29

Th3

GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC DÂN SỰ TRONG TRƯỜNG HỢP CHƯA CÓ ĐIỀU LUẬT ÁP DỤNG

Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, sẽ có một số trường hợp thực tiễn không có điều luật để áp dụng. Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng dân sự quy định, Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Vậy trong trường hợp này, Tòa án giải quyết vụ, việc dân sự như thế nào?

1. Thế nào là vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng?

Có thể hiểu cơ bản vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.

Mặc dù chưa có quy định cụ thể để áp dụng giải quyết nhưng việc giải quyết vụ việc dân sự vẫn được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật Dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự quy định. Theo đó, BLDS 2015 quy định: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật này được áp dụng.” (khoản 2 Điều 14).

2. Các nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng

* Nguyên tắc xác định thẩm quyền của Tòa án trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng

Theo đó Điều 43 BLTTDS 2015 quy định, thẩm quyền của Tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 35 đến Điều 41 của Bộ luật này. Theo thẩm quyền của Tòa án được xác định theo cấp và theo lãnh thổ, cụ thể: Điều 35 quy định thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Điều 36 quy định thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp huyện, Điều 37 quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Điều 38 quy định về thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Điều 39 quy định về hẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ, Điều 40 quy định về thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu và Điều 41 quy định về trường hợp chuyển vụ việc dân sự cho Tòa án khác; giải quyết tranh chấp về thẩm quyền.

* Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng

Về nguyên tắc áp dụng trong việc giải quyết các vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì tòa án sẽ áp dụng theo thứ tự như sau: áp dụng tập quán, nếu không có tập quán sẽ áp dụng tương tự pháp luật; nếu không thể áp dụng tương tự pháp luật thì sẽ áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng. Trong đó:

a) Áp dụng tập quán:

Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự (Khoản 1 Điều 5 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Việc áp dụng tập quán được thực hiện như sau:

– Tòa án áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định. Tập quán không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật dân sự.

– Khi yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền viện dẫn tập quán để yêu cầu Tòa án xem xét áp dụng.

– Tòa án có trách nhiệm xác định giá trị áp dụng của tập quán bảo đảm đúng quy định tại Điều 5 của Bộ luật dân sự.

– Trường hợp các đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau thì tập quán có giá trị áp dụng là tập quán được thừa nhận tại nơi phát sinh vụ việc dân sự.

b) Áp dụng tương tự pháp luật

Bộ luật dân sự 2015 quy định:

– Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thoả thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.

– Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định nêu trên thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng.

Việc áp dụng tương tự pháp luật được thực hiện như sau:

Tòa án áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng theo quy định tại Điều 5 của Bộ luật dân sự và điểm a nêu trên.

Khi áp dụng tương tự pháp luật, Tòa án phải xác định rõ tính chất pháp lý của vụ việc dân sự, xác định rõ ràng trong hệ thống pháp luật hiện hành không có quy phạm pháp luật nào điều chỉnh quan hệ đó và xác định quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.

c) áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng

– Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật theo quy định tại Điều 5 và khoản 1 Điều 6 của Bộ luật dân sự, điểm a, điểm b nêu trên.

– Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là những nguyên tắc được quy định tại Điều 3 của Bộ luật dân sự gồm:

+ Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.

+ Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

+ Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.

+ Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

+  Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

– Việc áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng được thực hiện như sau:

+ Án lệ được Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong giải quyết vụ việc dân sự khi đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố.

Đến nay đã có tổng số 63 án lệ (tính đến ngày 24/02/2023) được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua làm cơ sở cho việc thực hiện áp dụng pháp luật. Trong đó có 38 án lệ hướng dẫn áp dụng pháp luật trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng trong giải quyết vụ việc dân sự. Có thể thấy, việc áp dụng án lệ đã góp phần giải quyết vụ việc được chính xác, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể.

+ Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó.

Có thể thấy việc ghi nhận lẽ công bằng trong giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng là sự phát triển, tiến bộ trong hoạt động lập pháp, tuy nhiên cần có các văn bản hướng dẫn kịp thời để tăng tính khả thi trong thực tiễn áp dụng. Bởi lẽ, hiện nay trong các văn bản pháp luật Việt Nam chưa có văn bản nào đề cập hay quy định, luận giải khái niệm lẽ công bằng. Vì thế sẽ dẫn đến thực trạng việc áp dụng lẽ công bằng trong việc giải quyết vụ việc theo tính chất tùy nghi, tùy cảm tính, nhận thức của mỗi chủ thể áp dụng. Nếu như tập quán hay án lệ đã có những quy tắc, khuôn phép, cách thức áp dụng trong thực tiễn, giúp cho các chủ thể có thẩm quyền căn cứ vào đó để áp dụng, còn “lẽ công bằng” thì rất mơ hồ. Cùng một sự việc, ở vùng này, dân tộc này, nhóm người này, cho đó là công bằng, nhưng ở chỗ khác lại coi đó là không công bằng, dẫn đến việc chủ thể có thẩm quyền khi giải quyết vụ, việc theo nhận thức cá nhân, không thống nhất và không thuyết phục.

3. Trình tự, thủ tục thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng

Trình tự, thủ tục thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng theo thủ tục chung theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan