05

Th7

MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ HỢP ĐỒNG DÂN SỰ CÓ ĐIỀU KIỆN

Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hay chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống mà sẽ có nhiều loại hợp đồng khác nhau. Trong đó, hợp đồng dân sự có điều kiện là loại hợp đồng đặt thù mà việc thực hiện hợp đồng hay chấm dứt hợp đồng phụ thuộc vào một sự kiện do các bên thỏa thuận khi nó xảy ra. Vậy, hợp đồng dân sự có điều kiện được pháp luật quy định và điều chỉnh như thế nào? Những vấn đề pháp lý nào cần nắm quan đến loại hợp đồng này? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.

1. Hợp đồng dân sự có điều kiện là gì?

Căn cứ theo Khoản 6 Điều 402 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định: “Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định”. 

Căn cứ theo Điều 120 BLDS 2015 quy định về giao dịch dân sự có điều kiện, cụ thể như sau:

“Điều 120. Giao dịch dân sự có điều kiện

1. Trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ.

2. Trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; trường hợp có sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên cố ý thúc đẩy cho điều kiện xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra.”

Như vậy, Hợp đồng dân sự có điều kiện có thể được hiểu là hợp đồng do các bên thỏa thuận về một điều kiện mà điều kiện đó là căn cứ để thực hiện, thay đổi hoặc chấm dứt hợp đồng. Điều kiện này có thể hiểu là những nghĩa vụ pháp lý hay sự kiện pháp lý.

Ví dụ: Anh A cho Anh B thuê căn nhà và quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của anh A trong thời hạn 3 năm tuy nhiên trong hợp đồng có thỏa thuận điều kiện: “Nếu trong thời gian thuê mà tài sản thuê bị thu hồi, giải tỏa hoặc có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì hợp đồng đương nhiên bị chấm dứt”. Như vậy lúc này, một trong các sự kiện như: nhà đất bị thu hồi, giải tỏa hoặc có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chính là sự kiện làm phát sinh cơ sở để chấm dứt hợp đồng giữa các bên.

Hoặc ví dụ 2: Anh A vay của anh B một số tiền là 100 triệu đồng để đầu tư kinh doanh và hai bên có thỏa thuận với nhau là khi hết hạn vay theo thỏa thuận, nếu anh B đầu tư có lãi thì anh B sẽ trả thêm cho anh A 10 triệu đồng nữa. Như vậy, trong trường hợp này, điều kiện của giao dịch vay tài sản là anh B đầu tư có lãi sẽ trả thêm 10 triệu đồng ngoài số tiền 100 triệu đồng anh B mượn của anh A. Nếu anh B đầu tư nhưng không có lãi thì điều kiện của việc vay tiền không xảy ra, anh B không phải trả thêm cho anh A 10 triệu đồng mà chỉ cần trả 100 triệu đồng đã vay.

2. Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng dân sự có điều kiện

Về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

Hợp đồng dân sự nói chung và hợp đồng dân sự có điều kiện nói riêng đều phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực theo Điều 117 BLDS 2015, cụ thể:

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: 

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; 

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; 

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. 

Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”. 

Như vậy, có ba điều kiện chính để giao dịch dân sự (hợp đồng) có giá trị pháp lý là:

– Thứ nhất, điều kiện về chủ thể: Chủ thể tham gia giao dịch dân sự phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự, tham gia giao dịch dân sự một cách tự nguyện.

Do bản chất của giao dịch dân sự là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí của chủ thể tham gia giao dịch. Nên chỉ những người có năng lực hành vi mới có ý chí riêng và nhận thức được hành vi của họ để có thể tự mình xác lập, thực hiện các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự đồng thời phải tự chịu trách nhiệm trong giao dịch dân sự đó. Vì vậy, giao dịch dân sự do cá nhân xác lập chỉ có hiệu lực nếu phù hợp với mức độ năng lực hành vi dân sự của cá nhân được quy định từ Điều 16 đến Điều 21 BLDS 2015.

+ Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp họ bị toà án tuyên bố mất năng lực hành vi, tuyên bố hạn chế năng lực hành vi. Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được toàn quyền xác lập mọi giao dịch dân sự.

+ Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi có năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ, khi xác lập thực hiện giao dịch dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật trừ những giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

+ Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Ví dụ lập di chúc phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

+ Những người chưa đủ 6 tuổi, người mất năng lực hành vi không được phép xác lập giao dịch dân sự. Mọi giao dịch dân sự của những người này đều do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

+ Đối với pháp nhân, hộ gia đình, tổ chức khác: Các chủ thể này tham gia vào giao dịch dân sự thông qua người đại diện của họ (đại diện theo pháp luật, theo uỷ quyền). Người đại diện xác lập, thực hiện giao dịch dân sự nhân danh người được đại diện. Các quyền, nghĩa vụ do người đại diện xác lập làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác. Tuy nhiên pháp nhân, hộ gia đình, tổ chức tác chỉ tham gia các giao dịch dân sự phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Người đại diện xác lập giao dịch dân sự làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác trong phạm vi nhiệm vụ của chủ thể đó được điều lệ hoặc pháp luật quy định.

Về yếu tố tự nguyện: các chủ thể nêu trên phải đảm bảo giao kết hợp đồng một cách tự do, tự nguyện dựa trên cam kết, thoả thuận của các bên. Nếu giao dịch dân sự thiếu sự tự nguyện sẽ không làm phát sinh hậu quả pháp lý. Theo đó Bộ luật dân sự cũng đã có một số quy định về trường hợp giao dịch dân sự xác lập không có sự tự nguyện sẽ bị vô hiệu. Đó là các trường hợp vô hiệu do giả tạo; do nhầm lẫn; do bị lừa dối, bị đe doạ, cưỡng ép; do xác lập tại thời điểm mà không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

– Thứ hai, điều kiện về nội dung: Nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Điều cấm của luật là những quy định không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. Chỉ những tài sản được phép giao dịch, những công việc được phép thực hiện không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội mới là đối tượng của giao dịch dân sự. Những giao dịch xác lập nhằm trốn tránh pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội là những giao dịch dân sự có mục đích và nội dung không hợp pháp, không làm phát sinh hiệu lực pháp luật của giao dịch dân sự đó.

– Thứ ba, điều kiện về hình thức: Hình thức của giao dịch không phải luôn là điều kiện bắt buộc mà trong một số trường hợp luật định thì nó mới là điều kiện bắt buộc. Ví dụ: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng, chứng thực (khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013). Ngoài những trường hợp pháp luật có quy định về hình thức thì các trường hợp còn lại, BLDS 2015 cho phép các bên thực hiện giao dịch dân sự thông qua lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể (Điều 119 BLDS 2015).

Về nội dung “điều kiện” bên trong hợp đồng dân sự có điều kiện

Có thể hiểu “điều kiện” trong “hợp đồng dân sự có điều kiện” là những sự kiện được các bên thoả thuận khi xác lập hợp đồng, và có thể xảy ra hoặc không xảy ra trong thực tế sau khi hợp đồng được xác lập mà hậu quả của nó là làm hợp đồng phát sinh, thay đổi hoặc hủy bỏ. Pháp luật dân sự cũng như quy định liên quan không có điều khoản nào điều chỉnh nội dung của “điều kiện” bên trong hợp đồng dân sự có điều kiện. Do đó, trong thực tế khi phát sinh các giao dịch có điều kiện thì những vấn đề hay nội dung cụ thể của điều kiện được đưa vào hợp đồng sẽ tùy thuộc vào ý chí của các bên, do các bên thống nhất đưa vào hợp đồng với ý nghĩa là điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ hợp đồng. Tuy nhiên, theo Điều 120 BLDS 2015, điều kiện đưa vào hợp đồng cần phải đảm bảo:

Một là, sự kiện do chính các bên thoả thuận phải là sự kiện thuộc về tương lai, mang tính khách quan. Tức là, sự kiện đó xảy ra hay không xảy ra không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các chủ thể trong giao dịch. Nếu xuất hiện bất kỳ một sự cố ý cản trở của các bên hoặc cố ý thúc đẩy cho điều kiện xảy ra hoặc không xảy ra để đạt được giao dịch dù là trực tiếp hay gián tiếp thì đều được coi là điều kiện đó không xảy ra.

Hai là, sự kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch phải hợp pháp. Tức là sự kiện này cũng phải đảm bảo không vi phạm điều cấm của Luật, không trái đạo đức xã hội.

Nếu các bên giao kết hợp đồng dân sự có điều kiện mà sự kiện làm điều kiện của hợp đồng là sự kiện không hợp pháp, thì theo quy định của pháp luật, sự kiện này không được phép xảy ra, các bên không được thực hiện hợp đồng, đồng nghĩa là hợp đồng vô hiệu. Do đó, kể cả trường hợp hợp đồng có điều kiện đã thỏa mãn đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự (theo quy định tại Điều 122 và Điều 117 BLDS 2015), nhưng sự kiện là điều kiện của hợp đồng là sự kiện không hợp pháp, thì hợp đồng vô hiệu ngay từ khi giao kết. Ngược lại, nếu sự kiện đó là sự kiện hợp pháp, thì khi sự kiện đó được thực hiện, và đương nhiên hợp đồng phát sinh hiệu lực, các bên phải tiếp tục thực hiện hợp đồng như đã thỏa thuận.

Về căn cứ chấm dứt, phát sinh, hủy bỏ hợp đồng

Hợp đồng hay giao dịch có điều kiện phát sinh là giao dịch đã được xác lập nhưng chỉ phát sinh hiệu lực khi có sự kiện được coi là điều kiện xảy ra (điều kiện do các bên thỏa thuận). Giao dịch có điều kiện huỷ bỏ là giao dịch được xác lập và phát sinh hiệu lực nhưng khi có sự kiện là điều kiện xảy ra thì giao dịch bị huỷ bỏ.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan