13

Th10

CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN

Cổ phần là vấn đề pháp lý cơ bản của công ty cổ phần (CTCP). Cổ phần mang bản chất là quyền tài sản được thể hiện bằng cổ phiếu, nó là phần chia nhỏ nhất của vốn điều lệ công ty. Trong những đặc điểm cơ bản thì tính dễ dàng chuyển nhượng của cổ phần là điểm đặc trưng nhất của CTCP. Trong bài viết sau đây, Luật 3S sẽ trình bày, phân tích quy định pháp luật về các vấn đề liên quan đến việc chuyển nhượng vốn trong CTCP. Mời các bạn cùng theo dõi.

 

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật Dân sự 2015

– Luật Doanh Nghiệp 2020

– Nghị định 01/2021 về đăng ký doanh nghiệp

 

II. ĐỊNH NGHĨA

1. Cổ phần là gì?

– Vốn của CTCP được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần, cổ phần là một phần vốn nhỏ nhất của công ty

– Cổ phần được thể hiện dưới một hình thức nào đó gọi là cổ phiếu. Cổ phiếu là chứng chỉ do CTCP phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó (Điều 121 Luật Doanh Nghiệp 2020)

– Có hai loại cổ phần là: cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi

– Cổ phần phổ thông là loại cổ phần chỉ hưởng lãi hoặc chịu lỗ dựa trên kết quả hoạt động của công ty, người sở hữu là cổ đông phổ thông.

– Cổ phần ưu đãi bao gồm:

+ Cổ phần ưu đãi biểu quyết là cổ phần có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông, số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định

+ Cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Cổ tức được chia hằng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng, cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi trên cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức

+ Cổ phần ưu đãi hoàn lại là cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại.

2. Chuyển nhượng cổ phần là gì?

Hiện tại Luật hiện hành không đưa ra định nghĩa về chuyển nhượng cổ phần. Nhưng có thể đưa ra định nghĩa căn bản thông qua những quy định pháp luật về chuyển nhượng cổ phần thì: Chuyển nhượng cổ phần là việc cổ đông góp vốn trong CTCP chuyển nhượng lại phần vốn góp của mình cho một cổ đông khác nhưng không làm thay đổi cấu trúc vốn điều lệ.

 

III. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN

1. Điều kiện chuyển nhượng cổ phần

– Điểm d khoản 1 Điều 111 Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định: “Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.”

– Khoản 1 Điều 127 Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định: “Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.”

– Khoản 3 Điều 120 Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định: “Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó.”

– Khoản 4 Điều 120 Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định: “Các hạn chế quy định tại khoản 3 Điều này không áp dụng đối với cổ phần phổ thông sau đây:

a) Cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp;

b) Cổ phần đã được chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập.”

– Đối với cổ phần phổ thông: Cổ đông được quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông. Tuy nhiên, đối với cổ đông sáng lập, trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, họ được tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác nếu có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó. Trường hợp Điều lệ công ty quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì họ cũng không được chuyển nhượng. Sau 03 năm kể từ khi được cấp Giấy đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập sẽ được chuyển nhượng tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông mà không còn bị hạn chế. Ngoài ra, cổ phần phổ thông mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp (không phải 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp mà các cổ đông sáng lập cùng nhau đăng ký mua.

– Quy định trên nhằm bảo vệ các nhà đầu tư. Đối với những công ty mới thành lập vài năm đầu khi công ty mới đi vào hoạt động và chưa có nền tảng vững chắc, nếu công ty làm ăn thua lỗ và có nguy cơ không hoạt động tiếp được, nếu cổ đông sáng lập được quyền chuyển nhượng cổ phần phổ thông mà họ cùng nhau đăng ký mua trong 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp có thể biến người được chuyển nhượng thành cổ đông sáng lập. Khi đó cổ đông sáng lập ban đầu có thể tự ý rời bỏ công ty và từ bỏ trách nhiệm của mình. Nhà đầu tư sẽ là người chịu những thiệt hại đó. Vì vậy, đây có thể được coi là quy định mang tính ràng buộc nghĩa vụ vật chất của cổ đông sáng lập.

* Cổ phần ưu đãi:

– Khoản 2 Điều 118 Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định: “Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại có quyền như cổ đông phổ thông, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.”

– Tại điểm c khoản 2 Điều 117 Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức có “Quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.”

Như vậy, cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần ưu đãi hoàn lại được tư do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này. Có thể giải thích là trong thời hạn 03 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hai loại cổ phần này được tự do chuyển nhượng cho các cổ đông sáng lập khác, khi chuyển nhượng cho người khác không phải cổ đông sáng lập thì phải được sự đồng ý của Đại hội đồng cổ đông. Ngoài ra, hai loại cổ phần này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng nếu Điều lệ công ty quy định (quy định có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng). Về cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định thì tùy công ty cũng sẽ quy định về vấn đề chuyển nhượng khác nhau.

2. Cách thức chuyển nhượng cổ phần

– Cách thức chuyển nhượng cổ phần được quy định tại khoản 2 Điều 127 Luật Doanh Nghiệp như sau:

Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký. Trường hợp giao dịch trên thị trường chứng khoán thì trình tự, thủ tục chuyển nhượng được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.”

– Chuyển nhượng bằng hợp đồng thông thường nếu chuyển nhượng là hình thức chuyển nhượng mà các cổ đông chuyển nhượng cổ phần cho nhau hoặc cho người ngoài công ty bằng trao đổi trực tiếp. Hai bên gặp trực tiếp để thỏa thuận, thương lượng với nhau, bên mua có thể trực tiếp kiểm tra, thẩm định hàng hóa. Đối với bên nhận chuyển nhượng là cá nhân, tờ chuyển nhượng cần được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng ký. Nếu chuyển nhượng cho tổ chức thì cần có chữ ký của bên chuyển nhượng và đại diện của bên nhận chuyển nhượng. Việc chuyển nhượng cổ phần được thực hiện bằng hợp đồng sẽ tuân theo các quy định của Luật Doanh Nghiệp 2020 và Bộ luật Dân sự 2015 theo cách thông thường.

– Với trường hợp chuyển nhượng thông qua giao dịch chứng khoán, các CTCP được bán cổ phần trên thị trường chứng khoán phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt tính minh bạch tài chính, về khả năng sinh lời, phải được Ủy ban chứng khoán thẩm định và phải tuân thủ theo các quy tắc kiểm toán theo pháp luật về chứng khoán. Những quy định chặt chẽ này nhằm mục đích bảo vệ lợi ích người mua. Vì khi các công ty niêm yết bán cổ phần trên thị trường chứng khoán thì người mua không có điều kiện trực tiếp kiểm tra đánh giá. Sự can thiệp của Nhà nước trong việc thẩm định các CTCP đăng ký bán cổ phần là một chứng thực tin cậy để người trả giá mua hàng.

3. Thủ tục chuyển nhượng cổ phần

– Các cổ đông chỉ cần thực hiện các thủ tục chuyển nhượng nội bộ công ty, không cần thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và đầu tư.

Bước 1: Ký hồ sơ chuyển nhượng trong nội bộ công ty

– Đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập:

+ Các bên liên quan ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

+ Tiến hành lập biên bản xác nhận về việc đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cổ phần.

+ Tổ chức cuộc họp Đại Hội đồng cổ đông để thông qua việc chuyển nhượng cổ phần.

+ Tiến hành chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông của công ty.

– Đối với cổ phần phổ thông của cổ đông phổ thông:

+ Các bên liên quan ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

+ Tiến hành lập biên bản xác nhận về việc đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cổ phần.

+ Tiến hành chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông.

Bước 2: Nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng cổ phần

Nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân và đóng thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng cổ phần tại cơ quan quản lý thuế Doanh nghiệp (chi Cục thuế hoặc Cục thuế).

*** Cách tính Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng

– Đối với việc chuyển nhượng cổ phần, người chuyển nhượng phải chịu thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập cá nhân được tính theo công thức sau:

– Áp dụng cho công ty cổ phần, theo đó căn cứ Điều 16 Thông tư 92/2015/TT-BTC thì:

Thuế TNCN phải nộp = ( Giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần)  X  0.1%

*** Hồ sơ khai thuế

– Hồ sơ khai thuế đối với cá nhân chuyển nhượng chứng khoán (Công ty cổ phần) thuộc diện khai trực tiếp với cơ quan thuế gồm:

+ Tờ khai mẫu số 04/CNV-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC;

+ Bản chụp Hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán.

*** Cơ quan tiếp nhận hồ sơ khai thuế:

Nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp phát hành chứng khoán mà cá nhân chuyển nhượng.

*** Lưu ý:  Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế

– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với cá nhân thuộc diện trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế chậm nhất là ngày thứ 10 (mười) kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán có hiệu lực theo quy định của pháp luật.

– Trường hợp doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì thời điểm nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là trước khi làm thủ tục thay đổi danh sách cổ đông theo quy định của pháp luật.

 

IV. CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

1. Cổ phần của CTCP có được chuyển nhượng trong trường hợp cổ đông chết không?

Trong trường hợp khoản 3, khoản 4 Điều 127 Luật Doanh Nghiệp 2020 thì hoàn toàn có thể chuyển nhượng cổ phần đó cho người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó trở thành cổ đông của công ty. Trong trường hợp, cổ đông chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì số cổ phần của cổ đông đó được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự.

2. Người nước ngoài có được nhận chuyển nhượng cổ phần trong công ty Việt Nam?

Cổ đông có quyền được tự do chuyển nhượng cổ phần, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 Luật Doanh Nghiệp 2020 và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần.

Theo luật định thì người nước ngoài được phép nhận chuyển nhượng cổ phần từ công ty Việt Nam nhưng việc chuyển nhượng này tương đối phức tạp bởi nó được điều chỉnh bởi Luật Doanh Nghiệp và Luật Đầu tư. Chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài đối với công ty 100% vốn Việt Nam và công ty có yếu tố nước ngoài: Công ty muốn chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài phải kiểm tra:

+ Ngành nghề kinh doanh có quy định về chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài;

+ Tỷ lệ tối đa số cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài được phép nhận chuyển nhượng;

+ Quốc tịch của nhà đầu tư nước ngoài;

+ Nhà đầu tư mới phải chứng minh được năng lực tài chính;

Hình thức đầu tư qua việc góp vốn, nhận chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng cổ phần của người nước ngoài được Luật đầu tư 2020 quy định tại Điều 25.

– Điều kiện với công ty có cổ đông chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài:

+ Công ty phải quản lý nguồn vốn đầu tư của người nước ngoài thông qua tài khoản vốn đầu tư.

+ Công ty phải xin chấp thuận của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài.

+ Công ty phải thực hiện thay đổi đăng ký doanh nghiệp do chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline:0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan