18

Th5

Vụ án đang xem xét Giám đốc thẩm, đương sự có được hoãn thi hành án không?

Khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật nhưng bên có nghĩa vụ không tự nguyện thực hiện thì người được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định THADS và thi hành bản án này.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cơ quan THADS phải ra quyết định hoãn thi hành án. Một trong những trường hợp đó là cơ quan thi hành án nhận được văn bản yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Bài viết sau đây, Luật 3S sẽ làm rõ những quy định xung quanh vấn đề này!

 

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS 2015)

– Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2014 (Luật THADS)

 

II. GIÁM ĐỐC THẨM LÀ GÌ?

Giám đốc thẩm là việc xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ kháng nghị theo quy định BLTTDS 2015

Người có thẩm quyền kháng nghị Giám đốc thẩm bao gồm:

– Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

– Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

(Điều 331 BLTTDS 2015)

Căn cứ, điều kiện kháng nghị giám đốc thẩm

Theo quy định của khoản 1 Điều 326 BLTTDS năm 2015, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau:

1. Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật.

3. Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

Bên cạnh đó, BLTTDS năm 2015 còn quy định, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật khi hội đủ hai điều kiện sau:

Một là, có một trong những căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm được quy định tại khoản 1 Điều 326;

Hai là, phải có đơn đề nghị của đương sự về việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc có thông báo, kiến nghị của Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đối với việc vi phạm pháp luật của bản án, quyết định của Tòa án. Khi phát hiện bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có quyền kiến nghị đến người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Ngoài ra, BLTTDS năm 2015 còn quy định, Chánh án TAND cấp tỉnh kiến nghị Chánh án TAND cấp cao hoặc Chánh án TAND tối cao; Chánh án TAND cấp cao kiến nghị Chánh án TAND tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, đối với những bản án, quyết định làm xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba thì không cần có đơn đề nghị, người có thẩm quyền kháng nghị có quyền kháng nghị đối với các bản án, quyết định nêu trên.

Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

Thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm được quy định tại Điều 334 BLTTDS 2015, như sau:

“1. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có quyền kháng nghị trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng có các điều kiện sau đây thì thời hạn kháng nghị được kéo dài thêm 02 năm, kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị:

a) Đương sự đã có đơn đề nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 328 của Bộ luật này và sau khi hết thời hạn kháng nghị quy định tại khoản 1 Điều này đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị;

b) Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 326 của BLTTDS 2015, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó.”

Lưu ý: Đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của BLTTDS 2015 để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Nếu trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, đương sự phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định. (khoản 1 Điều 327 BLTTDS 2015).

 

III. HOÃN THI HÀNH ÁN LÀ GÌ?

Hoãn THADS được hiểu là chuyển việc thi hành bản án, quyết định dân sự sang thời điểm khác muộn hơn thời điểm đã định.

Căn cứ hoãn THADS

Việc hoãn thi hành án do Thủ trưởng Cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án quyết định bằng văn bản khi thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật TNADS như sau:

a) Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án;

b) Chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định;

c) Đương sự đồng ý hoãn thi hành án; việc đồng ý hoãn thi hành án phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của đương sự; trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác;

d) Tài sản để thi hành án đã được Tòa án thụ lý để giải quyết theo quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật THADS; tài sản được kê biên theo Điều 90 của Luật THADS nhưng sau khi giảm giá theo quy định mà giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm;

đ) Việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan THADS theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 170 và khoản 2 Điều 179 của Luật THADS;

e) Người được nhận tài sản, người được giao nuôi dưỡng đã được thông báo hợp lệ 02 lần về việc nhận tài sản, nhận người được nuôi dưỡng nhưng không đến nhận;

g) Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại Điều 54 của Luật THADS chưa thực hiện được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;

h) Tài sản kê biên không bán được mà người được thi hành án không nhận để thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 104 của Luật THADS.

Thời hạn hoãn THADS

Đối với các trường hợp hoãn thi hành án nêu trên thì pháp luật không quy định thời hạn tạm hoãn. Tuy nhiên, thời hạn này sẽ kết thúc khi các căn cứ tạm hoãn  nêu trên không còn.

Thủ trưởng cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định hoãn thi hành án trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ hoãn thi hành án nêu trên.

(Khoản 3 Điều 48 Luật THADS)

Thời điểm tiếp tục thi hành án đối với trường hợp được hoãn

Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định tiếp tục thi hành án, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi căn cứ hoãn thi hành án quy định tại khoản 1 Điều 48 luật THADS không còn;

(Khoản 4 Điều 48 Luật THADS)

Lưu ý:

– Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định hoãn thi hành án theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 48 Luật THADS trong trường hợp người phải thi hành án phải tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định.

– Trường hợp đương sự có tài sản khác ngoài trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 48 Luật THADS thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản đó để thi hành án.

(Điều 14 Nghị định 62/2015/NĐ-CP)

 

IV. ĐANG XEM XÉT KHÁNG NGHỊ GIÁM ĐỐC THẨM CÓ ĐƯỢC HOÃN THI HÀNH ÁN?

Căn cứ theo khoản 2 Điều 48 Luật THADS 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định:

“Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế. Trường hợp cơ quan thi hành án nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít hơn 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan THADS có quyền quyết định hoãn thi hành án khi xét thấy cần thiết.”.

Tại khoản 1 Điều 332 BLTTDS 2015 cũng có quy định: “Người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có quyền yêu cầu hoãn thi hành án bản án, quyết định để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”.

Như vậy, quy định trên đã quy định cụ thể, đầy đủ về hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị. Hay nói cách khác, vụ án đang được xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì đương sự có thể được hoãn thi hành án nếu như người có thẩm quyền kháng nghị có yêu cầu.

* Một số lưu ý đối với việc hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị

1. Về số lần được yêu cầu hoãn thi hành án: Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án (Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhấn dân cấp cao và Viện kiểm sát tương đương) chỉ được yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị nhằm tránh hậu quả không thể khắc phục được.

2. Về thời hạn tạm hoãn: Thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định không quá 03 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án.

3. Trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án.

4. Thời hạn để cơ quan thi hành án ra quyết định tạm hoãn theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị: khi nhận được yêu cầu của người có thẩm quyền, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra ngay quyết định hoãn thi hành án.

5. Thời điểm ra quyết định tiếp tục thi hành án trong trường hợp đã hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị: Khi hết thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật THADS hoặc khi nhận được văn bản trả lời của người có thẩm quyền kháng nghị về việc không có căn cứ kháng nghị thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định tiếp tục thi hành án.

 

V. NHỮNG BẤT CẬP KHI HOÃN THI HÀNH ÁN ĐỂ XEM XÉT KHÁNG NGHỊ GIÁM ĐỐC THẨM

1. Cần xem xét lại việc áp dụng quy định hoãn thi hành án trong giai đoạn xem xét kháng nghị.

Có thể thấy, việc hoãn thi hành án trong thời gian người có thẩm quyền kháng nghị xem xét để quyết định kháng nghị hay không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là cần thiết. Vì bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nếu có sai lầm, vi phạm thủ tục tố tụng của Tòa án trong việc giải quyết vụ việc dân sự nếu đưa ra thi hành sẽ dẫn tới hậu quả, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, quyền và lợi ích của người thứ ba. Đồng thời, việc hoãn thi hành bản án, quyết định để tránh hậu quả không thể khắc phục được. Vì nếu việc thi hành án đã được thực hiện xong, việc khôi phục hiện trạng ban đầu sẽ là rất khó khăn và tốn kém thời gian, chi phí.

Tuy nhiên, hiện nay các quy định pháp luật về thi hành án chưa có hướng dẫn cụ thể cho những trường hợp nào có thể phát sinh “hậu quả không thể khắc phục được”, mà phụ thuộc vào nhận định chủ quan của những người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Ngoài ra, cũng cần phải nhìn nhận rằng việc hoãn thi hành án sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án khi kéo dài thời gian thi hành án. Do đó, quy định này không nên được áp dụng một cách “tùy tiện” theo hướng cứ vụ án nào đương sự có đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì người có thẩm quyền đều yêu cầu hoãn thi hành án. Chỉ khi nào với những tình tiết hiện có, người có thẩm quyền kháng nghị nhận thấy có căn cứ để kháng nghị nhưng cần phải có thêm thời gian để xem xét đầy đủ hồ sơ vụ án thì mới áp dụng quy định nêu trên.

2. Về số lần tạm hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị.

Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm gồm: Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao hoặc Chánh án TAND Cấp cao và Viện kiểm sát tương đương (Điều 331 BLTTDS 2015). Theo đó, những người này chỉ được yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị. Vấn đề đặt ra là Luật THADS cũng không cụ thể trong việc mỗi chủ thể có thẩm quyền được yêu cầu hoãn một lần hay tất cả các chủ thể có thẩm quyền chỉ được yêu cầu hoãn một lần.

Tuy nhiên, xuất phát từ việc các cơ quan tòa án và viện kiểm sát hoạt động một cách độc lập nên mỗi chủ thể có quyền “riêng biệt” trong việc yêu cầu hoãn thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật THADS. Tức mỗi chủ thể có thẩm quyền kháng nghị được yêu cầu hoãn thi hành án một lần.

Để cho việc áp dụng quy định được thống nhất cũng như để các cơ quan có cơ sở để giải quyết vụ án, thi hành án một cách chính xác, thì cách hiểu này cần được hướng dẫn rõ trong một văn bản cụ thể.

3. Về thời hạn xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm và THADS.

Có thể thấy, cả BLTTDS 2015 tại khoản 1 Điều 332 và Luật THADS tại Điều 48  đều quy định rằng: “Người có thẩm quyền kháng nghị có quyền yêu cầu hoãn để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”. Điều này được hiểu rằng, chỉ khi có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm, thì người có thẩm quyền kháng nghị bản án có hiệu lực của Tòa án mới có công văn yêu cầu Thủ trưởng cơ quan THADS hoãn thi hành án.

Tuy nhiên, pháp luật cho phép thời hạn nộp đơn yêu cầu giám đốc thẩm của đương sự là 5 năm (nếu trong vòng 03 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, đương sự đã có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm nhưng sau khi hết thời hạn 03 năm đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 326 BLTTDS, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm đến lợi ích của cộng đồng, lợi ích của nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó..”

Khi các đương sự (bên bị thi hành án) nhận được bản án để khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm thì bên được thi hành án cũng đồng thời có bản án để yêu cầu được thi hành án. Vì thủ tục xem xét giám đốc thẩm thì cần phải tuân theo trình tự nhất định. Theo điểm đ khoản 1 Điều 15 Quyết định số 625/QĐ-CA ngày 06/09/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quy chế giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị, thông báo đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại Tòa án nhân dân thì thời hạn xem xét đơn của người có thẩm quyền đối với Vụ việc có văn bản yêu cầu hoãn thi hành án là không quá 06 tháng và 25 ngày do quá trình tiếp nhận và xử lý đơn, rút hồ sơ quy định tại Quy chế này (trên thực tế thường mất nhiều thời gian hơn) nên trong một số trường hợp Cơ quan THADS đã có quyết định thi hành bản án và thực hiện việc thi hành án, thậm chí có những vụ đã cưỡng chế thi hành án rồi mới có Công văn yêu cầu hoãn của người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm.

Tóm lại, để việc hoãn thi hành bản án dân sự phát huy đúng bản chất của quy định này nhằm đảm bảo vụ việc được xem xét thận trọng, đảm bảo quyền và lợi ích của nhà nước, của công dân và nhằm hạn chế hậu quả không thể khắc phục được khi vụ án đã được thi hành án, cũng như hoãn thi hành án được phát huy triệt để, đồng thời rà soát, hạn chế tối đa những vụ án tuyên không rõ ràng, án khó thi hành, thì đòi hỏi phải có văn bản hướng dẫn cụ thể các điểm còn bất cập nêu trên.

 

Nguồn: Tạp chí Tòa án

 

 

 

 

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan