25

Th8

CÁC CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG MẮC BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Trong quá trình lao động, một số công việc đặc thù mang tính độc hại, nguy hiểm cao sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, dẫn đến người lao động mắc một số bệnh do quá trình lao động gây ra. Do đó, nhằm chia sẻ gánh nặng cho người lao động, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã có những chính sách giúp người lao động vượt qua những khó khăn khi gặp rủi ro trong quá trình làm việc. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ các chế độ mà người lao động sẽ được hưởng nếu mắc phải bệnh nghiệp nhé.

1. Bệnh nghề nghiệp là gì?

Căn cứ theo khoản 9 Điều 3 Luật An toàn vệ sinh lao động: Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.

Theo đó, để xác định đây là bệnh có hại phát sinh do quá trình lao động thì Bộ y tế đã ban hành Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH theo quy định tại Thông tư 15/2016/TT-BYT bao gồm 34 loại bệnh như sau:

TT Loại bệnh nghề nghiệp Quy định hướng dẫn chẩn đoán, giám định
1 Bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp Phụ lục 1
2 Bệnh bụi phổi amiăng nghề nghiệp Phụ lục 2
3 Bệnh bụi phổi bông nghề nghiệp Phụ lục 3
4 Bệnh bụi phổi talc nghề nghiệp Phụ lục 4
5 Bệnh bụi phổi than nghề nghiệp Phụ lục 5
6 Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp Phụ lục 6
7 Bệnh hen nghề nghiệp Phụ lục 7
8 Bệnh nhiễm độc chì nghề nghiệp Phụ lục 8
9 Bệnh nhiễm độc nghề nghiệp Phụ lục 9
10 Bệnh nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp Phụ lục 10
11 Bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp Phụ lục 11
12 Bệnh nhiễm độc trinitrotoluen nghề nghiệp Phụ lục 12
13 Bệnh nhiễm độc asen nghề nghiệp Phụ lục 13
14 Bệnh nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật Phụ lục 14
15 Bệnh nhiễm độc nicotin nghề nghiệp Phụ lục 15
16 Bệnh nhiễm độc cacbon monoxit nghề nghiệp Phụ lục 16
17 Bệnh nhiễm độc cadimi nghề nghiệp Phụ lục 17
18 Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn Phụ lục 18
19 Bệnh giảm áp nghề nghiệp Phụ lục 19
20 Bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân Phụ lục 20
21 Bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ Phụ lục 21
22 Bệnh phóng xạ nghề nghiệp Phụ lục 22
23 Bệnh đục thể thủy tinh nghề nghiệp Phụ lục 23
24 Bệnh nốt dầu nghề nghiệp Phụ lục 24
25 Bệnh sạm da nghề nghiệp Phụ lục 25
26 Bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do crôm Phụ lục 26
27 Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài Phụ lục 27
28 Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc với cao su tự nhiên, hóa chất phụ gia cao su Phụ lục 28
29 Bệnh Leptospira nghề nghiệp Phụ lục 29
30 Bệnh viêm gan vi rút B nghề nghiệp Phụ lục 30
31 Bệnh lao nghề nghiệp Phụ lục 31
32 Nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp Phụ lục 32
33 Bệnh viêm gan vi rút C nghề nghiệp Phụ lục 33
34 Bệnh ung thư trung biểu mô nghề nghiệp Phụ lục 34

2. Các chế độ đối với người lao động bị bệnh nghề nghiệp

Thứ nhất, về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị bệnh nghề nghiệp

Căn cứ theo Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị bệnh nghề nghiệp như sau:

Một là, tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp;

Hai là, thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị bệnh nghề nghiệp như sau:

a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;

c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

Trả đủ tiền lương cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

Bồi thường cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5 % đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết  do bệnh nghề nghiệp;

Giới thiệu để người lao động bị bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;

Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động;

Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;

Lập hồ sơ hưởng chế độ về bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật An toàn vệ sinh lao động 2015;

Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 nêu trên là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

Thứ hai, trợ cấp một lần

Căn cứ theo Điều 48 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.

Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:

a) Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.

Thứ ba, trợ cấp hàng tháng

Theo Điều 48 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.

Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:

a) Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;

b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a nêu trên, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp;

Trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.

Lưu ý:

– Người đang hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp hằng tháng khi ra nước ngoài để định cư được giải quyết hưởng trợ cấp một lần; mức trợ cấp một lần bằng 03 tháng mức trợ cấp đang hưởng.

– Mức hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp hằng tháng, trợ cấp phục vụ được điều chỉnh mức hưởng theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Thứ tư, hỗ trợ về phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình

Theo quy định tại Điều 51 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, Người lao động bị bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật và theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn, kỹ thuật.

Theo đó, căn cứ theo Điều 12 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động, Người lao động bị bệnh nghề nghiệp thuộc trường hợp quy định tại Điều 51 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt và dụng cụ chỉnh hình theo chỉ định tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc của bệnh viện cấp tỉnh và tương đương trở lên.

Loại phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình và niên hạn bao gồm:

a) Tay giả;

b) Máng nhựa tay;

c) Chân giả;

d) Máng nhựa chân;

đ) Một đôi giày hoặc một đôi dép chỉnh hình;

e) Nẹp đùi, nẹp cẳng chân;

g) Áo chỉnh hình;

h) Xe lăn hoặc xe lắc hoặc phương tiện thay thế bằng mức tiền cấp mua xe lăn hoặc xe lắc;

i) Nạng;

k) Máy trợ thính;

l) Lắp mắt giả;

m) Làm răng giả theo số răng bị mất; lắp hàm giả do hỏng hàm;

n) Mua các đồ dùng phục vụ sinh hoạt đối với trường hợp bị liệt nửa người hoặc liệt hoàn toàn hoặc bị tâm thần thể kích động.

Trường hợp vừa bị thể tâm thần kích động đồng thời bị liệt nửa người hoặc liệt hoàn toàn chỉ được cấp một lần tiền để mua các đồ dùng sinh hoạt;

o) Trường hợp cấp xe lăn hoặc xe lắc đồng thời cấp chân giả thì thời hạn sử dụng (niên hạn cấp) của mỗi phương tiện là 06 năm.

Trong đó:

– Mức tiền cấp mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (bao gồm cả tiền mua vật phẩm phụ, bảo trì phương tiện), niên hạn cấp theo Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH như sau:

Số TT Tên sản phẩm/nhóm sản phẩm Niên hạn cấp Mức cấp (đồng)
1 Tay giả tháo khớp vai 03 năm 2.800.000
2 Tay giả trên khuỷu 03 năm 2.600.000
3 Tay giả dưới khuỷu 03 năm 2.000.000
4 Chân tháo khớp hông 03 năm 4.800.000
5 Chân giả trên gối 03 năm 2.200.000
6 Nhóm chân giả tháo khớp gối 03 năm 2.800.000
7 Chân giả dưới gối có bao da đùi 03 năm 1.800.000
8 Chân giả dưới gối có dây đeo số 8 03 năm 1.600.000
9 Chân giả tháo khớp cổ chân 03 năm 1.750.000
10 Nhóm nẹp Ụ ngồi-Đai hông 03 năm 2.500.000
11 Nẹp đùi 03 năm 950.000
12 Nẹp cẳng chân 03 năm 800.000
13 Nhóm máng nhựa chân và tay 05 năm 3.000.000
14 Giầy chỉnh hình 01 năm 1.300.000
15 Dép chỉnh hình 03 năm 750.000
16 Áo chỉnh hình 05 năm 1.980.000
17 Xe lắc tay 04 năm 4.100.000
18 Xe lăn tay 04 năm 2.250.000
19 Nạng cho người bị cứng khớp gối 02 năm 500.000
20 Máy trợ thính 02 năm 1.000.000
21 Răng giả 05 năm 1.000.000/chiếc
22 Hàm giả (chỉ cấp một lần duy nhất) 4.000.000
23 Mắt giả (chỉ cấp một lần duy nhất) 5.000.000
24 Vật phẩm phụ:
– Người được cấp chân giả 03 năm 510.000
– Người được cấp tay giả 03 năm 180.000
– Người được cấp áo chỉnh hình 05 năm 750.000
25 Bảo trì phương tiện đối với trường hợp được cấp tiền mua xe lăn, xe lắc 01 năm 300.000
26 Kính râm và gậy dò đường 01 năm 100.000
27 Đồ dùng phục vụ sinh hoạt 01 năm 1.000.000

– Việc cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (bao gồm cả tiền mua vật phẩm phụ, bảo trì phương tiện) cho cả thời gian sử dụng (niên hạn cấp) được thực hiện cùng một lần.

Thứ năm, trợ cấp phục vụ

Theo quy định tại Điều 52 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Điều 49 của Luật này, hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.

Thứ sáu, trợ cấp khi người lao động chết do bệnh nghề nghiệp

Căn cứ theo quy định tại Điều 53 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Người lao động đang làm việc bị chết do bệnh nghề nghiệp;

Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do bệnh nghề nghiệp;

Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật, bệnh tật mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.

Thứ bảy, chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị bệnh tật

Căn cứ theo Điều 55 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, người lao động bị bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị bệnh tật như sau:

Người lao động sau khi điều trị ổn định bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày cho một lần bị bệnh nghề nghiệp.

Trường hợp chưa nhận được kết luận giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc thì người lao động vẫn được giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động sau khi điều trị bệnh tật theo quy định nếu Hội đồng giám định y khoa kết luận mức suy giảm khả năng lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp.

Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định khoản 1 nêu trên do người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:

a) Tối đa 10 ngày đối với trường hợp bị bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên;

b) Tối đa 07 ngày đối với trường hợp bị bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50%;

c) Tối đa 05 ngày đối với trường hợp bị bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30%.

Người lao động quy định tại khoản 1 nêu trên được hưởng 01 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Thứ tám, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc

Theo quy định tại Điều 55 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, trường hợp người bị bệnh nghề nghiệp được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý theo quy định tại khoản 8 Điều 38 của Luật này, nếu phải đào tạo người lao động để chuyển đổi nghề nghiệp thì được hỗ trợ học phí.

Mức hỗ trợ không quá 50% mức học phí và không quá mười lăm lần mức lương cơ sở; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là hai lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ một lần.

3. Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

Căn cứ theo Điều 46 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

Một là, bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;

Hai là, suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;

Đối với Người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp trong thời gian quy định thì được giám định để xem xét, giải quyết chế độ theo quy định của Chính phủ.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan