08

Th7

LÃI SUẤT TRONG HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN THEO BLDS 2015

Hợp đồng vay tài sản là loại hợp đồng rất phổ biến trong thực tế. Theo đó, các bên sẽ thỏa thuận với nhau về giá trị tài sản vay, thời hạn vay và trả lãi nếu có. Tuy nhiên, việc thỏa thuận về lãi suất vay cần phải nằm trong khuôn khổ pháp luật nhằm tránh tình trạng cho vay nặng lãi, do đó Bộ luật dân sự đã có quy định về mức trần lãi suất tối đa để điều chỉnh hoạt động cho vay trong dân sự giữa các bên cũng như làm cơ sở để giải quyết tranh chấp theo quy định pháp luật. Vậy lãi suất trong hợp đồng vay tài sản theo Bộ luật dân sự hiện hành được quy định như thế nào?

1. Các loại hợp đồng vay tài sản

Căn cứ Điều 463 Bộ luật Dân sự  (BLDS) năm 2015 thì hợp đồng vay tài sản được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định.

Hợp đồng vay tài sản tùy thuộc vào lãi suất, kỳ hạn mà có thể chia thành nhiều loại khác nhau như:

–  Hợp đồng vay tài sản có kỳ hạn, có lãi suất

Hợp đồng vay tài sản có kỳ hạn, có lãi suất là hợp đồng thường gặp nhất trên thực tế áp dụng hiện nay. Theo đó, loại hợp đồng này được hiểu là việc Bên cho vay cho Bên vay vay một số tiền/ tài sản trong một thời hạn xác định được thỏa thuận từ trước. Trong thời gian đó, bên vay sẽ thanh toán mức lãi suất định kỳ tháng tháng/ quý/ năm do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định (trường hợp các bên không có thỏa thuận).

Thời hạn trả lại tài sản cho vay đã được các bên thỏa thuận và ghi lại tại nội dung hợp đồng. Bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác. (Điều khoản 2 470 BLDS 2015)

– Hợp đồng vay tài sản có kỳ hạn, không lãi suất

Hợp đồng cho vay có kỳ hạn, không lãi suất. Đây là trường hợp Bên cho vay cho bên vay vay tài sản không lãi suất nhưng phải hoàn trả trong một kỳ hạn xác định. Theo đó, bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý (khoản 1 Điều 470 BLDS 2015)

– Hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn, có lãi suất

Hợp đồng cho vay không kỳ hạn, có lãi suất là hợp đồng tuy có thỏa thuận về mức lãi suất theo tháng/quý/năm nhưng không quy định rõ về kỳ hạn hoàn trả tài sản nhất định. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bên vay có thể giữ tài sản mãi và chỉ cần thực hiện nghĩa vụ trả lãi. Theo đó, đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý (khoản 2 Điều 469 BLDS 2015)

– Hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn, không lãi suất

Hợp đồng cho vay tài sản không kỳ hạn và không lãi suất cũng tương tự như hợp đồng không kỳ hạn, có lãi suất. Điểm khác biệt là bên cho vay cho bên vay vay tài sản nhưng không có yêu cầu về lãi suất. Theo đó, hai bên cũng có thể đòi lại tài sản/ trả lại tài sản bất kỳ lúc nào nhưng cần báo trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (khoản 1 Điều 469 BLDS 2015)

2. Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản

Về lãi suất, Điều 468 BLDS 2015 quy định rõ các bên được quyền thỏa thuận mức lãi suất với nhau. Tuy nhiên, BLDS cũng giới hạn mức lãi suất mà các bên được phép thỏa thuận. Theo đó, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Đối với trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định nêu trên tại thời điểm trả nợ.

Để rõ hơn về việc xác định lãi xuất trong hợp đồng vay của các bên, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 01/2019.NQ-HĐTP. Theo đó, Điều 5 nghị quyết này hướng dẫn:

Đối với Hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng xác lập kể từ ngày 01-01-2017 hoặc xác lập trước ngày 01-01-2017 nhưng thuộc trường hợp áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 theo hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết này thì tại thời điểm xét xử sơ thẩm, lãi, lãi suất trong hợp đồng được xác định như sau:

Thứ nhất, Hợp đồng vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì theo yêu cầu của bên cho vay, Tòa án xác định bên vay phải trả tiền lãi trên nợ gốc quá hạn theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (tức 10%/năm) trên số tiền chậm trả tại thời điểm trả nợ tương ứng với thời gian chậm trả nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn chưa trả) x (lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ) x (thời gian chậm trả nợ gốc);

Thứ hai, Hợp đồng vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì lãi, lãi suất được xác định như sau:

a) Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả theo lãi suất thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (Tức 20%/năm) tương ứng với thời hạn vay chưa trả lãi trên nợ gốc tại thời điểm xác lập hợp đồng. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ.

Tiền lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả = (nợ gốc chưa trả) x (lãi suất theo thỏa thuận hoặc 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ) x (thời gian vay chưa trả lãi trên nợ gốc).

b) Trường hợp chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn thì còn phải trả lãi trên nợ lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ tương ứng với thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Tiền lãi trên nợ lãi chưa trả = (nợ lãi chưa trả) x (lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ) x (thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc);

c) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% mức lãi suất vay do các bên thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Mức lãi suất trên nợ gốc quá hạn do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn chưa trả) x (lãi suất do các bên thỏa thuận hoặc 150% lãi suất vay do các bên thỏa thuận) x (thời gian chậm trả nợ gốc).

* Xác định thời điểm xét xử sơ thẩm và thời gian chậm trả

Theo Điều 5 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP, thời điểm xét xử sơ thẩm và thời gian chậm trả được xác định như sau:

Một là “Thời điểm xét xử sơ thẩm” nêu trên được hiểu là ngày Tòa án ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hoặc ngày Tòa án tuyên án khi xét xử sơ thẩm hoặc xét xử sơ thẩm lại.

Hai là “Thời điểm trả nợ” nêu trên được hiểu là thời điểm xét xử sơ thẩm.

Ba là “Thời gian chậm trả” nêu trên được xác định như sau:

a) Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn thì thời gian chậm trả nợ gốc bắt đầu kể từ ngày tiếp theo liền kề của ngày hết “thời gian hợp lý” đến thời điểm xét xử sơ thẩm.

“Thời gian hợp lý” quy định tại Điều 469 của Bộ luật Dân sự năm 2015 do Tòa án căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xem xét, quyết định nhưng không quá 03 tháng kể từ ngày thông báo;

b) Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn thì thời gian chậm trả nợ gốc bắt đầu kể từ ngày tiếp theo liền kề của ngày hết kỳ hạn vay đến thời điểm xét xử sơ thẩm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

c) Thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc chưa trả bắt đầu kể từ ngày tiếp theo liền kề của ngày phải trả lãi trên nợ gốc đến thời điểm xét xử sơ thẩm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

* Về xử lý thỏa thuận về lãi, lãi suất cao hơn mức lãi, lãi suất được pháp luật quy định

Theo Điều 9 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP, Hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận về lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn cao hơn mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn được pháp luật quy định thì mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn vượt quá không có hiệu lực; số tiền lãi đã trả vượt quá mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn quy định được trừ vào số tiền nợ gốc tại thời điểm trả lãi; số tiền lãi đã trả vượt quá còn lại sau khi đã trừ hết nợ gốc thì được trả lại cho bên vay.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan