04

Th8

BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM KÝ CƯỢC THEO BỘ LUẬT DÂN SỰ

Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là các biện pháp dự phòng do các bên chủ thể thỏa thuận để bảo đảm lợi ích của bên có quyền bằng cách cho các bên có quyền được xử lý những tài sản thuộc sở hữu của bên có nghĩa vụ để khấu trừ giá trị nghĩa vụ trong trường hợp nghĩa vụ đó bị vi phạm. Bộ luật dân sự 2015 ghi nhận 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong đó có biện pháp ký cược. Vậy ký cược là gì? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.

1. Ký cược là gì?

Căn cứ theo Điều 329 Bộ luật Dân sự 2015, Ký cược là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê. Trường hợp tài sản thuê được trả lại thì bên thuê được nhận lại tài sản ký cược sau khi trả tiền thuê; nếu bên thuê không trả lại tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền đòi lại tài sản thuê; nếu tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê.

Như vậy, ký cược là biện pháp bảo đảm được sử dụng trong trường hợp cho thuê tài sản là động sản. Đây là đặc điểm riêng chỉ có ở biện pháp Ký cược. Do đó, đối với các hoạt động cho thuê bất động sản, hay mua bán, trao đổi hay vay mượn tài sản thì các bên không thể giao kết hợp đồng ký cược để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà sẽ áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác như: Cầm cố, thế chấp…..

2. Đặc điểm của biện pháp ký cược

Theo quy định trên có thể thấy, ký cược là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phản ánh quan hệ giữa bên có tài sản là động sản với bên có nhu cầu thuê tài sản được thực hiện bằng hình thức bảo đảm là ký cược và đối tượng trong quan hệ bảo đảm này là “động sản”. Theo đó, quan hệ ký cược sẽ có những đặc điểm như sau:

Một là về chủ thể, trong quan hệ ký cược sẽ có 2 bên đó là bên ký cược và bên nhận ký cược trong đó bên ký cược thuê tài sản có thể là cá nhân hoặc pháp nhân mong muốn thuê động sản của bên nhận ký cược. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng chỉ có 2 bên trong quan hệ bảo đảm mà có thể có 3 bên như trong quan hệ thế chấp, theo đó bên nhận ký cược có thể đưa tài sản ký cược cho bên thứ ba nếu có sự đồng ý của bên nhận ký cược, lúc này quan hệ ký cược sẽ có 3 bên tham gia.

Hai là về hình thức giao dịch, BLDS 2015 không yêu cầu ký cược phải lập thành văn bản. Vì vậy, có thể hiểu ở biện pháp ký cược các bên có thể thoả thuận, tự do trong việc lựa chọn hình thức, các bên có thể thoả thuận bằng văn bản hoặc bằng lời nói. Tuy nhiên trên thực tế, để bảo đảm cho hợp đồng thuê tài sản là động sản cũng như xác định trách nhiệm, quyền lợi của các bên khi có tranh chấp thì khi ký cược các bên nên lập bằng văn bản.

Ba là về tài sản thuê: BLDS 2015 nêu rõ tài sản thuê trong ký cược là “động sản” hay nói cách khác bên thuê chỉ được thuê động sản, những thứ không phải là động sản thì không được thuê. Theo quy định tại khoản 2 Điều 107 BLDS: Động sản là những gì không phải bất động sản.

Bốn là về tài sản ký cược: Tài sản ký cược theo luật định chỉ bao gồm một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác. Tuy nhiên hiện nay, pháp luật chưa quy định rõ vật “có giá trị khác” được hiểu như thế nào, giá trị ở đây là giá trị gì? Vật có giá trị tương đương tài sản thuê hay vật có giá trị nhưng giá trị của nó thể hiện ở công dụng, tính năng (giá trị sử dụng) hay vật có giá trị thấp hơn giá trị tài sản thuê thì có được coi là tài sản ký cược không? và bên nhận ký cược có được sử dụng, khai thác tài sản ký cược không? Do đó, trên thực tế các bên giao kết hợp đồng ký cược bằng các vật có giá trị hay tài sản khác như: ngoại tệ, quyền tài sản và giấy tờ có giá thì cũng cần lưu ý do pháp luật quy định chưa rõ sẽ dễ dẫn đến các rủi ro không đáng có cho các bên trong quan hệ ký cược.

Năm là về thời hạn ký cược: Ký cược là một biện pháp bảo đảm cho hợp đồng thuê tài sản là động sản cho nên thời hạn ký cược là thời hạn thuê, theo đó tại Điều 474 BLDS 2015thời hạn thuê là khoảng thời gian mà bên thuê được quyền sử dụng tài sản theo đúng mục đích đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Thời hạn thuê có thể do các bên thoả thuận và phù hợp với mục đích thuê, mục đích thuê tài sản là khai thác công dụng của tài sản để đáp ứng nhu cầu của bên thuê. Thời hạn thuê có thể do các bên thoả thuận nên các bên hoàn toàn có thể thoả thuận thời hạn thuê theo giờ, ngày, tháng, năm.

Sáu là về xử lý tài sản ký cược: Khoản 2 Điều 329 BLDS 2015 quy định xử lý tài sản ký cược như sau nếu bên thuê trả lại tài sản thuê theo như thoả thuận thì bên thuê được nhận lại tài sản ký cược sau khi trừ tiền thuê; nếu bên thuê không trả lại tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền đòi lại tài sản thuê chứ tài sản ký cược không đương nhiên thuộc sở hữu của bên cho thuê, việc xử lý tài sản ký cược khác với đặt cọc, ở biện pháp bảo đảm đặt cọc, nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc. Tài sản ký cược chỉ thuộc sở hữu bên cho thuê khi tài sản thuê không còn (bị mất, bị cháy, bị cướp, bị tiêu huỷ,…) để trả lại. Tuy nhiên, trong việc xử lý tài sản ký cược vẫn còn nhiều bất cập như trường hợp tài sản ký cược có giá trị cao hơn tài sản thuê thì sẽ xử lý như thế nào thì hiện nay pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể.

3. Quyền, nghĩa vụ các bên trong quan hệ ký cược

* Đối với Bên ký cược:

Căn cứ theo khoản 1 Điều 38 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, bên ký cược có các quyền và nghĩa vụ sau:

a) Yêu cầu bên nhận ký cược ngừng việc khai thác, sử dụng hoặc xác lập giao dịch dân sự đối với tài sản ký cược; thực hiện việc bảo quản, giữ gìn để tài sản ký cược không bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị;

b) Trao đổi, thay thế tài sản ký cược hoặc đưa tài sản ký cược tham gia giao dịch dân sự khác trong trường hợp được bên nhận ký cược đồng ý;

c) Thanh toán cho bên nhận ký cược chi phí hợp lý để bảo quản, giữ gìn tài sản ký cược.

Chi phí hợp lý quy định tại điểm này là khoản chi thực tế cần thiết, hợp pháp tại thời điểm chi mà trong điều kiện bình thường bên nhận ký cược phải thanh toán để đảm bảo tài sản ký cược không bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;

d) Thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật để bên nhận ký cược được sở hữu tài sản ký cược quy định tại điểm b khoản 2 Điều 38 Nghị định 21/2021/NĐ-CP;

đ) Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự 2015, luật khác liên quan quy định.

* Đối với Bên nhận ký cược

Căn cứ theo khoản 2 Điều 38 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, Bên nhận ký cược có các quyền và nghĩa vụ sau:

a) Yêu cầu bên ký cược chấm dứt việc trao đổi, thay thế hoặc xác lập giao dịch dân sự khác đối với tài sản ký cược khi chưa có sự đồng ý của bên nhận ký cược;

b) Sở hữu tài sản ký cược trong trường hợp tài sản thuê không còn để trả lại cho bên nhận ký cược;

c) Bảo quản, giữ gìn tài sản ký cược;

d) Không xác lập giao dịch dân sự, khai thác, sử dụng tài sản ký cược khi chưa có sự đồng ý của bên ký cược;

đ) Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự 2015, luật khác liên quan quy định.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan