13

Th7

TỘI SỬ DỤNG  TRÁI PHÉP TÀI SẢN THEO ĐIỀU 177 BLHS

Theo quy định của pháp luật, hành vi sử dụng tài sản của người khác khi không được sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản có thể cấu thành tội “sử dụng trái phép tài sản” được quy định tại BLHS 2015. Vậy các yếu tố cấu thành tội phạm và hình phạt đối với loại tội phạm này được quy định như thế nào? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Tại khoản 1, Điều 177, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định như sau:

“Điều 177. Tội sử dụng trái phép tài sản

1. Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 219 và Điều 220 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

b) Tài sản là bảo vật quốc gia;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội sử dụng trái phép tài sản trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, căn cứ quy định trên đây thì có thể xác định cấu thành tội phạm của Tội sử dụng trái phép tài sản cụ thể như sau:

* Về mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện bên ngoài của tội phạm, bao gồm: hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả của hành vi nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, công cụ, phương tiện, hoàn cảnh phạm tội… Thông qua biểu hiện bên ngoài ở mặt khách quan của tội phạm có thể đánh giá được tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm.

Theo đó, mặt khách quan của tội sử dụng trái phép tài sản thể hiện bởi hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác, là hành vi khai thác công dụng hưởng hoa lợi, lợi tức tài sản của người khác một cách trái phép. Trong đó: hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại; lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 177 BLHS 2015, thì hành vi sử dụng trái phép tài sản bị coi là phạm tội khi thuộc một trong các trường hợp sau:

Một là, phạm tội sử dụng trái phép tài sản do tài sản bị sử dụng trái phép có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Về mức xử phạt hành chính: Người có hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng – 5.000.000 đồng (theo điểm đ, khoản 2, Điều 15, Nghị định 144/2021). Đồng thời, người này bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép.

Hai là, phạm tội sử dụng trái phép tài sản do tài sản bị sử dụng trái phép có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Ba là, phạm tội sử dụng trái phép tài sản dưới 100.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 219 và Điều 220 của BLHS 2015.

Các trường hợp nêu trên chỉ bị coi là phạm tội sử dụng trái phép tài sản khi hành vi đó không thuộc trường hợp vi phạm quy định về: quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 219 và Điều 220 BLHS 2015.

* Về mặt chủ quan của tội phạm

Mặt chủ quan của tội phạm là những biểu hiện tâm lý bên trong của tội phạm được phản ánh qua hình thức động cơ, mục đích của tội phạm. Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm: Lỗi cố ý trực tiếp; Lỗi cố ý gián tiếp; Lỗi vô ý vì quá tự tin; Lỗi vô ý do cẩu thả.

Trong đó, tội sử dụng trái phép tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ mình không có quyền sử dụng tài sản đó nhưng vẫn cố tình sử dụng tài sản đó một cách trái phép.

Về mục đích: Hành vi này mang mục đích vụ lợi (lợi ích vật chất cho cá nhân hoặc một nhóm người nào đó). Đây là yếu tố bắt buộc của mặt chủ quan cấu thành tội này.

* Về mặt chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm là người thực hiện hành vi phạm tội. Người phạm tội (chủ thể của tội phạm) phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định mà Bộ luật hình sự quy định đối với mỗi loại tội phạm.

Chủ thể của tội sử dụng trái phép tài sản quy định tại Điều 177 BLHS 2015 là người đủ 16 tuổi trở lên có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

* Về mặt khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại. Nếu quan hệ xã hội không bị xâm hại thì không có hành vi nguy hiểm cho xã hội và tất yếu không có tội phạm. Do đó, khi đề cập đến tội phạm thì trước tiên cần phải xác định quan hệ xã hội mà Bộ luật hình sự bảo vệ bị xâm hại.

Trong đó, khách thể của tội Sử dụng trái phép tài sản là quyền sở hữu tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản, bao gồm những loại tài sản không tiêu hao trong quá trình sử dụng.

* Về mức xử lý hình sự

Theo Điều 177 BLHS 2015 sửa đổi 2017, tội sử dụng trái phép tài sản bị xử lý theo các khung hình phạt từ giảm nhẹ cho đến tăng nặng như sau:

– Khung thứ nhất:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng – 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng – 02 năm với hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác nếu sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015 và Điều 220 Bộ luật Hình sự 2015.

– Khung thứ hai:

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng – 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 – 05 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

+ Tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng – dưới 1,5 tỉ đồng;

+ Tài sản là bảo vật quốc gia;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+Tái phạm nguy hiểm.

– Khung thứ ba:

Phạt tù từ 03 – 07 năm nếu phạm tội “Sử dụng trái phép tài sản” trị giá 1,5 tỉ đồng trở lên.

Ngoài ba khung hình phạt nêu trên, tội này còn có hình phạt bổ sung là: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng – 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm.

* Về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội sử dụng trái phép tài sản

Căn cứ vào Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự: Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong đó, Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Theo quy định tại Điều 9 BLHS 2015, sửa đổi 2017 quy định về phân loại tội phạm như sau:

“1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:

a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;

c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;

d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình….”

Như vậy, đối chiếu với Điều 177 BLHS 2015 thì tùy vào khung hình phạt được áp dụng đối với tội này mà sẽ có thời hiệu truy cứu trách nhiệm khác nhau. Cụ thể:

– Nếu phạm tội sử dụng trái phép tài sản bị áp dụng hình phạt tại khung thứ nhất theo Điều 177 BLHS 2015 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội này là: 05 năm.

Tương tự, nếu áp dụng từ khung thứ 2 trở lên bị phạt tù từ trên 03 đến 05 năm từ thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội này là: 10 năm

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan