung 2017

– lsvn.vn

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan