18

Th9

THỦ TỤC YÊU CẦU HỦY BỎ NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG

Trong công ty cổ phần, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) được thông qua bởi cơ quan có quyết định cao nhất trong công ty, có trình tự thủ tục thông qua chặt chẽ. Tuy nhiên, không ít trường hợp Nghị quyết ĐHĐCĐ vi phạm quy định pháp luật về hình thức, nội dung làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông hoặc nhóm cổ đông. Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi của mình, cổ đông hoặc nhóm cổ đông công ty có thể yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết này.

1. Điều kiện thông qua nghị quyết của ĐHĐCĐ

Căn cứ theo Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020 được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 7 Luật sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự:

(i) Nghị quyết về nội dung sau đây được thông qua nếu được số cổ đông đại diện từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành, tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định:

– Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại;

– Thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh;

– Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty;

– Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác;

– Tổ chức lại, giải thể công ty;

– Vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định

(ii) Trừ các nội dung được nêu tại mục (i) nêu trên, các nghị quyết của ĐHĐCĐ được thông qua khi được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành, tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

(iii) Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, theo đó mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát và cổ đông có quyền dồn hết hoặc một phần tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên. Người trúng cử thành viên Hội đồng quản trị hoặc Kiểm soát viên được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số thành viên quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp có từ 02 ứng cử viên trở lên đạt cùng số phiếu bầu như nhau cho thành viên cuối cùng của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát thì sẽ tiến hành bầu lại trong số các ứng cử viên có số phiếu bầu ngang nhau hoặc lựa chọn theo tiêu chí quy định tại quy chế bầu cử hoặc Điều lệ công ty.

(iv) Trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua nếu được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông có quyền biểu quyết tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

(v) Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về nội dung làm thay đổi bất lợi quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi chỉ được thông qua nếu được số cổ đông ưu đãi cùng loại dự họp sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành hoặc được các cổ đông ưu đãi cùng loại sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành trong trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.

2. Hiệu lực của nghị quyết của ĐHĐCĐ

Theo quy định tại khoản 5 Điều 148 và Điều 152 Luật Doanh nghiệp 2020, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông có hiệu lực kể từ ngày được thông qua hoặc từ thời điểm có hiệu lực ghi tại nghị quyết đó. Kể từ ngày được thông qua, Nghị quyết ĐHĐCĐ phải được thông báo đến cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 15 ngày. Trường hợp công ty có trang thông tin điện tử, việc gửi nghị quyết có thể thay thế bằng việc đăng tải lên trang thông tin điện tử của công ty.

3. Quyền yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết ĐHĐCĐ

Căn cứ theo Điều 151 Luật Doanh nghiệp 2020, Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu hủy bỏ một hoặc toàn bộ Nghị quyết của ĐHĐCĐ nếu thuộc một trong hai trường hợp sau đây:

Một là, trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty.

Như vậy, trường hợp này cần được hiểu là không phải bất cứ trường hợp nào vi phạm về trình tự, thủ tục họp Đại hội đồng cổ đông cũng đều là căn cứ để yêu cầu hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần nghị quyết ĐHĐCĐ, mà chỉ những trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật hoặc Điều lệ công ty. Hiện nay, luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn chưa quy định hướng dẫn rõ thế nào là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty. Do đó, việc đánh giá vấn đề này khi có yêu cầu hoặc tranh chấp về việc yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết ĐHĐCĐ vẫn phải phụ thuộc vào quan điểm và nhận định riêng của cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy nghị quyết Đại hội đồng cổ đông.

Ngoài ra, cần lưu ý thêm trường hợp, mặc dù biết có vi phạm về hình thức, thủ tục triệu tập cuộc họp theo quy định của pháp luật hoặc điều lệ công ty nhưng nghị quyết đã được thông qua bởi 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thì Nghị quyết vẫn được xem là hợp pháp và có hiệu lực ngay, cổ đông, nhóm cổ đông không được quyền yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết trong trường hợp này.

Hai là, nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty.

4. Thời hạn yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết ĐHĐCĐ

Về mặt thời hạn để cổ đông, nhóm cổ đông thực hiện quyền yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết ĐHĐCĐ của mình thì Luật doanh nghiệp 2020 quy định quyền này được thực hiện trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày cổ đông, nhóm cổ đông nhận được nghị quyết hoặc biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông. Nếu quá thời hạn này mà cổ đông không có yêu cầu thì mặc nhiên nghị quyết được xem là hợp pháp và không thể yêu cầu hủy bỏ theo quy định pháp luật.

5. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết

Về cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết ĐHĐCĐ, Luật doanh nghiệp 2020 quy định chỉ có Trọng tài hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết.

Theo quy định Điều 31 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã xác định yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông là yêu cầu về kinh doanh, thương mại và sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng đối với việc dân sự.

Về phía Trọng tài thì hiện nay, việc thụ lý yêu cầu này còn gặp khá nhiều khó khăn. Theo nguyên tắc của Luật trọng tài, để lựa chọn trọng tài giải quyết về yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết của ĐHĐCĐ thì đòi hỏi Điều lệ công ty phải có đề cập đến trọng tài hoặc ít nhất là phải đạt được thỏa thuận của các bên về việc áp dụng trọng tài để giải quyết yêu cầu này và phải xác định được yêu cầu về hủy quyết định của ĐHĐCĐ là một tranh chấp thương mại. Tuy nhiên, việc áp dụng trọng tài để giải quyết yêu cầu này chưa được áp dụng rộng rãi cũng như còn vướng phải nhiều tranh cãi về phía thẩm quyền. Do đó phán quyết của trọng tài đối với yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết ĐHĐCĐ có thể bị Tòa án tuyên hủy.

Vì vậy, khi phát sinh yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết của ĐHĐCĐ, các bên nên ưu tiên chọn Tòa án để giải quyết nhằm tránh các rủi ro do pháp lý nêu trên

Lưu ý: Trong thời gian cổ đông, nhóm cổ đông yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông theo quy định thì nghị quyết đó vẫn có hiệu lực thi hành cho đến khi quyết định hủy bỏ nghị quyết đó của Tòa án, Trọng tài có hiệu lực, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

6. Trình tự thủ tục yêu cầu Tòa án hủy bỏ Nghị Quyết ĐHĐCĐ

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết ĐHĐCĐ

Hồ sơ để yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết ĐHĐCĐ bao gồm các tài liệu sau đây:

a) Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự (về việc hủy một phần hoặc toàn bộ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông)

b) Giấy tờ chứng thực pháp lý của cổ đông, nhóm cổ đông

c) Giấy tờ chứng thực pháp lý của cổ đông, nhóm cổ đông

d) Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông công ty bị yêu cầu hủy

đ) Tài liệu chứng minh Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông vi phạm quy định của Luật doanh nghiệp, điều lệ công ty

Bước 2: Gửi hồ sơ đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền thụ lý:

Căn cứ theo khoản 1 Điều 31, điểm c khoản 2 Điều 35, điểm u khoản 2 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có trụ sở của doanh nghiệp có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

Bước 3: Tòa án xem xét thụ lý và giải quyết yêu cầu

Thời hạn xét đơn yêu cầu: 01 tháng kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu. Trong thời hạn này, trường hợp xét thấy tài liệu, chứng cứ đã đủ căn cứ giải quyết thì Tòa án ra Quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Tòa án phải mở phiên họp để xét đơn yêu cầu.

Tại phiên họp xét đơn yêu cầu, khi có đủ các điều kiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật khác có liên quan thì Tòa án chấp nhận đơn và ra quyết định hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ công ty cổ phần. Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông chấm dứt hiệu lực thi hành kể từ ngày Quyết định hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông có hiệu lực pháp luật.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan