10

Th6

QUYỀN YÊU CẦU THI HÀNH ÁN TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

Thông thường, khi bản án, quyết định dân sự được thi hành thì căn cứ vào bản án, quyết định đó, các đương sự sẽ tự nguyện thi hành các quyền, nghĩa vụ thi hành án của họ. Ngoài ra, pháp luật cũng cho phép Đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội [1]. Tuy nhiên, nếu bên phải thi hành án không tự nguyện thi hành hoặc không thực hiện đúng thỏa thuận về thi hành án thì người được thi hành án có thể căn cứ vào bản án, quyết định yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án đối với phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định [2].

Về đối tượng được yêu cầu thi hành án dân sự

Khoản 1 Điều 4 Nghị định 62/2015/NĐ-CP nêu rõ, đương sự là người có quyền yêu cầu thi hành án trong thời hiệu yêu cầu thi hành án. Trong đó, đương sự là người được thi hành án và người phải thi hành án [3].

– Người được thi hành án: Cá nhân, cơ quan được hưởng quyền, lợi ích khi bản án hoặc quyết định của Toà án được thi hành [4].

– Người phải thi hành án: Cá nhân, tổ chức phải thực hiện những nghĩa vụ được đề cập đến trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật [5].

Ngoài ra, thời hiệu thi hành án là thời hạn mà người được thi hành, người phải thi hành được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án. Nếu thời hạn này hết thì người đó sẽ mất quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thi hành án.

Về thời hiệu yêu cầu thi hành án

Người thi hành án phải yêu cầu thi hành án trong thời hiệu thi hành án theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự, cụ thể:

(i) Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.

(ii) Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

(iii) Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.

(iv) Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án. Trong đó:

– Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi hình thức, chuyển giao bắt buộc, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn [6].

– Sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa [7].

Theo đó, nếu trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến việc không thể yêu cầu thi hành án trong thời hiệu theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự thì đương sự có quyền đề nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu thi hành án quá hạn [8]. Việc yêu cầu thi hành án quá hạn được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự, nêu rõ lý do, kèm theo tài liệu chứng minh lý do không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn [9]. các tài liệu chứng minh được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 4 Nghị định 62/2015/NĐ-CP.

Về thủ tục yêu cầu thi hành án

Căn cứ theo Điều 31 Luật Thi hành án dân sự, Đương sự có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan. Ngày yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.

Đơn yêu cầu phải có các nội dung sau đây: a) Tên, địa chỉ của người yêu cầu; b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu; c) Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án; d) Nội dung yêu cầu thi hành án; đ) Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có; e) Ngày, tháng, năm làm đơn; g) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân, nếu có.

Trường hợp người yêu cầu trực tiếp trình bày bằng lời nói thì cơ quan thi hành án dân sự phải lập biên bản có các nội dung quy định về đơn yêu cầu thi hành án, có chữ ký của người lập biên bản; biên bản này có giá trị như đơn yêu cầu.

Khi tiếp nhận yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra nội dung yêu cầu và các tài liệu kèm theo, vào sổ nhận yêu cầu thi hành án và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu.

Cơ quan thi hành án dân sự từ chối yêu cầu thi hành án và phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Người yêu cầu không có quyền yêu cầu thi hành án hoặc nội dung yêu cầu không liên quan đến nội dung của bản án, quyết định; bản án, quyết định không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự theo quy định của Luật này;

b) Cơ quan thi hành án dân sự được yêu cầu không có thẩm quyền thi hành án;

c) Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án.

Về cơ quan tiếp nhận yêu cầu thi hành án dân sự

Căn cứ Điều 35 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi năm 2014, thẩm quyền thi hành án thuộc về cơ quan thi hành án cấp huyện (Chi cục thi hành án dân sự) hoặc cơ quan thi hành án cấp tỉnh (Cục thi hành án dân sự). Trong đó:

(i) Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có thẩm quyền thi hành án đối với:

– Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở;

– Bản án, quyết định phúc thẩm của Toà án cấp tỉnh với bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có trụ sở.

– Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Toà án cấp cao với bản bản, quyết định của Toà án cấp huyện đã có hiệu lực nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở.

– Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nơi khác hoặc cấp tỉnh hoặc cấp quân khu uỷ thác.

(ii) Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành án đối với:

– Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp tỉnh cùng địa bàn; của Toà án nhân dân cấp cao; của Toà án nước ngoài hoặc do cơ quan thi hành án dân sự nơi khác và cấp quân khu uỷ thác hoặc của cấp huyện nếu thấy cần thiết lấy lên để thi hành.

– Quyết định của Toà án nhân dân tối cao chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.

– Quyết định của Trọng tài nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Việt hoặc phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại…

 

Cơ sở pháp lý áp dụng:

[1] Khoản 1 Điều 6 Luật Thi hành án dân sự

[2] Khoản 1 Điều 6, Điều 7 Luật Thi hành án dân sự

[3] Khoản 1 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự

[4] Khoản 2 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự

[5] Khoản 3 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự

[6] Điểm a Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự

[7] Điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự

[8] Khoản 2 Điều 4 Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự

[9] Khoản 4 Điều 4 Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan