11

Th8

GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Sở hữu trí tuệ là sản phẩm tinh thần được hình thành từ chất xám của con người. Trong xã hội văn minh, hiện đại, sở hữu trí tuệ càng có vai trò quan trọng đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhưng mặt trái nguy cơ xâm hại, tranh chấp sản phẩm cũng gia tăng và một khi có tranh chấp xảy ra cũng rất khó khăn cho việc giải quyết. Do đó, giám định tư pháp trong giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đóng một vai trò rất quan trọng. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau đây để biết thêm các quy định về giám định tư pháp trong giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ nhé.

Cơ sở pháp lý áp dụng

– Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

– Luật sở hữu trí tuệ 2005 sử đổi, bổ sung 2009

– Luật giám định tư pháp 2012 sửa đổi, bổ sung 2020

1. Giám định tư pháp và giám định sở hữu trí tuệ?

Theo Luật giám định tư pháp năm 2012 thì giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này. (Khoản 1 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020)

Trong khi đó giám định về sở hữu trí tuệ được định nghĩa là việc tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 201 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2009 sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, khoản 2 và khoản 3 Điều 201 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2009 quy định:

“2. Doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam đáp ứng các điều kiện sau đây được thực hiện hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ:

a) Có nhân lực, cơ sở vật chất – kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động giám định theo quy định của pháp luật;

b) Có chức năng thực hiện hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động;

c) Người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức ủy quyền có Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ.

3. Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ:

a) Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Thường trú tại Việt Nam;

c) Có phẩm chất đạo đức tốt;

d) Có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp thẻ giám định, đã qua thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực đó từ năm năm trở lên và đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ về giám định.

Như vậy, giám định tư pháp và giám định sở hữu trí tuệ, dù trên cơ sở được yêu cầu hay được trưng cầu, thì chúng đều có bản chất giống nhau là đều liên quan tới việc sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để kết luận chuyên môn về vấn đề có liên quan đến một vụ việc dân sự hoặc vụ án hành chính. Tuy nhiên, phạm vi của giám định tư pháp rất rộng liên quan đến các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự cho đến giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính trong khi lĩnh vực sở hữu trí tuệ vốn là một nhánh luật chuyên ngành và là một nhánh của giám định tư pháp.

2. Vai trò của giám định tư pháp trong giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ

Có thể nói, để giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự, vụ án hình sự, hành chính nói chung và các tranh chấp về sở hữu trí tuệ nói riêng thì việc thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ có tính quyết định, mà một trong những nguồn chứng cứ quan trọng là kết luận giám định. Do đó, việc giám định tư pháp trong giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ đóng vai trò rất quan trọng.

Thứ nhất, việc giám định tư pháp sẽ cung cấp được nguồn chứng cứ cho hoạt động tranh tụng.

Thứ hai, tranh chấp về sở hữu trí tuệ là một tranh chấp vô cùng phức tạp bởi hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ rất khó chứng minh, cần phải có công nghệ, kỹ thuật và phương pháp đặt biệt để chứng minh được hành vi xâm phạm, mức độ xâm phạm để từ đó xác định được thiệt hại….Do đó, trước thực tiễn các tài liệu, chứng cứ do đương sự xuất trình chưa rõ ràng, mâu thuẫn nhau thì giám định tư pháp ngày càng thể hiện vị trí đặc biệt trong việc tìm ra sự thật khách quan, xác lập chứng cứ phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Có thể khẳng định kết quả giám định là một nguồn chứng cứ không thể thiếu trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, hình sự nói chung và các tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ nói riêng.

Thứ ba, kết quả giám định không chỉ tạo cơ sở cho các phán quyết đúng đắn mà còn tiết kiệm được thời gian, tiền của, công sức cho cả cơ quan tố tụng lẫn các bên đương sự, giúp cho các bên có cơ sở để thương lượng, hòa giải hoặc rút đơn khởi kiện, từ đó tiết kiệm được thời gian xác minh, kiểm tra, thu thập chứng cứ, thời gian giải quyết tranh chấp. Mặt khác, việc giám định bảo đảm tính khách quan, khoa học sẽ tạo ra cho đương sự nói riêng và những người tham gia tố tụng cũng như nhân dân nói chung tâm lý tin tưởng vào phán quyết của Tòa án, đương sự sẽ ít kháng cáo, khiếu nại đặc biệt là đói với tranh chấp liên quan đến các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

3. Quyền yêu cầu giám định tư pháp trong giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ 

Nếu như giám định sở hữu trí tuệ được thực hiện khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yêu cầu trưng cầu giám định về sở hữu trí tuệ khi giải quyết vụ việc mà mình đang thụ lý, hoặc do chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và tổ chức, cá nhân khác có liên quan có quyền yêu cầu giám định về sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (Khoản 2, khoản 3 Điều 201 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2009) thì theo quy định của Luật giám định tư pháp, việc giám định tư pháp được thực hiện theo đề nghị của người trưng cầu giám định hoặc người yêu cầu giám định. Trong đó:

– Người trưng cầu giám định bao gồm cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (khoản 2 Điều 2 Luật Giám định Tư pháp 2012 sửa đổi 2020)

– Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo (khoản 3 Điều 2 Luật Giám định Tư pháp 2012 sửa đổi 2020)

Theo quy định của BLTTDS, theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định; sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu thì đương sự có quyền tự mình yêu cầu giám định. Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự. Quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ tên, địa chỉ của người giám định, đối tượng cần giám định, vấn đề cần giám định, các yêu cầu cụ thể cần có kết luận của người giám định và gửi kèm theo đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) đến người giám định. Trường hợp đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan không thể gửi kèm theo quyết định trưng cầu giám định thì người trưng cầu giám định có trách nhiệm làm thủ tục bàn giao cho người giám định. Trường hợp trưng cầu giám định bổ sung hoặc trưng cầu giám định lại thì quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ là trưng cầu giám định bổ sung hoặc trưng cầu giám định lại và lý do của việc giám định bổ sung hoặc giám định lại (Điều 25 Luật Giám định tư pháp; Điều 102 BLTTDS).

Trường hợp tự mình yêu cầu giám định thì đương sự phải gửi văn bản yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định, các tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) và bản sao giấy tờ chứng minh mình là đương sự trong vụ việc dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự đến người giám định (Điều 26 Luật Giám định tư pháp).

Việc giám định bổ sung được thực hiện trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ án, vụ việc đã được kết luận giám định trước đó. Việc trưng cầu, yêu cầu giám định bổ sung được thực hiện như giám định lần đầu. Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác hoặc trong trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc giám định lại sau khi đã có kết luận của Hội đồng giám định. Người trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người yêu cầu giám định quyết định việc trưng cầu giám định lại. Trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do (Điều 29 Luật Giám định tư pháp)

4. Nội dung giám định tư pháp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Theo quy định tại Điều 39 Nghị định 105/2006/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Nghị định số 119/2010/NĐ-CP, việc giám định về sở hữu trí tuệ bao gồm các nội dung:

Một là, xác định phạm vi bảo hộ của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 6 của Nghị định 105/2006/NĐ-CP;

Hai là, xác định đối tượng được xem xét có đáp ứng các điều kiện để bị coi là yếu tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không theo quy định tại khoản 2 Điều 5 và các điều từ Điều 7 đến Điều 14 của Nghị định 105/2006/NĐ-CP;

Ba là, xác định có hay không sự trùng, tương đương, tương tự, gây nhầm lẫn, khó phân biệt hoặc sao chép giữa đối tượng được xem xét với đối tượng được bảo hộ;

Bốn là, xác định giá trị quyền sở hữu trí tuệ, xác định giá trị thiệt hại.

Trong đó Giám định sở hữu trí tuệ bao gồm các lĩnh vực: Giám định về quyền tác giả và quyền liên quan; Giám định về quyền sở hữu công nghiệp;  Giám định về quyền đối với giống cây trồng.

5. Thời hạn giám định tư pháp về sở hữu trí tuệ

Căn cứ Điều 6a Thông tư 02/2019/TT-BVHTTDL (được bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-BVHTTDL) quy định về thời hạn giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan như sau:

“1. Thời hạn giám định tối đa là 03 tháng tính theo quy định tại khoản 1 Điều 26a Luật Giám định tư pháp được bổ sung theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

2. Thời hạn giám định có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Người trưng cầu giám định có thể thống nhất về thời hạn giám định với tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định trước khi trưng cầu giám định nhưng không quá thời hạn quy định tại khoản 1 và 2 Điều này.

4. Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở để cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.”

Theo đó, tại khoản 1 Điều 26a Luật Giám định tư pháp 2012 (được bổ sung theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020)

“Thời hạn giám định tư pháp trong trường hợp trưng cầu giám định

1. Thời hạn giám định tư pháp được tính từ ngày cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định và kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định.

Trong quá trình thực hiện giám định, trường hợp cần phải bổ sung thêm hồ sơ, tài liệu làm cơ sở cho việc giám định thì cá nhân, tổ chức được trưng cầu có văn bản đề nghị người đã trưng cầu giám định bổ sung hồ sơ, tài liệu. Thời gian từ khi cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định có văn bản đề nghị đến khi nhận được hồ sơ, tài liệu bổ sung không tính vào thời hạn giám định.”

Như vậy, thời hạn giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan là 03 tháng được tính từ ngày cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định và kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định và được thực hiện theo quy định như trên.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan