21

Th6

Thủ tục thành lập Trung tâm Ngoại ngữ

Thành lập trung tâm ngoại ngữ là một nhu cầu cấp thiết khi ngoại ngữ ngày càng giữ một vai trò hết sức quan trọng trong việc hội nhập, xóa bỏ các rào cản giữa các quốc gia, khu vực với nhau. Nhằm hỗ trợ Quý khách trong việc tìm hiểu các thông tin, thủ tục thành lập các loại trung tâm này, Luật 3S xin cung cấp cho Quý khách bài tư vấn quy định về thành lập trung tâm ngoại ngữ.

I.CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật Giáo dục năm 2019

– Nghị định 84/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật giáo dục

– Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục

– Nghị định135/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 46/2017/NĐ-CP

– Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học

II.ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ

1.Đối tượng có quyền thành lập trung tâm ngoại ngữ

Theo Điều 2, Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Trung tâm ngoại ngữ (ban hành kèm theo Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT ngày 21/08/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì căn cứ theo loại đối tượng thành lập trung tâm ngoại ngữ, có 3 hình thức trung tâm ngoại ngữ:

– Trung tâm ngoại ngữ do Nhà nước thành lập;

– Trung tâm ngoại ngữ do tổ chức, cá nhân trong nước thành lập;

– Trung tâm ngoại ngữ do cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài góp vốn toàn bộ hoặc một phần thành lập;

Như vậy, cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự, tổ chức kinh tế, xã hội, xã hội nghề nghiệp được thành lập hợp pháp hoàn toàn có thể tự mình thành lập trung tâm ngoại ngữ để kinh doanh.

2.Điều kiện để trung tâm ngoại ngữ hoạt động giáo dục

Điều kiện để trung tâm ngoại ngữ hoạt động giáo dục được quy định tại điều 48 Nghị định 46/2017 sửa đổi bổ sung bởi nghị định 135/2018.

– Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn theo quy định, đáp ứng yêu cầu hoạt động của trung tâm.

– Có cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, tài liệu dạy học, nguồn kinh phí phù hợp, bảo đảm chất lượng giáo dục theo kế hoạch xây dựng, phát triển và quy mô hoạt động của trung tâm.

3.Điều kiện đối với người quản lý trung tâm ngoại ngữ

a) Giám đốc trung tâm là người trực tiếp quản lý, Điều hành tổ chức, bộ máy và chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan quản lý cấp trên về mọi hoạt động của trung tâm.

Giám đốc trung tâm ngoại ngữ phải đáp ứng các điều kiện sau:

+Có nhân thân tốt;

+Có năng lực quản lý;

+Tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ ngoại ngữ tối thiểu bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương

+Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

b) Giám đốc trung tâm được cấp có thẩm quyền thành lập trung tâm bổ nhiệm. Cấp có thẩm quyền cho phép thành lập trung tâm quyết định công nhận giám đốc (đối với trung tâm tư thục và trung tâm có vốn đầu tư nước ngoài). Nhiệm kỳ giám đốc trung tâm ngoại ngữ là 05 năm.

Căn cứ :Điều 6 Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT

4.Điều kiện đối với giảng viên của trung tâm ngoại ngữ

a) Giáo viên là người Việt Nam đủ Điều kiện dạy ngoại ngữ khi đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

– Có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên;

–  Có bằng cao đẳng ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

b) Giáo viên là người bản ngữ dạy ngoại ngữ (đối với từng ngoại ngữ cụ thể): Có bằng cao đẳng trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp

d)Giáo viên là người nước ngoài đủ Điều kiện dạy ngoại ngữ khi đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

– Có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên;

–  Có bằng cao đẳng ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp;

–  Có bằng cao đẳng trở lên, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ từ bậc 5 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp.

Căn cứ: Điều 18  Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT

III.THỦ TỤC THÀNH LẬP TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ

Căn cứ theo Điều 47 Nghị định số 46/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 20 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP như sau:

1.Thẩm quyền thành lập trung tâm ngoại ngữ :
a) Giám đốc đại học, học viện, hiệu trưởng trường đại học, trường cao đẳng sư phạm quyết định thành lập trung tâm ngoại ngữ trong khuôn viên nhà trường;
b) Người đứng đầu tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế được pháp luật cho phép thành lập các trung tâm đào tạo trực thuộc có thẩm quyền quyết định đối với các trung tâm ngoại ngữ trực thuộc;
c) Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập các trung tâm ngoại ngữ trực thuộc; cho phép thành lập các trung tâm ngoại ngữ, thuộc đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm nằm ngoài khuôn viên của trường và các trung tâm ngoại ngữ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

2.Hồ sơ gồm:
a) Tờ trình đề nghị thành lập trung tâm ngoại ngữ;
b) Đề án thành lập trung tâm ngoại ngữ gồm các nội dung: Tên trung tâm, địa điểm đặt trung tâm, sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc thành lập trung tâm; mục tiêu, nhiệm vụ của trung tâm; chương trình giảng dạy, quy mô đào tạo; cơ sở vật chất của trung tâm; cơ cấu tổ chức của trung tâm, sơ yếu lý lịch của người dự kiến làm Giám đốc trung tâm;
c) Dự thảo nội quy tổ chức hoạt động của trung tâm ngoại ngữ .

3.Trình tự thực hiện:
a) Tổ chức, cá nhân gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến người có thẩm quyền thành lập trung tâm ngoại ngữ;
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền thành lập trung tâm ngoại ngữ có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra theo quy định;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền quyết định thành lập, cho phép thành lập trung tâm ngoại ngữ quy định tại khoản 1 Điều này quyết định thành lập, cho phép thành lập nếu đủ điều kiện; nếu chưa quyết định thành lập thì có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân nêu rõ lý do.”

IV. THỦ TỤC ĐỂ TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC

Căn cứ theo Điều 49 Nghị định 46/2017 sửa đổi bổ sung bởi nghị định 135/2018.

1.Thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục:
a) Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép hoạt động giáo dục đối với trung tâm ngoại ngữ quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 47 Nghị định này;
b) Giám đốc đại học, học viện; hiệu trưởng trường đại học, trường cao đẳng quyết định cho phép hoạt động giáo dục đối với trung tâm ngoại ngữ hoạt động trong khuôn viên của trường.

2.Hồ sơ gồm:
a) Tờ trình đề nghị cấp phép hoạt động giáo dục;
b) Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu quyết định thành lập trung tâm do người có thẩm quyền cấp;
c) Nội quy hoạt động giáo dục của trung tâm;
d) Báo cáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, tài liệu dạy học; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; văn bản chứng minh về quyền sử dụng hợp pháp đất, nhà; nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động của trung tâm.”

3.Trình tự thực hiện:

a) Trung tâm ngoại ngữ gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này tiếp nhận hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đúng quy định thì thông báo bằng văn bản những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung cho trung tâm;

c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đúng quy định, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định trên thực tế khả năng đáp ứng các điều kiện theo quy định và ghi kết quả vào biên bản thẩm định;

d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả thẩm định, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này quyết định cho phép trung tâm hoạt động giáo dục. Nếu chưa quyết định cho phép hoạt động giáo dục thì có văn bản thông báo cho trung tâm nêu rõ lý do.

 

Trên đây là ý kiến tư vấn sơ bộ của Luật 3S dựa trên quy định pháp luật hiện hành tại thời điểm tư vấn. Để được tư vấn chi tiết, giải quyết cho từng trường hợp cụ thể, quý khách hàng vui lòng gọi hotline: 0363.38.34.38 hoặc gửi email: info.luat3s@gmail.com để được Luật sư tư vấn chi tiết.

 

Tin tức liên quan