29

Th5

QUY ĐỊNH VỀ ÁP DỤNG ÁN LỆ TRONG GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ

Hiện nay, việc áp dụng án lệ vào xét xử ngày càng phổ biến, giúp làm rõ những quy định còn nhiều cách hiểu khác nhau. Vậy án lệ là gì? Cơ chế áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự được quy định như thế nào?

1. Án lệ là gì?

Án lệ được định nghĩa tại Điều 1 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Như vậy, án lệ được hiểu là cách giải thích và áp dụng luật pháp của các Tòa án trong các vụ việc tranh chấp. Cách giải quyết này đã được coi như một tiền lệ để các thẩm phán sau đó có thể vận dụng theo trong các trường hợp tương tự. Xét xử theo án lệ là việc tòa cấp dưới vận dụng các phán quyết có từ trước của Tòa án cấp trên để đưa ra một phán quyết mới tương tự trong một vụ việc tương tự.

2. Tiêu chí công nhận án lệ

Không phải bất kỳ phán quyết có hiệu lực pháp luật nào của Tòa án cũng có thể trở thành án lệ. Để được xem là án lệ thì bản án, quyết định của Tòa án cần phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định. Theo đó, Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí tại Điều 2 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP gồm:

– Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể;

– Có tính chuẩn mực;

– Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Những bản án, quyết định của Tòa án thỏa mãn các tiêu chí nêu trên sẽ được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thảo luận, biểu quyết thông qua án lệ. Án lệ được xem xét thông qua khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Được phát triển từ bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án và đã được lấy ý kiến theo hướng dẫn tại Điều 4 và Điều 5 của Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP;

b) Được Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đề xuất;

c) Được Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao đề xuất;

d) Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.

Án lệ được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao biểu quyết thông qua sẽ được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành quyết định công bố án lệ.

3. Nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử

Căn cứ theo Điều 8 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP, Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố.

Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án.

Trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự.

4. Khi nào áp dụng án lệ vào trong xét xử

Theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam, trong trường hợp không có văn bản quy phạm pháp luật, không có tập quán và không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng. Cụ thể, Điều 6 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định:

 “1. Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.

2. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”.

Như vậy, ở Việt Nam, án lệ được vận dụng để giải quyết vụ việc dân sự khi không có văn bản pháp luật cũng như các loại nguồn khác điều chỉnh. Bên cạnh đó, án lệ ở Việt Nam không phải là toàn bộ bản án, quyết định của Toà án mà chỉ là “những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Đó là những nội dung trong bản án quyết định của Toà án chứa đựng những lập luận để giải thích những vấn đề, sự kiện pháp lý, chỉ ra nguyên tắc hoặc quy phạm pháp luật cần áp dụng hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể.

Về nguyên tắc, án lệ được áp dụng khi không có văn bản quy phạm pháp luật, không có tập quán và không thể áp dụng tương tự pháp luật. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự. Trường hợp không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án. Như vậy, trường hợp vụ án vừa có tập quán, vừa có án lệ thì Hội đồng xét xử có bắt buộc phải viện dẫn án lệ hay không? Mặt khác, xét thứ tự thì án lệ được xếp sau áp dụng tương tự pháp luật nhưng khi một vụ việc đã có án lệ nghĩa là đã có giải pháp pháp lý rõ ràng thì có cần thiết phải áp dụng tương tự pháp luật hay không? Nếu áp dụng tương tự pháp luật thì án lệ sẽ mất đi vai trò và giá trị của nó. Đây cũng là khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Đến nay đã có tổng số 63 án lệ (tính đến ngày 24/02/2023) được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua làm cơ sở cho việc thực hiện áp dụng pháp luật. Và đã có nhiều án lệ được đưa vào áp dụng trong những bản án dân sự cụ thể. Tuy nhiên, để án lệ phát huy tốt vai trò của nó thì cần có những điều chỉnh và cơ chế áp dụng rõ ràng hơn.

 

Tham khảo

– Bộ luật dân sự 2015;

– Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP quy trình lựa chọn công bố và áp dụng án lệ;

– Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 01 (449), tháng 01/2022. 

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan