12

Th7

Hướng dẫn đăng ký chuyển đổi từ Hộ kinh doanh thành Doanh nghiệp

Hộ kinh doanh cá thể là một hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, quy mô vốn thấp danh cho các cá nhân, hộ gia đinh. Tuy nhiên sau thời gian hoạt động, chủ hộ kinh doanh cần chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu phát triển. Bài viết sau đây, Luật 3S sẽ giới thiệu với các bạn quy định mới nhất về chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp. Mời các bạn đọc cùng tham khảo:

I.KHÁI QUÁT VỀ DOANH NGHIỆP VÀ HỘ KINH DOANH

Công ty và Hộ kinh doanh cá thể đều là những tổ chức kinh tế được một cá nhân hoặc một nhóm người đăng ký thành lập để thực hiện các hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lời. Tuy nhiên, hai loại hình kinh tế này lại hoàn toàn khác nhau về mức độ tư cách pháp nhân, trách nhiệm về hoạt động của mình đối với tổ chức kinh tế cũng không giống nhau.

Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Hộ Kinh doanh sẽ bị hạn chế về quy mô, hạn chế về số lượng lao động, không có tư cách pháp nhân và con dấu riêng, Một số ngành nghề kinh doanh sẽ không thể đăng ký hộ kinh doanh cá thể, tức là phạm vi kinh doanh hẹp hơn so với công ty.

Doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp 2020 là những tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh. So với hộ kinh doanh, Quy mô của Doanh nghiệp sẽ lớn hơn, Không bị giới hạn về số lượng lao động, cũng như sẽ có tư cách pháp nhân (trừ doanh nghiệp tư nhân), dể dàng huy động vốn, và phạm vi kinh rộng hơn so với Hộ kinh doanh.

Như vậy, với trường hợp muốn mở rộng quy mô kinh doanh để phù hợp với nhu cầu thực tế, Chủ hộ kinh doanh có thể chuyển đổi loại hình từ Hộ kinh doanh sang loại hình công ty, Thủ tục này được quy định cụ thể tại Điều 27 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh

II.TRÌNH TỰ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ CHUYỂN ĐỔI TỪ HỘ KINH DOANH THÀNH DOANH NGHIỆP

1.Thành phần hồ sơ

Khoản 2 Điều 27 Nghị định 01 quy định hồ sơ chuyển đổi bao gồm:

1.Bản chính GCN đăng ký kinh doanh.

2.Bản sao GCN đăng ký thuế.

3.các giấy tờ quy định tại các Điều 21, 22, 23 và 24 Nghị định này tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp như sau:

***Đối với Doanh nghiệp tư nhân: Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.

***Đối với Công ty Hợp danh:

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

– Điều lệ công ty.

– Danh sách thành viên.

– Bản sao các giấy tờ sau đây: Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên công ty là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

*** Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần:

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

– Điều lệ công ty.

– Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.

– Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

Đối với thành viên, cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

***Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên:

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

– Điều lệ công ty.

– Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

***Lưu ý:Trường hợp hộ kinh doanh có nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư thì hồ sơ phải có văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

2.Địa điểm đăng ký chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp

Chủ hộ kinh doanh thực hiện việc đăng ký chuyển đổi tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính.

3.Thời hạn cấp phép

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp GCN đăng ký doanh nghiệp cho hộ kinh doanh muốn chuyển đổi.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày cấp GCN đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở để thực hiện chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh.

 

Trên đây là ý kiến tư vấn sơ bộ của Luật 3S dựa trên quy định pháp luật hiện hành tại thời điểm tư vấn. Để được tư vấn chi tiết, giải quyết cho từng trường hợp cụ thể, quý khách hàng vui lòng gọi hotline: 0363.38.34.38 hoặc gửi email: info.luat3s@gmail.com để được Luật sư tư vấn chi tiết.

 

Tin tức liên quan