24

Th10

THỜI HIỆU KHỞI KIỆN TRONG TRANH CHẤP YÊU CẦU CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Tranh chấp thừa kế diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam, trong đó, một vấn đề rất được chú trọng trong các vụ án thừa kế chính là thời hiệu khởi kiện, việc xác định một di sản còn thời hiệu yêu cầu chia di sản hay không tác động rất lớn đến quyền lợi của các người thừa kế. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau đây để hiểu thêm chế định về thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp yêu cầu chia di sản thừa kế.

1. Thời hiệu khởi kiện là gì?

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Theo quy định tại Điều 149 BLDS và Điều 181 BLTTDS thì Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.

2. Các quy định liên quan đến thời hiệu khởi kiện

Thứ nhất, những trường hợp không áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện

Theo quy định tại Điều 155 của BLDS năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:

Một là, yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.

Hai là, yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Ba là, tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.

Bốn là, trường hợp khác do luật quy định.

Thứ hai, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện 

Theo quy định tại Điều 156 của BLDS năm 2015 quy định thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

(i) Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

Trong đó, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;

(ii) Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

(iii) Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây:

– Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân;

– Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.

Thứ ba, trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự

Căn cứ theo Điều 157 BLDS năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:

Một là, Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

Hai là, Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

Ba là, Các bên đã tự hòa giải với nhau.

Lưu ý: Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện theo các trường hợp nêu trên.

3. Thời hiệu trong tranh chấp yêu cầu chia di sản thừa kế

Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật dân sự;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a nói trên.

Căn cứ theo Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày theo xác định của Tòa án tuyên bố. Theo đó, tùy vào thời điểm mở thừa kế mà việc xác định thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế cũng phát sinh thay đổi khác nhau. Cụ thể, đối với những trường hợp mở thừa kế trước ngày 01/01/2017 (Ngày có hiệu lực của Bộ luật dân sự 2015) thì cần căn cứ các quy định như sau:

– Tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 về điều khoản chuyển tiếp quy đinh: “1. Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực (01/01/2017) thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau: d) Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này”.

– Tại khoản 1 mục III Văn bản số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016 của TAND Tối cao giải đáp một số vấn đề về hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự, có giải đáp:

“Khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015 quy định thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Quy định này có áp dụng đối với trường hợp thời điểm mở thừa kế trước ngày 01-01-2017 (ngày BLDS năm 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành) hay không?

Điểm d khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015 quy định: đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực thì “Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này”. Như vậy, kể từ ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực thi hành, Tòa án áp dụng quy định tại Điều 623 BLDS năm 2015 để xác định thời hiệu đối với trường hợp thời điểm mở thừa kế trước ngày 01-01-2017. Tuy nhiên, cần lưu ý quy định tại khoản 2 Điều 688 BLDS năm 2015: “Không áp dụng Bộ luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự trước ngày Bộ luật này có hiệu lực”.

– Tại Phần I văn bản số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân Tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, hướng dẫn về dân sự:

“Trường hợp người để lại di sản thừa kế chết trước năm 1987 mà hiện nay Tòa án mới thụ lý, giải quyết tranh chấp thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được xác định như thế nào?

Kể từ ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính thì từ ngày 01-01-2017, Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thời hiệu thừa kế để thụ lý, giải quyết vụ án dân sự “Tranh chấp về thừa kế tài sản”. Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế.

Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10-9-1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10-9-1990.

Khi xác định thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 01-7-1991 và di sản là nhà ở thì thời gian từ ngày 01-7-1996 đến ngày 01-01-1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia; thời gian từ ngày 01-7-1996 đến ngày 01-9-2006 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia”.

Theo Án lệ số 26/2018/AL “về xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu và thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản”, được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 17/10/2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06/11/2018 của Chánh án TANDTC, cùng với Điều 623, Điều 688 của BLHS 2015, Điều 36 Thời hiệu khởi kiện về thừa kế của Pháp lệnh Thừa kế, số 44-LCT/HD9NN8, ngày 30/8/1990.

Theo Án lệ 26 ghi nhận ở phần “Tình huống án lệ: Người để lại di sản thừa kế là bất động sản chết trước ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế ngày 30-8-1990. Tại thời điểm Tòa án xét xử sơ thẩm, Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 đang có hiệu lực pháp luật.

Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế ngày 30-8-1990. Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13”. Dựa trên Án lệ sẽ áp dụng thời hiệu 30 năm đối với bất động sản mà thời điểm mở thừa kế trước ngày BLDS 2015 có hiệu lực (ngày 1/1/2017), và thời điểm bắt đầu tính thời hiệu thừa kế là ngày công bố Pháp lệnh thừa kế (ngày 10/9/1990). Như vậy, tính lại thời điểm bắt đầu là ngày công bố pháp lệnh ngày 10/9/1990, theo quy định tại khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017), thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Từ các căn cứ trên, việc xác định thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được xác định như sau:

(i) Nếu thời điểm mở thừa kế từ 01/07/2017 trở về sau: Thì áp dụng Điều 623 BLDS năm 2015: Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là 30 năm đối với bất động sản

(ii) Thời điểm mở thừa kế từ ngày 10/9/1990 đến trước ngày 01/01/2017: Thì áp dụng Điều 623; Điều 688 BLDS năm 2015, thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là 30 năm đối với bất động sản;

(iii) Thời điểm mở thừa kế trước ngày 10-9-1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: thời hiệu khởi kiện là 30 năm đối với di sản thừa kế là bất động sản được tính từ ngày 10-9-1990.

Trong đó không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với các mốc thời gian sau:

– Thời điểm mở thừa kế trước ngày 01-7-1991 và di sản là nhà ở thì thời gian từ ngày 01-7-1996 đến ngày 01-01-1999 đối với trường hợp thừa kế không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia;

– Thời gian từ ngày 01-7-1996 đến ngày 01-9-2006 đối với trường hợp thừa kế có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan