11

Th6

QUY TRÌNH THỦ TỤC VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN VIỆC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ CỦA TOÀ ÁN

Pháp luật quy định quyền khởi kiện vụ án dân sự thuộc về cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền, lợi ích bị xâm hại hay có tranh chấp. Đương sự có thể tự mình thực hiện quyền khởi kiện hoặc có thể thông qua người đại diện hợp pháp của mình. Tuy nhiên, khi có những tranh chấp dân sự ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, phần lớn mọi người thường bối rối và không biết cần phải làm gì, bắt đầu từ đâu để có thể đòi quyền lợi hợp pháp. Dưới đây là các bước hướng dẫn, giúp bạn đọc hình dung sơ bộ quá trình xử lý vụ án qua các giai đoạn khác nhau, mời các bạn đọc cùng tham khảo:

Vụ án dân sự theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện nay đó là các tranh chấp nảy sinh từ các quan hệ hôn nhân và gia đình, lao động, kinh doanh, thương mại, đất đai, nhà ở và các quan hệ dân sinh trong đời sống xã hội. Việc các chủ thể của những quan hệ đó có tranh chấp và được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước giải quyết được gọi là các vụ án dân sự. Các tranh chấp dân sự được coi là vụ án dân sự khi có chủ thể trong quan hệ tranh chấp đó đưa vấn đề tranh chấp ra trước tòa án để được giải quyết đó gọi là “khởi kiện”.

Khởi kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự bao gồm: khởi kiện của người khởi kiện (khởi kiện của nguyên đơn), khởi kiện của bị đơn (trong trường hợp có yêu cầu phản tố) và khởi kiện của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (trong trường hợp có yêu cầu độc lập). Vậy, khởi kiện vụ án dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước.

1.VỀ QUYỀN KHỞI KIỆN

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015)

Như vậy, pháp luật không hạn chế quyền khởi kiện của các cá nhân, tổ chức. Đồng thời, Bộ luật Tố tụng dân sự còn nhấn mạnh nguyên tắc Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng (theo khoản 2 Điều 4 BLTTDS 2015).

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh một điều rằng: Dù Tòa án không được từ chối mọi yêu cầu khởi kiện nhưng không có nghĩa tòa bắt buộc phải thụ lý trong mọi trường hợp. Để yêu cầu khởi kiện được thụ lý cần phải đáp ứng 4 yêu cầu sau:

Thứ nhất, chủ thể khởi kiện phải có quyền khởi kiện và có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;

Thứ hai, vụ án khởi kiện phải thuộc thẩm quyền của Tòa án;

Thứ ba, vụ án vẫn còn trong thời hiệu khởi kiện;

Thứ tư, sự việc chưa được giải quyết bằng một bản án hay quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp có quy định khác của pháp luật.

Lưu ý: Khi khởi kiện, người khởi kiện phải nộp kèm tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp. Nếu những tài liệu, chứng cứ này không đầy đủ thì người khởi kiện nộp những tài liệu, chứng cứ hiện có và bổ sung các chứng cứ còn thiếu theo yêu cầu của Tòa án.

2.VỀ HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG ĐƠN KIỆN

Thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 189 của Bộ luật Tố tụng dân sự,

3.VỀ THỜI HIỆU KHỞI KIỆN

Việc xác định đúng thời hiệu khởi kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động giải quyết tranh chấp của Tòa án cũng như trong hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án của Viện kiểm sát.

Theo quy định của BLTTDS năm 2015 “Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Hiện nay, pháp luật có nhiều quy định mới về thời hiệu khởi kiện nhưng thực tiễn chưa có sự cập nhật kịp thời và nhận thức đúng cũng như áp dụng thống nhất về thời hiệu khởi kiện dẫn đến việc giải quyết các vụ án không chính xác. Để việc áp dụng pháp luật về thời hiệu khởi kiện được chính xác, phù hợp với từng loại tranh chấp và thời điểm phát sinh tranh chấp, căn cứ quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội và căn cứ hướng dẫn tại Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, việc áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện cần phân biệt theo thời gian khởi kiện, thụ lý giải quyết vụ án, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Trường hợp Tòa án đã thụ lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu trước ngày 01/01/2017 nhưng chưa giải quyết hoặc đang trong quá trình giải quyết thì Tòa án vẫn áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu của Bộ luật Tố tụng dân sự  năm 2011 và của Bộ luật Dân sự năm 2005 để giải quyết.

Thứ hai: Đối với các giao dịch về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được xác lập trước ngày 01/01/2017, nhưng từ ngày 01/01/2017 đương sự mới có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu gửi đến Tòa án (tức là từ ngày 01/01/2017 mới phát sinh tranh chấp, yêu cầu) thì Tòa án áp dụng quy định về thời hiệu của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và của Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết.

Như vậy, theo quy định mới của pháp luật về thời hiệu khởi kiện, khi có một trong các bên yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án ra bản án thì Tòa án phải xem xét các loại thời hiệu khởi kiện tương ứng với giao dịch do các bên xác lập để áp dụng như: Đối với tranh chấp hợp đồng là 03 năm, chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản.

Thứ ba: Khi thụ lý giải quyết vụ án, cần lưu ý một số quy định của pháp luật về trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện, các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện và quy định về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự để có căn cứ giải quyết vụ án được chính xác và thống nhất.

– Các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện theo Điều 155 Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm: Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản; yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; trường hợp khác do luật quy định.

– Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự theo Điều 156 BLDS năm 2015:

1. Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.
2. Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây: Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân; người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.

– Các trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự theo Điều 157 BLDS 2015: Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; các bên đã tự hòa giải với nhau.
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện quy định tại khoản 1 Điều này.

Như vậy, để việc áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện trong hoạt động giải quyết các tranh chấp về dân sự chính xác có căn cứ pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng cần cập nhật kịp thời và áp dụng đúng quy định của pháp luật trong từng thời điểm đối với từng vụ án cụ thể. Đồng thời, để các đương sự có nhận thức đầy đủ hơn về thời hiệu khởi kiện thì trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, Tòa án cần giải thích cho đương sự biết các quy định mới của pháp luật về thời hiệu khởi kiện để họ kịp thời thực hiện quyền khởi kiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

4.TRÌNH TỰ THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ SƠ THẨM

GIAI ĐOẠN KHỞI KIỆN VÀ THỤ LÝ VỤ ÁN

Bước 1: Nộp đơn khởi kiện

Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:

1.Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:

a) Nộp trực tiếp tại Tòa án;

b) Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;

c) Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có) bằng cách:

– Người khởi kiện phải truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tòa án điền đầy đủ nội dung đơn khởi kiện, ký điện tử và gửi đến Tòa án.

– Tài liệu, chứng cứ gửi kèm theo đơn khởi kiện phải được gửi đến Tòa án qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

2.Ngày khởi kiện là ngày đương sự nộp đơn khởi kiện tại Tòa án hoặc ngày được ghi trên dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi.

Trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu chính nơi gửi thì ngày khởi kiện là ngày đương sự gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính. Đương sự phải chứng minh ngày mình gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính; trường hợp đương sự không chứng minh được thì ngày khởi kiện là ngày Tòa án nhận được đơn khởi kiện do tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển đến.

– Trường hợp người khởi kiện gửi đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn.

– Trường hợp chuyển vụ án cho Tòa án khác theo quy định tại Điều 41 của Bộ luật này thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn khởi kiện đến Tòa án đã thụ lý nhưng không đúng thẩm quyền và được xác định theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Bước 2: Xem xét và thụ lý đơn khởi kiện

Theo quy định tại Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

1.Tiếp nhận đơn

+ Đối với trường hợp nhận đơn trực tiếp tại Tòa án: Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa án và phải ghi vào sổ nhận đơn. Đồng thời có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện.

+ Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính: Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp qua dịch vụ bưu chính và ghi vào sổ nhận đơn. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện.

+ Đối với trường hợp nhận đơn trực tuyến: Sau khi nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ kèm theo bằng phương tiện điện tử, Tòa án phải in ra bản giấy, ghi vào sổ nhận đơn và xử lý đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật tố tụng.

Tòa án gửi thông báo đã nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ cho người khởi kiện từ Cổng thông tin điện tử của Tòa án đến địa chỉ thư điện tử đã đăng ký của người khởi kiện. Nội dung thông báo theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính và hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao.

Kết quả xử lý đơn khởi kiện được Tòa án gửi từ Cổng thông tin điện tử của Tòa án đến địa chỉ thư điện tử đã đăng ký của người khởi kiện.

2.Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện

3.Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và thông báo ngay cho người khởi kiện khi có một trong các quyết định sau đây:

a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện:(áp dụng khi đơn khởi kiện không đủ các nội dung theo quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật này). Thời hạn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện do Thẩm phán xem xét đơn ấn định, nhưng không quá 01 tháng để người khởi kiện tiến hành sửa đổi, bổ sung các yêu cầu hợp pháp của Thẩm phán, trường hợp đặc biệt, Thẩm phán có thể gia hạn nhưng không quá 15 ngày. Quá thời hạn hạn trên, mà không tiến hành sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện thì sẽ bị trả lại đơn khởi kiện.

Lưu ý: Thời hạn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện không tính vào thời hiệu khởi kiện.

b) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác

c) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện: (áp dụng khi người khởi kiện không có quyền khởi kiện; không có năng lực hành vi dân sự; chưa đủ điều kiện khởi kiện, không nộp tiền tạm ứng án phí…) Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận văn bản trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện có quyền khiếu nại về sự việc này theo quy định tại Điều 194 Bộ luật này.

d) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này: Đối với trường hợp thụ lý thụ lý vị án theo thủ tục thông thường Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong vòng 07 ngày kể từ ngày nhận thông báo, người khởi kiện có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí của vụ kiện tại Cơ quan thi hành án và nộp lại biên lai này cho Tòa án để được thụ lý vụ án.

Như vậy, Kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Tòa án có 08 ngày để xử lý đơn khởi kiện. Trong đó, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện trong 03 ngày làm việc, 05 ngày tiếp theo Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện và ra quyết định thông báo cho người khỏi kiện một trong các quyết định nêu trên.

Thời hạn thụ lý được tính như sau:

– Trường hợp phải nộp tạm ứng án phí thì thời điểm thụ lý vụ án là khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. (Lưu ý: Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo của toà án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí.)

– Trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tạm ứng án phí thì thời điểm thụ lý vụ án là thời điểm Tòa án nhận được đơn khởi kiện.

– Trường hợp vụ án có nhiều yêu cầu (phát sinh yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền, nghĩa vụ liên quan) thì thời điểm thụ lý vụ án là thời điểm thụ lý đối với yêu cầu cuối cùng.

Bước 3: Thông báo thụ lý vụ án  (Căn cứ theo Điều 196 BLTTDS 2015)

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án.

Đối với vụ án do người tiêu dùng khởi kiện thì Tòa án phải niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án thông tin về việc thụ lý vụ án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án.

Đồng thời tại bước này, Trên cơ sở báo cáo thụ lý vụ án của Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án bảo đảm nguyên tắc vô tư, khách quan, ngẫu nhiên. ( Điều 197)

Văn bản thông báo phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm văn bản thông báo;

b) Tên, địa chỉ Tòa án đã thụ lý vụ án;

c) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người khởi kiện;

d) Những vấn đề cụ thể người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết;

đ) Vụ án được thụ lý theo thủ tục thông thường hay thủ tục rút gọn;

e) Danh mục tài liệu, chứng cứ người khởi kiện nộp kèm theo đơn khởi kiện;

g) Thời hạn bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có ý kiến bằng văn bản nộp cho Tòa án đối với yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (nếu có);

h) Hậu quả pháp lý của việc bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không nộp cho Tòa án văn bản về ý kiến của mình đối với yêu cầu khởi kiện.

Trường hợp nguyên đơn có đơn yêu cầu Tòa án hỗ trợ trong việc gửi tài liệu, chứng cứ thì kèm theo thông báo về việc thụ lý vụ án, Tòa án gửi cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bản sao tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn cung cấp.

Lưu ý:

1.Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (nếu có).

Trường hợp cần gia hạn thì bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có đơn đề nghị gia hạn gửi cho Tòa án nêu rõ lý do; nếu việc đề nghị gia hạn là có căn cứ thì Tòa án phải gia hạn nhưng không quá 15 ngày.

2.Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu Tòa án cho xem, ghi chép, sao chụp đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này.

3.Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 200 bộ luật này.

GIAI ĐOẠN HÒA GIẢI VÀ CHUẨN BỊ XÉT XỬ SƠ THẨM

Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định cụ thể tại Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như sau:

1.Thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án: Đối với các vụ án tranh chấp về dân sự được quy định tại Điều 26 và các vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình được quy định tại Điều 28 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

2.Thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án: Đối với các vụ án tranh chấp về kinh doanh, thương mại được quy định tại Điều 30 và các vụ án tranh chấp về lao động được quy định tại Điều 32 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

3.Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan:

– Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án được quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật.

– Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 01 tháng đối với vụ án được quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật.

4.Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Trong quá trình chuẩn bị xét xử, tòa án sẽ tổ chức các phiên tiếp cận và công khai chứng cứ. Các chứng cứ được công khai có thể do mỗi bên giao nộp hoặc do tòa án thu thập được. Mỗi bên ngoài việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì còn phải cung cấp cho cả các đương sự khác. Và quyền yêu cầu phản tố của các đương sự này không còn sau khi Tòa án tổ chức buổi tiếp cận, công khai chứng cứ. Trong quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ; Tòa án có quyền tạm đình chỉ vụ án để và thời gian thu thập tài liệu, chứng cứ hay thời gian tạm đình chỉ này không nằm trong khoảng thời gian chuẩn bị xét xử.

Trong quá trình chuẩn bị xét xử, các bên cũng có thể tự hòa giải hoặc đề nghị Tòa án hòa giải và công nhận sự thỏa thuận của đương sự để giải quyết vụ án được nhanh chóng và giảm thiểu khoản án phí phải nộp cho cơ quan nhà nước. Việc tự thỏa thuận phải đảm bảo các điều kiện ràng buộc về quyền và nghĩa vụ của các bên khi vi phạm sự tự thỏa thuận. Khi các bên không thể tự thỏa thuận (hòa giải) hoặc đã thỏa thuận được nhưng đương sự đã thay đổi ý kiến trong thời hạn nhất định thì Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, tuỳ từng trường hợp, Toà án ra một trong các quyết định sau đây: Công nhận sự thoả thuận của các đương sự; Tạm đình chỉ giải quyết vụ án; Đình chỉ giải quyết vụ án; Đưa vụ án ra xét xử.

Trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được gửi cho các đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp ngay sau khi ra quyết định.

KHÁNG CÁO VÀ XÉT XỬ PHÚC THẨM

Căn cứ theo Điều 237 BLTTDS:

1.Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.

2.Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này.

3.Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.

Lưu ý:

1.Kháng cáo quá thời hạn quy định tại Điều 273 của Bộ luật này là kháng cáo quá hạn. Sau khi nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm.

2.Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn phải có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và người kháng cáo quá hạn. Trường hợp người kháng cáo, Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.

3.Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc kháng cáo quá hạn, ý kiến của người kháng cáo quá hạn, đại diện Viện kiểm sát tại phiên họp, Hội đồng xét kháng cáo quá hạn quyết định theo đa số về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định. Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định cho người kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát cùng cấp; nếu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận việc kháng cáo quá hạn thì Tòa án cấp sơ thẩm phải tiến hành các thủ tục do Bộ luật này quy định.

THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CÓ HIỆU LỰC

Khi bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự đã có hiệu lực mà bị đơn, người có nghĩa vụ liên quan (người phải thi hành án) không tự nguyên thi hành, Nguyên đơn cần làm thủ tục yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Thủ tục thi hành án thực hiện theo Luật thi hành án dân sự hiện hành

5.ÁN PHÍ

Xem thêm tại:http://luat3s.com/muc-thu-an-phi-le-phi-toa-an-nam-2021/

Trên đây là ý kiến tư vấn sơ bộ của Luật 3S dựa trên quy định pháp luật hiện hành tại thời điểm tư vấn. Để được tư vấn chi tiết, giải quyết cho từng trường hợp cụ thể, quý khách hàng vui lòng gọi hotline: 0363.38.34.38 hoặc gửi email: info.luat3s@gmail.com để được Luật sư tư vấn chi tiết.

 

Tin tức liên quan