16

Th6

HỆ QUẢ PHÁP LÝ CỦA VIỆC VƯỢT QUÁ PHẠM VI ĐẠI DIỆN TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ

Trong giao dịch dân sự thường phát sinh việc một người nhân danh và vì lợi ích của người khác xác lập, thực hiện giao dịch với người thứ ba. Trong quan hệ đại diện này, giao dịch được xác lập, thực hiện phải phù hợp với phạm vi đại diện và người được đại diện chịu sự ràng buộc của giao dịch đó. Vậy nếu giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện ngoài phạm vi đại diện thì sẽ dẫn đến những hậu quả pháp lý nào?

1. Đại diện trong giao dịch dân sự là gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 134 BLDS 2015: “Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Trong đó, Giao dịch dân sự được hiểu là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 116 BLDS 2015)

BLDS 2015 cho phép cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Tuy nhiên, trừ nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó thì cá nhân, pháp nhân không được để người khác đại diện cho mình.

Ngoài ra, BLDS cũng quy định thêm: Trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện (Khoản 3 Điều 134 BLDS 2015)

Theo quy định tại Điều 136, Điều 137, Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 có 02 loại đại diện như sau:

Một là, đại diện theo pháp luật

Đại diện theo pháp luật là quyền đại diện được xác lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật. (Điều 135 BLDS 2015). Đại diện theo pháp luật được phân thành 02 trường hợp như sau:

(i) Đại diện theo pháp luật của cá nhân gồm:

– Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

– Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.

– Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015.

– Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

(ii) Đại diện theo pháp luật của pháp nhân

Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân, bao gồm:

– Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;

– Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;

– Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

Hai là, đại diện theo ủy quyền

Đại diện theo ủy quyền là Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện, bao gồm:

– Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

– Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.

– Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.

2. Phạm vi đại diện trong giao dịch dân sự

Người đại diện theo pháp luật chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự theo các căn cứ quy định tại Điều 141 BLDS 2015 được hướng dẫn bởi Điều 2 Công văn số 152/TANDTC-PC như sau:

– Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo các căn cứ: (i) Quyết định của Cơ quan có thẩm quyền; (ii) điều lệ của pháp nhân; (iii) nội dung ủy quyền; (iv) quy định khác của pháp luật.

– Trường hợp không xác định được phạm vi đại diện theo các căn cứ nêu trên thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

– Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Ngoài ra, Người đại diện cũng phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình.

3. Hệ quả pháp lý của việc vượt quá phạm vi đại diện trong giao dịch dân sự

Đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền là việc người được ủy quyền thực hiện hành vi pháp lý vượt quá phạm vi ủy quyền được cho phép. Theo Điều 143 BLDS  2015, việc vượt quá phạm vi đại diện trong giao dịch dân sự sẽ dẫn đến những hệ quả pháp lý như sau:

Thứ nhất, giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:

(a) Người được đại diện đồng ý;

(b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;

(c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện

Thứ hai, trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.

Thứ ba, Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch hoặc Người được đại diện đồng ý.

Thứ tư, trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan