21

Th9

Quy trình thành lập công ty chứng khoán

Công ty chứng khoán là một loạt hình thực hiện các giao dịch điện tử với giá trị lớn. Vì là một ngành nghề đặc biệt và quan trọng trong nền kinh tế, cũng như đáp ứng nhu cầu của người tham gia chứng khoán, pháp luật Việt Nam đã đưa ra những quy định cụ thể về điều kiện thành lập. Tuy nhiên thì nhiều người vẫn chưa nắm được các quy định về điều kiện thành lập công ty chứng khoán của pháp luật. Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Luật 3S để có thể hiểu hơn về lĩnh vực này, cũng như quy trình thành lập một công ty chứng khoán nhé:

 

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật chứng khoán 2019;

– Luật doanh nghiệp 2020;

– Nghị định số 155/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán;

– Thông tư số 121/2020/TT-BTC Quy định về hoạt động của Công ty chứng khoán;

II. CÁC HÌNH THỨC KINH DOANH CHỨNG KHOÁN

Căn cứ theo Điều 72 Luật Chứng khoán 2019, nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán bao gồm một hoặc một số hoạt động sau:

– Môi giới chứng khoán:

– Tự doanh chứng khoán;

– Bảo lãnh phát hành chứng khoán;

– Tư vấn đầu tư chứng khoán.

Lưu ý:

– Công ty chứng khoán chỉ được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán khi được cấp phép thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán.

– Công ty chứng khoán chỉ được cấp phép thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán khi được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán

III. ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP CÔNG TY CHỨNG KHOÁN

Điều kiện thành lập công ty chứng khoán được quy định tại Điều 74 Luật Chứng khoán 2019 như sau:

1. Điều kiện về vốn

Theo quy định tại Luật chứng khoán 2019 và Điều 175 Nghị định 155/2020/NĐ-CP thì việc góp vốn điều lệ vào công ty chứng khoán phải bằng Đồng Việt Nam; Vốn điều lệ tối thiểu cho các nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán tại Việt Nam như sau:

– Đối với nghiệp vụ môi giới chứng khoán: tối thiểu là 25 tỷ đồng;

– Đối với nghiệp vụ tự doanh chứng khoán: tối thiểu là 50 tỷ đồng;

– Đối với nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán: tối thiểu là 165 tỷ đồng;

– Đối với nghiệp tư vấn đầu tư chứng khoán: tối thiểu là 10 tỷ đồng;

– Ngoài ra:

+ Vốn tối thiểu cấp cho chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam là 10 tỷ đồng.

+ Vốn điều lệ tối thiểu của công ty quản lý quỹ, vốn tối thiểu cấp cho chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam là 25 tỷ đồng.

+ Trường hợp tổ chức đề nghị cấp phép cho nhiều nghiệp vụ kinh doanh, vốn điều lệ tối thiểu là tổng số vốn tương ứng với từng nghiệp vụ đề nghị cấp phép.

2. Điều kiện về cổ đông và thành viên góp vốn

a) Trong trường hợp cổ đông, thành viên góp vốn của Công ty chứng khoán là cá nhân thì được quy định không thuộc một trong các trường hợp không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam được quy định cụ thể tại Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020.

b) Cổ đông, thành viên góp vốn là tổ chức phải có tư cách pháp nhân và đang hoạt động hợp pháp; hoạt động kinh doanh có lãi trong 02 năm liền trước năm đề nghị cấp giấy phép; báo cáo tài chính năm gần nhất phải được kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần;

c) Cổđông, thành viên góp vốn sở hữu từ 10% trở lên vốn điều lệ của 01 công ty chứng khoán và người có liên quan của cổ đông, thành viên góp vốn đó (nếu có) không sở hữu trên 5% vốn điều lệ của 01 công ty chứng khoán khác;

d) Cổ đông, thành viên góp vốn là nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 77 của Luật này:

+ Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân thì cá nhân đó là người có liên quan (nếu có) chỉ được sở hữu đến 49% vốn điều lệ của Công ty chứng khoán.

+ Nếu nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 77 Luật chứng khoán 2019 thì tổ chức và người có liên quan (nếu có) được sở hữu đến 100% vốn điều lệ của Công ty chứng khoán.

+ Nếu nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức nhưng không đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 77 Luật chứng khoán 2019 thì tổ chức và người có liên quan (nếu có) được sở hữu đến 49% vốn điều lệ của Công ty chứng khoán.

3. Điều kiện về cơ cấu cổ đông và thành viên góp vốn

a) Có tối thiểu 02 cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn là tổ chức. Trường hợp công ty chứng khoán được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chủ sở hữu phải là doanh nghiệp bảo hiểm hoặc ngân hàng thương mại hoặc tổ chức nước ngoài đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này;

b) Tổng tỷ lệ vốn góp của các tổ chức tối thiểu là 65% vốn điều lệ, trong đó các tổ chức là doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại sở hữu tối thiểu là 30% vốn điều lệ.

4. Điều kiện về cơ sở vật chất

a) Có trụ sở làm việc bảo đảm cho hoạt động kinh doanh chứng khoán;

b) Có đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang bị, thiết bị văn phòng, hệ thống công nghệ phù hợp với quy trình nghiệp vụ về hoạt động kinh doanh chứng khoán.

5. Điều kiện về nhân sự

Có Tổng giám đốc (Giám đốc), tối thiểu 03 nhân viên có chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp cho mỗi nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán đề nghị cấp phép và tối thiểu 01 nhân viên kiểm soát tuân thủ. Tổng giám đốc (Giám đốc) phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:

a) Không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành án phạt tù hoặc bị cấm hành nghề chứng khoán theo quy định của pháp luật;

b) Có tối thiểu 02 năm kinh nghiệm làm việc tại bộ phận nghiệp vụ của các tổ chức trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm hoặc tại bộ phận tài chính, kế toán, đầu tư trong các doanh nghiệp khác;

c) Có chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính hoặc chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ;

d) Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán trong thời hạn 06 tháng gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

Trường hợp có Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) phụ trách nghiệp vụ thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại các điểm a, b và d khoản này và có chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với nghiệp vụ phụ trách.

6. Dự thảo Điều lệ Công ty chứng khoán

– Điều lệ của Công ty chứng khoán phải phù hợp với các quy định tại Luật chứng khoán 2019 và Luật doanh nghiệp 2020.

– Sau khi được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán phải tiến hành đăng tải toàn bộ Điều lệ trên trang thông tin điện tử chính thức của Công ty chứng khoán.

Lưu ý: Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 85 Luật chứng khoán 2019 thì Công ty chứng khoán bắt buộc phải duy trì và tuân thủ các điều kiện về vốn; cổ đông và thành viên góp vốn; cơ sở vật chất và nhân sự trong suốt quá trình hoạt động.

IV. THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY CHỨNG KHOÁN

Bước 1: Xin cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán

1. Hồ sơ chuẩn bị

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán được quy định tại Điều 175 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, bao gồm:

1. Giấy đề nghị theo Mẫu số 64 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Biên bản thỏa thuận thành lập công ty của các cổ đông, thành viên dự kiến góp vốn hoặc quyết định của chủ sở hữu công ty, trong đó nêu rõ: tên công ty (tên đầy đủ, tên giao dịch bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tên viết tắt); địa chỉ trụ sở chính; nghiệp vụ kinh doanh; vốn điều lệ; cơ cấu sở hữu; việc thông qua dự thảo Điều lệ công ty; người đại diện theo pháp luật đồng thời là người đại diện theo ủy quyền thực hiện thủ tục thành lập công ty.

3. Hợp đồng thuê trụ sở, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu trụ sở, quyền sử dụng trụ sở; thuyết minh cơ sở vật chất theo Mẫu số 65 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

4. Danh sách nhân sự, bản thông tin cá nhân theo Mẫu số 66, Mẫu số 67 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này kèm theo lý lịch tư pháp của thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc) được cấp không quá 06 tháng tính tới ngày nộp hồ sơ.

5. Danh sách cổ đông, thành viên góp vốn theo Mẫu số 68 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này kèm theo hồ sơ:

a) Đối với cá nhân: bản thông tin cá nhân theo Mẫu số 67Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; lý lịch tư pháp được cấp không quá 06 tháng tính tới ngày nộp hồ sơ của cổ đông sáng lập, thành viên là cá nhân góp trên 5% vốn điều lệ;

b) Đối với tổ chức: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương; Điều lệ công ty; quyết định của cấp có thẩm quyền theo Điều lệ công ty về việc góp vốn thành lập và cử người đại diện theo ủy quyền; bản thông tin cá nhân của người đại diện theo ủy quyền theo Mẫu số 67Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; báo cáo tài chính 02 năm liền trước năm đề nghị cấp phép đã được kiểm toán của tổ chức tham gia góp vốn. Tổ chức góp vốn là công ty mẹ phải bổ sung báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán; văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ngân hàng thương mại, của Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm về việc góp vốn thành lập (nếu có);

c) Văn bản cam kết của tổ chức, cá nhân về việc đáp ứng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 74 và điểm c khoản 2 Điều 75 Luật Chứng khoán.

6. Quyết định của cấp có thẩm quyền ban hành quy trình nghiệp vụ, quy trình kiểm soát nội bộ, quy trình quản lý rủi ro.

7. Dự thảo Điều lệ công ty.

2. Trình tự thực hiện:

– Doanh nghiệp chuẩn bị đủ hồ sơ nộp tại Ủy ban chứng khoán Nhà nước

– Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp hoặc từ chối cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Trường hợp từ chối, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 2: Thành lập doanh nghiệp

– Sau khi được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, công ty chứng khoán phải đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp

– Công ty chứng khoán được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

V. LƯU Ý KHI THÀNH LẬP CÔNG TY CHỨNG KHOÁN

1. Tên của công ty chứng khoán

Tên của công ty chứng khoán phải tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 82 Luật chứng khoán 2019 như sau:

– Tên của công ty chứng khoán bao gồm các thành tố theo thứ tự sau đây:

a) Loại hình doanh nghiệp;

b) Cụm từ “chứng khoán”;

c) Tên riêng.

Lưu ý: Tổ chức không phải là công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không được phép sử dụng cụm từ “chứng khoán”, “quản lý quỹ” trong tên của tổ chức; không được sử dụng các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên của tổ chức nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức đó là công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.

2. Ngày chính thức hoạt động

Công ty chứng khoán phải chính thức hoạt động trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp phép.

– Công ty chứng khoán không được tiến hành hoạt động kinh doanh chứng khoán trước ngày chính thức hoạt động.

– Công ty chứng khoán được chính thức hoạt động sau khi đáp ứng các quy định sau đây:

+ Thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điều 71 của Luật này;

+ Có quy trình hoạt động, quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ (Theo  hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư 99/2020/TT-BTC)

+ Điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua.

3. Công khai nội dung đăng ký doanh nghiệp

Công ty chứng khoán phải công bố thông tin hoạt động trên phương tiện công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và 01 tờ báo điện tử hoặc báo in trong 03 số liên tiếp ít nhất 30 ngày trước ngày dự kiến chính thức hoạt động. Thông tin bao gồm:

– Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp;

– Ngày chính thức hoạt động.

4. Các thủ tục khác sau khi thành lập doanh nghiệp

Sau khi thành lập doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Công ty chứng khoán phải thực hiện các thủ tục ban đầu của một công ty thành lập bình thường như: treo bảng hiệu, Khắc con dấu, đăng ký tài khoản ngân hàng, thủ tục khai thuế ban đầu….

Lưu ý: Thời hạn góp vốn của công ty chứng khoán thực hiện theo quy định của luật Doanh nghiệp. Trong vòng 90 ngày kể từ ngày có giấy phép đăng ký doanh nghiệp, công ty phải thực hiện góp đủ vốn theo quy định. Trường hợp doanh nghiệp không góp đủ vốn theo cam kết thì cần làm thủ tục điều chỉnh, thay đổi vốn điều lệ của công ty.

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

 

Tin tức liên quan