14

Th9

QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG NGƯỜI LAO ĐỘNG KHUYẾT TẬT

Người khuyết tật được xem là những đối tượng cần được sự hỗ trợ từ phía cộng đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo cho bản thân người khuyết tật được hòa mình với cuộc sống bình thường và giúp đỡ được gia đình cũng như phát huy được khả năng của bản thân, pháp luật không cấm người sử dụng lao động được sử dụng người khuyết tật trong lao động. Do đó, pháp luật về lao động đã có những quy định và chính sách để hỗ trợ cũng như bảo vệ quyền lợi cho người khuyết tật khi tham gia lao động. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau đây.

1. Nguyên tắc sử dụng lao động là người khuyết tật

Căn cứ theo quy định tại Điều 159 của Bộ luật Lao động 2019, việc sử dụng lao động là người khuyết tật phải đảm bảo các nguyên tắc như sau:

Thứ nhất, Người sử dụng lao động phải bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn, vệ sinh lao động và tổ chức khám sức khỏe định kỳ phù hợp với người lao động là người khuyết tật.

Thứ hai, Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của người lao động là người khuyết tật khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ.

2. Các hành vi bị cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật

Theo quy định tại Điều 160 Bộ luật Lao động 2019, các hành vi bị cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật bao gồm:

– Sử dụng người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ trường hợp người lao động là người khuyết tật đồng ý.

– Sử dụng người lao động là người khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành mà không có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó.

Ngoài ra, căn cứ theo khoản 8 Điều 4 và khoản 1 Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2019 đặc biệt nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử trong lao động, trong đó có cả hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên tình trạng khuyết tật. Theo đó, người lao động cũng phải được tạo điều kiện làm việc, đảm bảo quyền lợi như bao người lao động khác.

Nếu có hành vi phân biệt đối xử giữa người lao động khuyết tật với những người lao động khác, người sử dụng lao động sẽ bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

3. Các chế độ và chính sách đối với người lao động khuyết tật

Thứ nhất, về ngày nghỉ hằng năm:

Căn cứ theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, Người lao động là người khuyết tật làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động cho 14 ngày làm việc.

Đặc biệt, nếu cứ làm việc đủ 05 năm cho một người sử dụng lao động, người lao động khuyết tật còn được cộng thêm tương 01 ngày nghỉ vào số ngày phép năm (theo Điều 114 Bộ luật Lao động 2019). Trường hợp chưa làm đủ năm, người lao động khuyết tật sẽ được nghỉ phép với số ngày tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Thứ hai, về chế độ tổ chức khám sức khỏe định kỳ

Căn cứ Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động, hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động khuyết tật ít nhất 06 tháng/lần.

Mức phạt đối với người sử dụng lao động nếu không tổ chức khám sức khỏe định kì, người sử dụng lao động nói chung và người lao động khuyết tật nói riêng sẽ bị phạt từ 01 – 03 triệu đồng/người lao động khuyết tật nhưng với số tiền phạt tối đa là 75 triệu đồng.

Thứ ba, về việc làm thêm giờ đối với người lao động khuyết tật

Như đã đề cập, khoản 1 Điều 160 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định nghiêm cấm: “1. Sử dụng người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ trường hợp người lao động là người khuyết tật đồng ý.”

Như vậy, những người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng chỉ phải làm thêm giờ, làm ban đêm nếu họ đồng ý.

Trường hợp không có sự đồng ý của người lao động khuyết tật trên mà người sử dụng lao động vẫn bố trí cho họ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, người sử dụng lao động sẽ bị phạt từ 5.000.000 đồng – 10.000.000 đồng theo điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Thứ tư, bố trí lao động khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại

Theo khoản 2 Điều 160 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định nghiêm cấm: “2. Sử dụng người lao động là người khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành mà không có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó.”

Như vậy, Đối với những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nằm trong danh mục mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã công bố. Người sử dụng lao động có nhu cầu sử dụng người lao động khuyết tật thực hiện các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục này thì phải đảm bảo hai điều kiện: Một là, người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ thông tin về công việc thuộc danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đó cho người lao động là người khuyết tật biết; Hai là, được sự đồng ý của người lao động khuyết tật.

Sau khi đã nắm rõ thông tin về công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiển mà người sử dụng lao động đã cung cấp. Người lao động khuyết tật vẫn đồng ý làm việc thì người sử dụng lao động mới được phép sử dụng người lao động khuyết tật thực hiện các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm này.

Thứ năm, về chính sách ưu đãi đối với cơ sở sử dụng lao động là người khuyết tật

Theo Điều 9 Nghị định 28/2021/NĐ-CP quy định Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi sau:

+ Hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Mức hỗ trợ theo tỷ lệ người khuyết tật làm việc ổn định tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định mức kinh phí hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc cho cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật;

+ Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế;

+ Vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện vay, thời hạn vay, mức vốn vay và mức lãi suất vay thực hiện theo quy định hiện hành áp dụng đối với dự án vay vốn giải quyết việc làm;

+ Ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật;

+ Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên. Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật.

Trong thời gian được miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước, cơ sở sản xuất, kinh doanh không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước; không được thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, góp vốn liên doanh, liên kết bằng quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

Bên cạnh đó theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 28/2012/NĐ-CP, các doanh nghiệp sử dụng 10 người khuyết tật trở lên được hưởng các chính sách ưu đãi theo:

+ Hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Mức hỗ trợ theo tỷ lệ người khuyết tật làm việc ổn định tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

+ Vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện vay, thời hạn vay, mức vốn vay và mức lãi suất vay thực hiện theo quy định hiện hành áp dụng đối với dự án vay vốn giải quyết việc làm.

Ngoài ra, căn cứ theo Khoản 2 Điều 10 Nghị định 28/2012/NĐ-CP, Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp sử dụng từ 10 người khuyết tật làm việc ổn định được hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Mức hỗ trợ theo tỷ lệ người khuyết tật làm việc ổn định tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan