06

Th11

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TẠM GIỮ, TẠM GIAM TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Tạm giữ, tạm giam là một trong những biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Việc áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam không chỉ liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà còn liên quan đến quyền, lợi ích của những người thân thích của họ. Vậy, tạm giữ, tạm giam là gì? Khi nào cá nhân bị tạm giữ, tạm giam và việc cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc tạm giữ, tạm giam không đúng quy định sẽ bị xử lý như thế nào? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.

1. Tạm giữ, tạm giam là gì?

Tạm giữ, tạm giam là những biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự do Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Toà án áp dụng nhằm buộc những người có Lệnh tạm giữ hoặc Lệnh tạm giao cách ly khỏi xã hội trong một thời gian nhất định để ngăn chặn hành vi phạm tội, hành vi gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc đảm bảo thi hành án phạt tù hoặc án tử hình.

2. Người bị tạm giữ, tạm giam

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam thì:

– Người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

– Người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bao gồm bị can; bị cáo; người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ.

Theo quy định của BLTTHS 2015, Người bị tạm giữ là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.

Trong khi đó, Người bị tạm giam theo quy định của BLTTHS được hiểu là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam theo quy định của BLTTHS, bao gồm: bị can; bị cáo; người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ.

3. Khi nào cơ quan điều tra được phép thực hiện biện pháp tạm giữ tạm giam

a) Đối với tạm giữ

Theo Điều 117 BLTTHS 2015 quy định, tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã. Trong đó:

– Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là những người bị cơ quan có thẩm quyền ra ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp nếu thuộc một trong các trường hợp như:

+ Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

+ Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;

+ Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

– Người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang là những người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất để các cơ quan này tiếp nhận, giải quyết theo quy định pháp luật.

– Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.

– Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.

b) Đối với tạm giam

Theo quy định tại Điều 119 BLTTHS 2015, tạm giam có thể áp dụng trong các trường hợp:

Một là, Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

Trong đó:

– Bị can hay Bị cáo là tên gọi một người khi ở vào các giai đoạn tiến hành tố tụng khác nhau. Được gọi là bị can khi cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, được gọi là bị cáo khi tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

– Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: Là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

– Tội rất nghiêm trọng: Là tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù.

Hai là, Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Trong đó:

– Tội nghiêm trọng: Là tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;

– Tội ít nghiêm trọng: Là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.

Ba là, Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.

Bốn là, Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:

a) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;

b) Tiếp tục phạm tội;

c) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;

d) Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

4. Thẩm quyền thực hiện tạm giữ, tạm giam

Theo quy định tại khoản 5 Điều 119 và khoản 1 Điều 113 BLTTHS 2015, Người có thẩm quyền ra lệnh, quyết định tạm giam gồm:

a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;

Lệnh tạm giam trong trường hợp này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được lệnh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ liên quan đến việc tạm giam, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Viện kiểm sát phải hoàn trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra ngay sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn.

b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;

c) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.

Đối với tạm giữ, căn cứ theo Điều 117, Điều 110 BLTTHS 2015, Những người sau đây có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp:

a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;

b) Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng;

c) Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.

Trong đó, Quyết định tạm giữ phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tạm giữ, lý do tạm giữ, giờ, ngày bắt đầu và giờ, ngày hết thời hạn tạm giữ và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của BLTTHS 2-15. Quyết định tạm giữ phải giao cho người bị tạm giữ.

5. Thời hạn tạm giữ, tạm giam theo quy định

– Tạm giữ: Không quá 03 ngày. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày (Điều 118 BLTTHS 2015)

– Tạm giam: Không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; Không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng; Không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (Điều 173 BLTTHS 2015)

Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị VKS gia hạn tạm giam. Việc gia hạn tạm giam được quy định cụ thể:

– Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 1 tháng;

– Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 2 tháng;

– Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 3 tháng;

– Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 4 tháng.

Như vậy có thể thấy, thời hạn tạm giam sẽ nhiều hơn thời hạn tạm giữ và thời gian tạm giữ sẽ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.

6. Quyền của người bị tạm giữ, tạm giam

Theo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 và BLTTHS 2015, khi bị tạm giữ, tạm giam, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các quyền sau:

– Được biết lý do vì sao mình bị tạm giữ, tạm giam, nhận quyết định tạm giữ tạm giam, quyết định phê chuẩn gia hạn tạm giữ;

– Trình bày lời khai không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hay nhận mình có tội;

– Được tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa;

– Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ;

– Được thực hiện quyền bầu cử, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân;

– Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu;

– Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự;

– Được nhận quà của thân nhân gửi;

– Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý;

– Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;

– Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam;

– Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật;

– Được bồi thường thiệt hại nếu bị giam, giữ trái pháp luật;

– Được hưởng các quyền khác của công dân, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang bị tạm giữ, tạm giam.

7. Xử lý trong trường hợp cơ quan điều tra tạm giữ, tạm giam trái pháp luật 

Thứ nhất, về việc trả tự do cho người bị tạm giam, tạm giữ

Theo quy định tại Điều 199, Điều 173 BLTTHS 2015, đối với tạm giữ thì trong thời hạn 12 giờ, nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

Trong trường hợp việc tạm giữ do Viện kiểm sát phê chuẩn thì quyết định trả tự do do Viện kiểm sát quyết định.

Đối với tạm giam, trong thời hạn tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam (gia hạn tạm giam) thì Cơ quan điều tra phải kịp thời đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ việc tạm giam để trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét thấy cần thiết thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác

Đối với những biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn trong giai đoạn điều tra thì việc hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác phải do Viện kiểm sát quyết định.

Ngoài ra, căn cứ theo điểm i khoản 1 Điều 13 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, khi nhận được quyết định có nội dung về việc không tiếp tục áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam của cơ quan có thẩm quyền, cơ sở giam giữ có trách nhiệm thực hiện và trả tự do cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định.

Thứ hai về hành vi tạm giữ, tạm giam người trái pháp luật

Hành vi tạm giữ, tạm giam người trái pháp luật được thực hiện bởi người không có thẩm quyền bắt giữ, tạm giữ người theo quy định có thể cấu thành Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 cụ thể:

“Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;

b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Thứ ba, về bồi thường thiệt hại cho người bị tạm giữ, tạm giam trái pháp luật

Người bị tạm giữ, tạm giam có thể được bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần, danh dự bị tổn hại  nếu có căn cứ cho rằng việc tạm giam, tạm giữ là trái pháp luật do cơ quan có thẩm quyền gây ra. Cụ thể, căn cứ theo Điều 31 BLTTHS 2015 quy định về bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự. Theo đó người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.

Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra.

Khoản 3 Điều 18 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây: “Người bị tạm giam mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm”.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan