23

Th10

TRANH CHẤP QUYỀN NUÔI DƯỠNG, CHĂM SÓC CHA MẸ

Khoản 2 Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình quy định rõ: “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.” Như vậy, việc phụng dưỡng cha mẹ, đặc biệt là khi ốm đau, bệnh tật không chỉ thể hiện sự hiếu thảo, yêu thương từ con cái mà đây còn là nghĩa vụ bắt buộc đối với mỗi người. Do đó, việc giải quyết các vấn đề về nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ cũng được pháp luật chú trọng.

Hiện nay, ngoài thực trạng con cái đùn đẩy trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ thì việc cha mẹ có nhiều con nhưng không thống nhất được việc nuôi dưỡng, dẫn đến một trong các người con khởi kiện những người con còn lại để được quyền giành nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ. Vậy việc khởi kiện này sẽ được Tòa án giải quyết như thế nào?

Về mặt quy định pháp luật

Căn cứ theo Điều 28, Điều 29 BLTTDS 2015 quy định về những yêu cầu, tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như sau:

“Điều 28. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.

2. Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

3. Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

4. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.

5. Tranh chấp về cấp dưỡng.

6. Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

7. Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật.

8. Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Điều 29. Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

1. Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.

2. Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.

3. Yêu cầu công nhận thỏa thuận của cha, mẹ về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn hoặc công nhận việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

4. Yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn.

5. Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.

6. Yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.

7. Yêu cầu công nhận thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án.

8. Yêu cầu tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.

9. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.

10. Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

11. Các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.”

Như vậy theo quy định trên thì BLTTDS chưa có quy định về việc giải quyết của Tòa án trong quan hệ tranh chấp hoặc yêu cầu về quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ. Tuy nhiên, các bên có quyền và nghĩa vụ liên quan vẫn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp nếu thỏa các điều kiện khởi kiện theo các quy định và nguyên tắc chung của BLTTDS và các văn bản hướng dẫn thi hành bao gồm:

Thứ nhất, về chủ thể khởi kiện, theo Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Ngoài ra, theo điều 187 BLTTDS 2015, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Trong đó, việc chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền của con cái theo quy định tại khoản 2 Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình. Do đó, nếu một trong các người con bị xâm phạm về quyền nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ hoặc khi họ nhận thấy những người con còn lại không chăm sóc tốt cho cha mẹ thì họ có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Bên cạnh đó, chủ thể khởi kiện phải có đủ năng lực hành vi dân sự theo Điều 69 BLTTDS 2015, cụ thể:

– Năng lực pháp luật tố tụng dân sự là khả năng có các quyền, nghĩa vụ trong tố tụng dân sự do pháp luật quy định. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực pháp luật tố tụng dân sự như nhau trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

– Năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự.

– Đương sự là người từ đủ mười tám tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, trừ người mất năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác.

Thứ hai, vụ án khởi kiện phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

Thẩm quyền của Tòa án trong vụ án dân sự chia thành 3 loại:

– Thẩm quyền theo loại vụ việc: Những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại các Điều 26, 28, 30, 32 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện.

– Thẩm quyền theo cấp: Thẩm quyền theo cấp của Tòa án được quy định cụ thể tại các Điều 35, 36, 37, 38 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và chia theo 4 cấp:

+ Tòa án nhân dân cấp huyện;

+ Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp huyện;

+ Tòa án nhân dân cấp tỉnh;

+ Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

– Thẩm quyền theo lãnh thổ: Thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án được quy định cụ thể tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Như vậy, đối với yêu cầu khởi kiện về tranh chấp nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ, đương sự sẽ nộp đơn yêu cầu giải quyết tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú và làm việc.

Thứ ba, vụ án phải còn trong thời hiệu khởi kiện

Theo Điều 154, 155 Bộ luật Dân sự 2015, Điều 184 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự quy định như sau:

– Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

– Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:

+ Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.

+ Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp có quy định khác.

+ Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.

+ Trường hợp khác do luật quy định.

– Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.

Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.

Căn cứ theo Điều 39 BLDS 2015 quy định về quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình:

“Điều 39. Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình

1. Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình.

Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha, mẹ của mình.

2. Cá nhân thực hiện quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình theo quy định của Bộ luật này, Luật hôn nhân và gia đình và luật khác có liên quan.”

Như vậy, đối với tranh chấp liên quan đến quyền nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Thứ tư, sự việc chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật

Chủ thể khởi kiện được quyền khởi kiện nếu vụ án chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật.

Theo điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, nếu sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện trong, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn đối với: Yêu cầu ly hôn; Yêu cầu thay đổi nuôi con; Thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại; Yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, Vụ án đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại.

Như vậy, tương tự yêu cầu thay đổi nuôi con, nếu việc tranh chấp về quyền nuôi dưỡng chăm sóc cha mẹ đã được giải quyết bằng một bản án có hiệu lực của Tòa án thì đương sự vẫn được quyền nộp đơn khởi kiện lại để yêu cầu thay đổi quyền nuôi dưỡng chăm sóc cha mẹ nếu đủ các căn cứ yêu cầu theo quy định.

Cuối cùng về cơ sở cho việc yêu cầu khởi kiện, bất cứ trường hợp nào khi khởi kiện, đương sự đều phải chứng minh được rằng yêu cầu của mình là hợp pháp. Tức là phải xác định và chứng minh được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm như thế nào? Ví dụ nguyên đơn cần chứng minh được rằng, bị đơn không nuôi dưỡng tốt cho cha mẹ, không hiếu thảo là vi phạm nghĩa vụ của con nên nguyên đơn có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cha mẹ. Đồng thời, bên bị đơn không cho bên nguyên đơn thăm, chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ là xâm phạm đến quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ của nguyên đơn.

Về mặt thực tiễn

Thực tế đã có Tòa án giải quyết vấn đề tranh chấp về quyền nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ. Đơn cử như bản án Bản án số 27/2023/HNGĐ-ST ngày 29 tháng 9 năm 2023 của Toà án nhân dân huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi về tranh chấp quyền được chăm sóc nuôi dưỡng mẹ. Theo đó, nội dung vụ án thể hiện: “Năm nay cụ K đã 86 tuổi, thuộc trường hợp người cao tuổi, bị “lẫn”, lúc nhớ, lúc quên và cụ K bị bệnh tiểu đường, bệnh dạ dày nên thuộc trường hợp ốm đau, già yếu”. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, khoản 2 Điều 70 quy định “Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình”. Khoản 2 Điều 71 quy định “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ”. Như vậy, theo quy định nêu trên thì các con phải có nghĩa vụ và có quyền chăm sóc nuôi dưỡng.

Bên nguyên đơn cho rằng bị đơn không nuôi dưỡng tốt mẹ, không hiếu thảo là vi phạm nghĩa vụ của con nên nguyên đơn có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mẹ. Đồng thời, bên bị đơn không cho bên nguyên đơn thăm, chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ là xâm phạm đến quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ của nguyên đơn. Còn bị đơn cho rằng bị đơn mới có đủ điều kiện chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già.

Trước tình huống này, Tòa án đã nhận định: “Hiện cụ K tuổi đã cao, già yếu, ốm đau, vì vậy cần xác định cho mỗi bên đương sự nuôi dưỡng mẹ là cụ K trong thời gian 06 tháng, sau đó hai bên đương sự luân phiên thay nhau để nuôi dưỡng mẹ (mỗi lần luân phiên nuôi dưỡng mẹ của một bên đương sự là 06 tháng), cho đến khi cụ K chết hoặc cho đến khi có sự thỏa thuận khác của các đương sự. Trong thời gian không trực tiếp nuôi dưỡng mẹ thì những người con còn lại thực hiện quyền và nghĩa vụ thăm nom, cấp dưỡng nuôi mẹ…”

Qua đó có thể thấy, Tòa án không đưa ra những lập luận và điều luật để chứng minh sự vi phạm về nghĩa vụ nuôi dưỡng, hiếu thảo, điều kiện nuôi dưỡng của bên nguyên đơn, hay của bên bị đơn để bác bỏ quyền của bên còn lại. Mà Tòa án đã lựa chọn giải quyết về quyền ngang nhau của con đối với cụ K. Quan điểm này của Tòa án là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật cũng như đảm bảo sự thấu tình đạt lý, đảm bảo cân bằng được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Tuy nhiên, việc khởi kiện tranh chấp về quyền nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ trên thực tế là không nhiều, và tùy từng vụ án cụ thể mà Tòa án sẽ đưa ra quan điểm giải quyết khác nhau dựa trên các tình tiết cụ thể của vụ án cũng như có thể căn cứ thêm các yếu tố về điều kiện thực tế hiện tại của cha, mẹ, điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc của những người con để quyết định giao cha mẹ cho người con nào nuôi hoặc các bên cùng phụng dưỡng, chăm sóc theo quan điểm của Tòa án Quảng Ngãi nêu trên.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan