11

Th7

QUY ĐỊNH VỀ TẠM GIỮ NGƯỜI TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Tạm giữ người trong tố tụng hình sự là quy định nhằm ngăn chặn hành vi phạm tội, ngăn ngừa hành vi trốn tránh pháp luật, cản trở hoạt động điều tra của người phạm tội cũng như tạo điều kiện cho cơ quan điều tra thu thập chứng cứ, tài liệu, bước đầu xác định tính chất hành vi của người bị tạm giữ. Vậy, khi nào thì cơ quan được tạm giữ người, thời hạn tạm giữ và thủ tục tạm giữ được quy định như thế nào?

1. Tạm giữ người là gì?

Tạm giữ  người được hiểu là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do cơ quan và người có thẩm quyền áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã (Điều 117 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 ).

Như vậy, có thể hiểu việc tạm giữ hình sự được thực hiện dựa trên các căn cứ sau:

Một là, Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp

Theo khoản 1 Điều 110 BLTTHS 2015, Khi thuộc một trong các trường hợp khẩn cấp sau đây thì được giữ người:

a) Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;

c) Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Hai là, Người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang

Theo Điều 111 BLTTHS 2015: Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Khi bắt người phạm tội quả tang thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.

Ba là, Người phạm tội tự thú, đầu thú

Theo điểm h và điểm i khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về tự thú, đầu thú như sau:

– Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.

– Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.

Theo đó, khi người phạm tội đến tự thú, đầu thú, cơ quan, tổ chức tiếp nhận sẽ lập biên bản ghi rõ họ tên, tuổi, nghề nghiệp, chỗ ở và lời khai của người tự thú, đầu thú. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận người phạm tội tự thú, đầu thú có trách nhiệm thông báo ngay cho Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát theo theo quy định.

Bốn là, Người bị bắt theo quyết định truy nã

Theo Điều 112 BLTTHS 2015: Đối với người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Khi bắt người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.

2. Thẩm quyền tạm giữ người

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 117 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định về thẩm quyền ra quyết định tạm giữ như sau:

“2. Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra quyết định tạm giữ”

Như vậy, người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người cụ thể như sau:

* Thẩm quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp

– Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;

– Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh,… những người có thẩm quyền khác theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 110 BLTTHS 2015. Nhìn chung, những người có thẩm quyền trong trường hợp này là những người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý từng khu vực;

– Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển rời khỏi sân bay, bến cảng.

* Thẩm quyền tạm giữ người trong trường hợp bắt người phạm tội quả tang

Bất cứ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Sau đó, cơ quan tiếp nhận người tình nghi lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo cho cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 117 BLTTHS tiến thành thủ tục tạm giữ (khoản 1 Điều 111 BLTTHS).

* Thẩm quyền tạm giữ người trong trường hợp bắt người đang bị truy nã

Khi có quyết định truy nã của người, cơ quan có thẩm quyền thì bất cứ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị truy nã đế cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải người bị bắt hoặc báo cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền (khoản 1 Điều 112 BLTTHS)

* Thẩm quyền tạm giữ người trong trường hợp người phạm tội tự thú, đầu thú

Sau khi người phạm tội đến cơ quan Công an tự thú, đầu thú thì những người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp tại khoản 2 Điều 110 BLTTHS ra quyết định tạm giữ đối với người đó.

3. Thời hạn tạm giữ người

Căn cứ theo Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định về thời hạn tạm giữ như sau:

– Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.

– Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.

Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn

– Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

–  Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.

4. Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ hình sự

* Quyền của người bị tạm giữ 

– Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ;

– Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân;

– Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu;

– Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự;

– Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý;

– Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;

– Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam;

– Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật;

– Được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu bị giam, giữ trái pháp luật;

– Được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang bị tạm giữ, tạm giam.

* Nghĩa vụ của người bị tạm giữ

– Chấp hành quyết định, yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam;

– Chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ, quy định của Luật Thi hành tạm giữ tạm giam 2015 và pháp luật có liên quan.

(khoản 1 Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ tạm giam 2015)

5. Thủ tục tạm giữ người

Căn cứ theo khoản 2 Điều 117 BLTTHS 2015, việc tạm giữ phải có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền. Theo đó, Quyết định tạm giữ phải ghi rõ lý do tạm giữ, thời hạn tạm giữ; ngày, giờ bắt đầu tạm giữ và ngày, giờ hết hạn tạm giữ và giao cho người bị tạm giữ một bản. Nêu việc tạm giữ không có quyết định của người có thẩm quyền, người bị tạm giữ có quyền yêu cầu trả tự do cho họ.

Ngoài ra, Quyết định tạm giữ cũng phải được giao cho người bị tạm giữ. Đồng thời, Người thi hành quyết định tạm giữ phải thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ quy định tại Điều 59 của BLTTHS 2015.

Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ra quyết định tạm giữ, quyết định tạm giữ phải được gửi cho viện kiểm sát cùng cấp để kiểm sát việc áp dụng biện pháp ngăn chặn. Khi kiểm sát việc tạm giữ, nếu thấy việc tạm giữ không đúng pháp luật hoặc không cần thiết, viện kiểm sát ra quyết định huỷ bỏ quyết định tạm giữ và yêu cầu người ra quyết định tạm giữ trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

6. Trường hợp người bị tạm giữ hình sự được thả tự do

Căn cứ theo quy định của BLTTHS 2015, khi hết thời hạn tạm giữ nêu trên, người bị tạm giữ sẽ được trả tự do trong trường hợp:

– Khi Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ, quyết định gia hạn tạm giữ nếu xét thấy việc tạm giữ, gia hạn tạm giữ không cần thiết hoặc không có căn cứ;

– Cơ quan điều tra hủy bỏ biện pháp tạm giữ khi thấy không cần thiết; Viện kiểm sát không phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ của Cơ quan điều tra;

– Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ (khoản 3 Điều 118 BLTTHS 2015);

– Trường hợp đã khởi tố bị can nhưng Viện kiểm sát ra quyết định không phê chuẩn lệnh tạm giam thì cơ sở giam giữ trả tự do cho người bị giam giữ.

– Bên cạnh đó, người bị tạm giữ hình sự được trả tự do khi việc tạm giữ không có căn cứ và trái pháp luật (điểm d khoản 1 Điều 22 Luật Tổ chức VKSND).

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan