18

Th8

QUY ĐỊNH VỀ CHỈ ĐỊNH NGƯỜI BÀO CHỮA TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Quyền được người bào chữa của người bị buộc tội là một quyền tố tụng cơ bản trong giải quyết vụ án hình sự. Để bảo đảm quyền bào chữa cũng như bảo đảm sự công bằng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự đã quy định về việc chỉ định người bào chữa trong giải quyết vụ án nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa. Mời các bạn cùng theo dõi vấn đề này thông qua bài viết dưới đây của Luật 3S.

1. Người bào chữa là ai?

Theo quy định tại Điều 72 BLTTHS 2015, Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.

Người bào chữa có thể là:

a) Luật sư;

b) Người đại diện của người bị buộc tội;

c) Bào chữa viên nhân dân: là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức pháp lý, đủ sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận cử tham gia bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.

d) Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Cũng theo quy định của BLTTHS 2015, Một người bào chữa có thể bào chữa cho nhiều người bị buộc tội trong cùng vụ án nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau. Nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một người bị buộc tội. Tuy nhiên, những người sau đây không được là những người sau đây:

Một là, Người bào chữa là người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó;

Hai là, người bào chữa là người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

Ba là, người bào chữa là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xoá án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

2. Trường hợp được chỉ định người bào chữa

Căn cứ theo Điều 75, Điều 76 BLTTHS 2015 quy định, Người bào chữa sẽ do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn. Theo đó, khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, bị tạm giam thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, bị tạm giữ phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.

Trong trường hợp người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Một là, chỉ định người bào chữa đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;

Trong các trường hợp này, có thể thấy pháp luật mong muốn đảm bảo cho bị can, bị cáo bị buộc tội về tội đặc biệt nghiêm trọng có được người bào chữa để bảo vệ cho họ, làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét thận trọng hơn trong mối tương quan so sánh giữa các chứng cứ của bên buộc tội và gỡ tội, cân nhắc ra quyết định phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Hai là, chỉ định người bào chữa đối với người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.

Quy định này hoàn toàn hợp lý và nhân đạo đối với bị buộc tội vì dễ dàng nhận thấy trong các trường hợp này họ không có khả năng tự bào chữa tốt cho mình trước sự buộc tội của cơ quan công tố (Viện kiểm sát) nên việc chỉ định người bào chữa là hoàn toàn hợp lý.

Như vậy, không phải mọi trường hợp người bị buộc tội hay người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng đều phải chỉ định người bào chữa, mà việc chỉ định người bào chữa chỉ áp dụng đối với các trường hợp theo quy định nêu trên. Theo đó, khi xác định người bị buộc tội thuộc trường hợp phải chỉ định người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho người đang bị buộc tội gồm:

a) Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa;

b) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý;

c) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.

3. Quyền từ chối, thay đổi người bào chữa được chỉ định

Theo quy định tại Điều 77 BLTTHs 2015, Người bị buộc tội; Người đại diện của người bị buộc tội hoặc Người thân thích của người bị buộc tội có quyền từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa được chỉ định. Theo đó, trong mọi trường hợp thay đổi hoặc từ chối người bào chữa đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án, trừ trường hợp người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi thì không cần phải có sự đồng ý của người bị buộc tội.

Căn cứ theo yêu cầu thay đổi người bào chữa của Người bị buộc tội; Người đại diện của người bị buộc tội hoặc Người thân thích của người bị buộc tội, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp tục chỉ định người bào chữa khác theo quy định tại khoản 2 Điều 76 của BLTTHS 2015. Đối với trường hợp từ chối người bào chữa của người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội là người có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối người bào chữa.

4. Thủ tục chỉ định người bào chữa

Theo Điều 5 Thông tư 46/2019/TT-BCA quy định về việc thực hiện thủ tục chỉ định người bào chữa như sau:

Đối với người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 hoặc người đại diện hoặc người thân thích của người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa có đơn yêu cầu người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam thực hiện các quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư 46/2019/TT-BCA ngày 10 tháng 10 năm 2019 của Bộ Công an. Nếu người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa không có đơn yêu cầu người bào chữa thì thực hiện như sau:

– Trong thời hạn 03 ngày kể từ khi nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền mà người đại diện hoặc người thân thích của những người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 không có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm thực hiện các thủ tục chỉ định người bào chữa được quy định tại khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

– Khi nhận được văn bản cử người được quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, trong thời hạn không quá 24 giờ, Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra có trách nhiệm gặp bị can thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người đại diện hoặc người thân thích của những người quy định tại điểm b khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 để họ có ý kiến về việc chỉ định người bào chữa; việc gặp phải được lập biên bản và ghi rõ ý kiến của bị can, người đại diện hoặc người thân thích về việc có đồng ý hoặc thay đổi hoặc từ chối người bào chữa. Trường hợp đồng ý chỉ định người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án làm căn cứ để tiến hành thủ tục đăng ký bào chữa.

– Trường hợp thay đổi người bào chữa, nếu bị can, người đại diện hoặc người thân thích nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan của người bào chữa đó để phân công; nếu không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm gửi đến một trong các cơ quan quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 để cử lại người.

– Trường hợp từ chối người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đã cử người, người được cử chỉ định. Điều tra viên, Cán bộ điều tra có trách nhiệm thống nhất với người được cử chỉ định về thời gian gặp bị can thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người đại diện hoặc người thân thích của những người quy định tại điểm b khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 để xác nhận việc từ chối.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan