29

Th5

THỦ TỤC ĐỂ NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI GÓP VỐN, MUA CỔ PHẦN, PHẦN VỐN GÓP TRONG CÔNG TY VIỆT NAM 

Để thúc đẩy phát triển kinh tế nhà nước thực hiện nhiều chính sách để thu hút đầu tư trong nước lẫn ngoài nước. Theo đó, đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài có mong muốn tham gia đầu tư kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, để nhà đầu tư thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp Việt Nam thì nhà đầu tư đo phải đáp ứng những điều kiện nhất định đồng thời doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục pháp lý với cơ quan có thẩm quyền để nhà đầu tư được công nhận đầu tư hợp pháp tại Việt Nam.

 

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

(1) Cam kết WTO và các Điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam tham gia ký kết hoặc gia nhập;

(2) Luật Đầu tư 2020;

(3) Luật Doanh nghiệp 2020;

(4) Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư;

(5) Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;

(6) Các văn bản pháp lý có liên quan khác.

 

II. NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI LÀ AI?

Căn cứ theo khoản 18,19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020, Nhà đầu tư được hiểu là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài có hai dạng:

Một là cá nhân có quốc tịch nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam bao gồm: Cá nhân có quốc tịch nước ngoài hoặc Cá nhân mang hộ chiếu Việt Nam và hộ chiếu nước ngoài sử dụng hộ chiếu nước ngoài để đầu tư vào Việt Nam

Hai là tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam bao gồm: Công ty thành lập theo pháp luật nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế khác được thành lập theo pháp luật nước ngoài

 

III. ĐIỀU KIỆN ĐỂ NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI GÓP VỐN, MUA CỔ PHẦN, MUA PHẦN VỐN GÓP TRONG CÔNG TY VIỆT NAM

Theo quy định tại Điều 24 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của công ty Việt Nam phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau đây:

Một là, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Điều 9 của Luật Đầu tư 2020 và các Điều 15, 16 và 17 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư 2020

Hai là, điều kiện về bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của luật đầu tư

Ba là, đáp ứng quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận, quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.

 

IV. HÌNH THỨC ĐỂ NHÀ ĐẦU TƯ GÓP VỐN, MUA CỔ PHẦN, MUA PHẦN VỐN GÓP CÔNG TY VIỆT NAM

a) Nhà đầu tư được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:

– Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;

– Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;

– Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc 02 trường hợp trên.

b) Nhà đầu tư mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam theo các hình thức sau đây:

– Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;

– Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;

– Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;

– Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc 03 trường hợp trên.

(Điều 25 Luật Đầu tư 2020)

 

V. CÁC TRƯỜNG HỢP CẦN PHẢI ĐĂNG KÝ KHI GÓP VỐN, MUA CỔ PHẦN, PHẦN VỐN GÓP VÀO TỔ CHỨC KINH TẾ CỦA NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Căn cứ theo quy định tại Điều 26 Luật Đầu tư 2020, Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;

b) Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp:

– Tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%;

– Tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế;

c) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Như vậy, trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp, mua cổ phần dưới 51% trong doanh nghiệp tại Việt Nam, đầu tư kinh doanh các ngành nghề không có điều kiện không phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp mà chỉ cần thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

Tuy nhiên, về mặc thực tiễn, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban quản lý các KCN, KCX của các địa phương vẫn yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong công ty Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài mua vốn trong công ty kinh doanh dịch vụ giáo dục đào tạo tại Việt Nam cũng cần phải  thực hiện thủ tục xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

 

VI. THỦ TỤC GÓP VỐN, MUA CỔ PHẦN, PHẦN VỐN GÓP CHO NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TRONG CÔNG TY VIỆT NAM

Đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp, mua cổ phần đầu tư kinh doanh các ngành nghề có điều kiện hoặc trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp công ty Việt Nam dẫn tới nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 51% vốn điều lệ thì trình tự thủ tục như sau:

Bước 1: Đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp

a) Thành phần hồ sơ chuẩn bị

Doanh nghiệp có nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm:

– Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về đăng ký doanh nghiệp của tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; ngành, nghề kinh doanh; danh sách chủ sở hữu, thành viên, cổ đông sáng lập, danh sách chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (nếu có); tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trước và sau khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế; giá trị giao dịch dự kiến của hợp đồng góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; thông tin về dự án đầu tư của tổ chức kinh tế (nếu có); (Mẫu A.I.7 ban hành kèm theo Thông tư 03/2021/TT-BKHĐ)

– Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân, tổ chức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;

– Văn bản thỏa thuận nguyên tắc về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp giữa nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp hoặc giữa nhà đầu tư nước ngoài với cổ đông hoặc thành viên của tổ chức kinh tế đó;

– Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 65 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.

b) Nơi nộp hồ sơ

Doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa – Sở kế hoạch đầu tư tỉnh (thành phố) nếu doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài làm thủ tục chấp thuận góp vốn/mua cổ phần, phần vốn góp nằm ngoài Khu công nghiệp, khu chế xuất. Trường hợp Doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp nằm trong Khu công nghiệp, khu chế xuất nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa Ban quản lý khu công nghiệp khu chế xuất.

Khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ một cửa sẽ in giấy biên nhận hồ sơ và hẹn ngày trả kết quả.

c) Thời hạn giải quyết

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu nhà đầu tư đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ ra thông báo chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài đăng ký thủ tục chấp thuận góp vốn/mua cổ phần, phần vốn góp để nhà đầu tư thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thủ tục thay đổi thành viên theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.

Trường hợp tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới và xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện thủ tục sau:

a) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an về việc đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm b khoản 4 Điều 65 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP;

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ quan đăng ký đầu tư, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có ý kiến về việc đáp ứng điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; quá thời hạn yêu cầu mà không có ý kiến thì được coi là đã đồng ý việc đáp ứng điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;

c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Đầu tư, khoản 4 Điều 65 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP và căn cứ ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để thông báo cho nhà đầu tư. Văn bản thông báo được gửi cho nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

d) Lệ phí thủ tục: Thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp nhà đầu tư nước ngoài được miễn lệ phí nhà nước.

Bước 2: Đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Doanh nghiệp sau khi thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phàn, phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài thì thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp) và pháp luật khác (đối với tổ chức kinh tế không phải doanh nghiệp).

 

VII. MỘT SỐ LƯU Ý ĐỐI VỚI NHÀ ĐẦU TƯ THỰC HIỆN GÓP VỐN, MUA CỔ PHẦN, PHẦN VỐN GÓP TRONG CÔNG TY VIỆT NAM

Khi đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý các vấn đề sau:

Thứ nhất, về ngành nghề kinh doanh của công ty tiếp nhận vốn

Một số trường hợp, nếu ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp nhận vốn đầu tư có những ngành nghề mà Việt Nam chưa cam kết mở cửa thị trường, thì Sở kế hoạch và đầu tư hoặc Ban quản lý các KCN, KCX có liên quan sẽ gửi công văn hỏi ý kiến Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và bộ quản lý chuyên ngành trước khi quyết định chấp nhận hay không chấp nhận cho nhà đầu tư giữ lại các ngành nghề. Vì vậy, trước khi thực hiện thủ tục nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp nhận vốn cần nghiên cứu kỹ các ngành nghề của công ty mình và đối chiếu với Bản cam kết WTO, các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, quy định của pháp luật chuyên ngành về lĩnh vực đó. Trường hợp có ngành nghề phải xin ý kiến của Bộ ban ngành thì để giảm bớt khó khăn trong thủ tục, nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp nhận vốn có thể xem xét cam kết loại bỏ những ngành nghề này nếu không kinh doanh hoặc thực sự không cần thiết. Trường hợp doanh nghiệp vẫn muốn giữ lại những ngành nghề này thì doanh nghiệp phải chờ xin ý kiến của Bộ ban ngành về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận cho phép đầu tư ngành nghề này.

Thứ hai, theo khoản 3 Điều 5 Thông tư  06/2019/TT-NHNN, việc góp vốn đầu tư bằng tiền của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam phải được thực hiện thông qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp. Do đó, Nhà đầu tư nước ngoài phải mở một tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại một ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam. Có thể được mở bằng đồng Việt Nam hoặc bằng ngoại tệ, tùy thuộc vào đồng tiền được dùng để góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp. Tiền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp phải được chuyển vào tài khoản vốn đầu tư gián tiếp trước khi được chuyển vào công ty tiếp nhận vốn (đối với trường hợp góp vốn vào công ty TNHH, công ty hợp danh), hoặc chuyển vào tài khoản của bên chuyển nhượng (đối với trường hợp mua cổ phần, phần vốn góp).

Thứ ba, cổ phần, phần vốn góp được chuyển nhượng phải là cổ phần, phần vốn góp đã được thanh toán đầy đủ cho công ty. Do đó, trước khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, nhà đầu tư nước ngoài nên yêu cầu bên chuyển nhượng hoặc công ty có liên quan cung cấp đầy đủ chứng từ chứng minh số cổ phần, phần vốn góp đó đã được thanh toán đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, về nghĩa vụ thuế phát sinh. Nhà đầu tư nước ngoài nên yêu cầu bên chuyển nhượng thực hiện thủ tục kê khai, nộp thuế thu nhập phát sinh trong vòng 10 ngày kể từ ngày ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp để tránh trường hợp nhà đầu tư nước ngoài bị liên đới do bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cáo buộc trốn thuế hoặc vi phạm nghĩa vụ về thuế phát sinh do nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp. Đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty TNHH, công ty hợp danh, mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc phát hành thêm của công ty cổ phần, công ty tiếp nhận vốn góp, vốn cổ phần không phải thực hiện thủ tục kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan