21

Th4

[MEDICLAW] Ngày 26/03/2020 Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Đồng Nai chính thức ban hành Công văn số 996/LĐTBXH-CSLĐ về việc triển khai Văn bản 797/LĐTBXH- BHXH ngày 09/3/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Nội dung công văn 797 như sau:

1. Các trường hợp tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất (Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP):

a) Tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 01 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế.

b) Gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.

2. Điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi có một trong các điều kiện sau (Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP)

a) Không bố trí được việc làm cho người lao động (từ 01 tháng trở lên), trong đó số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên.

b) Bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).

3. Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hƣu trí và tử tuất (Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP)

a) Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo tháng và không quá 12 tháng. Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, người sử dụng lao động vẫn đóng vào quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Người sử dụng lao động và người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí và tử tuất hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thực hiện đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng để giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian tạm dừng đóng.

b) Hết thời hạn tạm dừng đóng quy định tại Điểm a Khoản này, người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại Khoản 3 Điều 122 của Luật Bảo hiểm xã hội.

4. Hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hƣu trí và tử tuất (Điểm b Khoản 2 Điều 28 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH)

a) Đối với trường hợp không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên; thành phần hồ sơ gồm:

– Văn bản đề nghị của người sử dụng lao động.

– Danh sách lao động tại thời điểm trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh.

– Danh sách lao động tại thời điểm đề nghị.

– Danh sách lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc.

Người sử dụng lao động gửi hồ sơ đến cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương theo hướng dẫn tại điểm a khoản 5 dưới đây.

b) Đối với trường hợp bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra, hồ sơ gồm:

– Văn bản đề nghị của người sử dụng lao động;
– Báo cáo kiểm kê tài sản gần nhất trước thời điểm bị thiệt hại;
– Biên bản kiểm kê tài sản thiệt hại do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, mất mùa.

Người sử dụng lao động gửi hồ sơ đến cơ quan Tài chính địa phương theo hương dẫn tại điểm b khoản 5 dưới đây.

5. Thẩm quyền xác định số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tạm thời nghỉ việc, giá trị tài sản bị thiệt hại (Điểm a Khoản 2 Điều 28 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH)

a) Thẩm quyền xác định số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tạm thời nghỉ việc đối với doanh nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân địa phương quản lý do cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương xác định. Cụ thể thẩm quyền thẩm định, xác định số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tạm thời nghỉ việc được tính so với tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh như sau:

– Doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện, thành phố (gọi tắt là cấp huyện) thì do Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội cấp huyện thẩm định, xác định.

– Doanh nghiệp đóng trên địa bàn các khu công nghiệp thì do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội huyện nơi doanh nghiệp đăng ký tham gia BHXH thẩm định, xác định.

– Đối với doanh nghiệp thuộc Bộ, ngành Trung ương quản lý thì do Bộ, ngành Trung ương quản lý thẩm định, xác định.

b) Thẩm quyền xác định giá trị tài sản bị thiệt hại đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân địa phương quản lý do cơ quan Tài chính địa phương xác định; đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ, ngành Trung ương quản lý do cơ quan tài chính của Bộ, ngành hoặc Bộ Tài chính xác định. Giá trị tài sản bị thiệt hại được tính so với giá trị tài sản theo báo cáo kiểm kê tài sản gần nhất trước thời điểm bị thiệt hại (nội dung này đề nghị doanh nghiệp liên hệ Sở Tài chính để được hướng dẫn và xác nhận).

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị của người sử dụng lao động, cơ quan có thẩm quyền xác định số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tạm thời nghỉ việc, giá trị tài sản bị thiệt hại quy định tại khoản 5 của hướng dẫn này có trách nhiệm xem xét, xác định và có văn bản trả lời người sử dụng lao động.

6. Thời hạn xử lý hồ sơ (Khoản 4 Điều 28 Thông tư số 59/2015/TT- BLĐTBXH)

– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

– Thời điểm tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tính từ tháng người sử dụng lao động có văn bản đề nghị.

Đề nghị Ban quản lý các KCN tỉnh, BHXH tỉnh Đồng Nai và Sở Tài chính quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các nội dung trên; UBND các huyện và thành phố chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố thực hiện tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp và có trách nhiệm phối hợp các cơ quan liên quan xác định số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tạm thời nghỉ việc và có văn bản trả lời doanh nghiệp.

Trên đây là hướng dẫn về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị liên hệ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn hoặc báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (Vụ Bảo hiểm xã hội) chỉ đạo./.

 

Trả lời

Tin tức liên quan