12

Th6

HỆ QUẢ PHÁP LÝ CỦA VIỆC NAM NỮ CHUNG SỐNG KHÔNG ĐĂNG KÝ KẾT HÔN

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình thì, kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng khi thỏa mãn các điều kiện kết hôn và thực hiện đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Theo đó, kết hôn là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân, từ đó làm căn cứ phát sinh các quyền, nghĩa vụ liên quan. Vậy, trên thực tế, khi nam nữ sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn thì có phát sinh các quyền, nghĩa vụ với nhau hay không? Pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào?

1. Sống chung như vợ chồng là gì?

Chung sống như vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng (khoản 7 Điều 3). Theo đó, việc sống chung như vợ chồng chỉ là mối quan hệ nam, nữ sống chung với nhau mà không đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế họ vẫn thực hiện các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng với nhau như vợ chồng hợp pháp.

2. Hệ quả pháp lý của việc nam nữ chung sống không đăng ký kết hôn

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình thì việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn sẽ dẫn đến những hệ quả pháp lý nhự sau:

Thứ nhất, không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.

Cụ thể, khoản 1 Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng…”

Theo đó, những quyền và nghĩa vụ cơ bản của vợ và chồng kết hôn hợp pháp được Luật Hôn nhân và gia đình quy định Mục 1 Chương II Luật Hôn nhân và gia đình gồm:

– Bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng: Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp 2013, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và các luật khác có liên quan.

– Bảo vệ quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng: Quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Bộ luật dân sự 2015 và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ.

– Tình nghĩa vợ chồng

+ Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.

+ Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.

– Lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng: Việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính.

– Tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng: Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau.

– Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng: Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.

– Quyền, nghĩa vụ về học tập, làm việc, tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội: Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Như vậy, trường hợp nam, nữ không kết hôn theo quy định thì sẽ không làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ nêu trên.

Tuy nhiên, nếu trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo mà không đăng ký kế hôn nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân sẽ được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.

Thứ hai, về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con”

Như vậy, mặc dù không đăng ký kết hôn nhưng với con chung thì cả nam và nữ khi chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn vẫn có những quyền và nghĩa vụ đối với con cái theo Luật Hôn nhân và gia đình. Cụ thể, Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ bao gồm:

1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Ngoài ra Luật Hôn nhân và gia đình còn quy định thêm về các quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ và con như: Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng (Điều 71); Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng (Điều 72); Đại diện cho con (Điều 73); Bồi thường thiệt hại do con gây ra (Điều 74); Quyền có tài sản riêng của con (Điều 75); Quyền có tài sản riêng của con (Điều 76); Định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự (Điều 77) và các quyền, nghĩa vụ khác liên quan đến con nuôi, cha dượng, mẹ kế, con riêng, con dâu, con rể, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng….

Thứ ba, về quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Theo đó, căn cứ theo Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình thì: Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên. Trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, Luật Hôn nhân và gia đình còn quy định, việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan